Tổ ấm của đạo diễn Lý An: có một cái chuồng Gà, không có Hổ nào ngọa

Xa vợ con nhưng không xa nổi bánh bao

Lý An (Ang Lee) là chủ nhân của những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới, nhưng thực tế là trong ngôi nhà 4 phòng ngủ ở New York của ông không hề có một phòng nào để xem phim, ông cũng hiếm khi dung máy vi tính hay điện thoại di động. Thay vì một bể bơi hoành tráng sau nhà như các ngôi sao khác, ông có một cái chuồng gà.

“Tôi không sống theo kiểu Hollywood”, vị đạo diễn có gốc gác Đài Loan nói, rõ ràng, giản dị. “Ở Đài Loan, tôi sẽ giống như Michael Jordan xuống phố vậy. Còn ở đây, tôi có thể sống một cuộc sống bình thường và vẫn làm phim ngay tại thành phố”.

Đạo diễn lừng danh thế giới Lý An 

Vợ của Lý An là Jane Lin, một nhà vi trùng học. Các con của họ là Haan và Mason. Ông bà cho con tới học tại các trường công vì muốn chúng sống theo cách thật giản dị. Khi ở nhà, Lý An là một ông bố ngoại ô điển hình. Ông bảo: “Tôi lái xe đưa Mason đến gặp bạn bè, đón chúng rồi đưa về nhà. Đưa nó tới lớp học đàn cello và các cuộc biểu diễn độc tấu. Bạn bè của Mason biết rõ những gì tôi làm, song tôi chỉ đơn thuần là một ông bố rất thường”. Lý An còn rất giỏi nấu ăn. Ông không quen ăn đồ ăn Mỹ và vợ ông lại không có hứng thú bếp núc. Thế là bất cứ lúc nào có thể, Lý An liền vào bếp làm mì vằn thắn, bánh bao hoặc chế biến những món cao lương mỹ vị kiểu Hoa khác.

Ở nhà, hai vợ chồng Lý An vẫn trò chuyện với nhau bằng tiếng Hoa nhưng họ lại nói với các con bằng tiếng Anh. Lý An cũng thích xem các lễ hội Trung Quốc truyền thống, nhưng ông tiết lộ là bà Jane lại không hào hứng theo dõi những sự kiện này.

Trong khi Lý An chịu trách nhiệm bếp núc thì bà Lin phụ trách chuồng gà. Jane y như “mama tổng quản” trong gia đình họ. “Bà ấy có 3 thằng con, bao gồm cả tôi, và chúng tôi phải nghe lệnh bà ấy. Bà ấy lập pháp còn chúng tôi phải chấp hành” – Lý An đùa.

Mỗi năm có tới 6 đến 10 tháng Lý An đi làm phim xa nhà. “Thật là khổ khi phải xa gia đình lâu thế”, Lý An chia sẻ, vì ông phải chuẩn bị và làm đông lạnh vài trăm cái bánh bao trước khi đi.

Nhưng rồi vòng tuần hoàn ấy cũng trở nên quen thuộc. Ông ở Trung Quốc suốt 5 tháng liền khi làm phim “Ngọa hổ, tàng long” và thậm chí còn lâu hơn khi làm phim “Sắc, giới”.

“Tôi thấy tệ lắm. Tôi chẳng bao giờ được xem Haan trong trận thi đấu kiếm thuật nào. Tôi bỏ lỡ mọi trò chơi của con tôi. Tôi bỏ lỡ hầu hết những năm tháng niên thiếu của con tôi” – Ông buồn bã thổ lộ. Nhưng may mắn cho ông, vợ con ông là hậu phương tuyệt vời cho những tham vọng nghệ thuật mà ông theo đuổi.

“Đó là một việc đồng đội. Tôi không thể làm một mình. Tôi cần sự ủng hộ của vợ con. Chúng tôi không hối tiếc vì tôi bỏ lỡ một phần cuộc sống gia đình nhưng lại làm ra những bộ phim hay. Đó là điều xứng đáng. Bạn sẽ cần phải hi sinh điều gì đó cho thành tích. Rất nhiều người đã hy sinh và không nhận được kết quả tương tự. Chúng tôi đã được thưởng hậu hĩ”.

Như để bù đắp, Lý An đã cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho cậu con trai thứ hai. Ông chuyển việc làm hậu kỳ phim tới một xưởng ở Rye, nhờ thế mà ông có thể tham dự các trận bóng đá của Mason. Ông lo lắng khi Mason bé nhất đội và run lên mỗi khi con trai ông quyết định xoay người móc bóng. Ông theo con tới những buổi diễn kịch ở trường, đôi khi ông cũng giúp đạo diễn khi bà ốm, nhưng ông khiêm nhường và giấu mình đến mức chẳng ai nhận ra vị phụ huynh kia chính là đạo diễn lừng danh thế giới.

Đi qua “địa ngục” để đến “thiên đường”

Lý An được sinh ra và lớn lên ở Đài Loan, trong một gia đình có 4 người con. Mẹ ông là Se-Tsung, vốn là một bà giáo cấp 2, vẫn sống ở cố hương trong khi con trai bôn ba bốn bể. Cha ông là Sheng Lee, đã qua đời ở tuổi 91, vốn là hiệu trưởng trường cấp 2 ở Đài Loan mà Lý An từng theo học. Người cha nghiêm khắc ấy từng mong muốn con trai mình giành được học vị tiến sĩ ở Mỹ và làm được điều có ích. Nhưng Lý An lại có những suy nghĩ khác. Ông kể: “Tôi rất ít nói, nhút nhát và ngoan ngoãn. Tôi thích xem phim và tự dựng những cảnh phim trong đầu”. Sau khi thi trượt đại học, ông theo học Kịch nghệ 3 năm ở một trường cao đẳng. Tất nhiên là cha ông không vui. “Văn hóa của tôi không coi trọng việc diễn xuất. Làm trong ngành giải trí như thể là điều đáng xấu hổ, kém đạo đức. Nhưng mỗi khi được diễn trên sân khấu, tôi biết rằng đó chính là chỗ của tôi”.

Năm 1978, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Lý An tới Mỹ học về Sân khấu tại Đại học Illinois. Ngay trong tuần đầu tiên tới đây, ông đã gặp Lin trên chiếc xe tới Gary để cổ vũ cho đội tuyển Đài Loan trong giải đấu Little League. Lý An chọn làm phim thay vì làm diễn viên bởi vì hạn chế về tiếng Anh của mình. “Làm phim dễ hơn với tôi. Đó là hình ảnh và âm thanh. Không có quá nhiều ngôn ngữ như khi phải diễn trên sân khấu”.

Giành được bằng thạc sĩ Nghệ thuật ở Đại học New York sau khi đã tốt nghiệp Đại học Illinois, năm 1983, Lý An kết hôn với Lin và cậu bé Haan chào đời 1 năm sau đó. Vỡ mộng vì quá ít cơ hội làm phim dành cho người châu Á ở Mỹ, Lý An đã định trở về Đài Loan. Nhưng kế hoạch hồi hương của ông thay đổi theo cách đầy kịch tính. Vào 9 giờ rưỡi đêm trước khi hành lý của ông lên tàu về Đài Loan, ông nhận được một cú điện thoại báo rằng luận văn dài 43 phút của ông “Fine Line” đã giành giải thưởng của Đại học New York cho đạo diễn xuất sắc. Ông lập tức được Hãng William Morris nhận vào làm.

Nhưng đó mới chỉ là bước chân đầu tiên trên bậu cửa. “Chẳng có gì. Chẳng ai mướn tôi qua hãng. Tôi chờ việc mỏi mòn, nhưng chẳng có gì đến. Tôi nhận ra là tôi phải viết kịch bản riêng cho mình”. Từ năm 1986 tới những năm 1990, gia đình họ Lý phải sống dựa vào thu nhập của bà Lin. “Tôi gửi hết kịch bản này đến kịch bản khác, nhưng phần lớn đã bị trả về. Nếu cái nào được quan tâm, tôi sẽ viết lại thật nhanh, gửi tiếp và chờ đợi tuần này qua tuần khác. Đó là thời gian khổ nhất đối với Jane và tôi. Cô ấy không hiểu sự nghiệp phim ảnh thì trông như thế nào, và tôi cũng vậy”. Hàng trăm kịch bản đã bị trả về cho tới khi Lý An tham gia một cuộc thi do Đài Loan tài trợ với kịch bản “Thôi thủ” (Pushing Hands) nói về một thầy giáo Thái cực quyền Trung Quốc truyền thông sống ở Westchester.

Năm 1991, “Thôi thủ” được trình chiếu ở Đài Loan và thành công vang dội. Tiếp nối thành công, Lý An làm bộ phim “Tiệc cưới” (The Wedding Banquet) vào năm 1993 và bộ phim này đã mang tới cho ông cái danh là ứng viên Giải Oscar (Giải thưởng Viện Hàn lâm) cho Phim tiếng nước ngoài hay nhất. Từ đó trở đi, gần như mỗi năm, ông làm một bộ phim. “Tôi như phiêu diêu nếu không có gì để làm bởi vì đã mất 6 năm chờ đợi”, Lý An thổ lộ.  

Năm 1994, bộ phim “Ẩm thực Nam Nữ” ra đời, Lý An bắt đầu có một bộ phim doanh thu cực lớn. Phim đã được đề cử giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất và BAFTA. Lý An bắt đầu làm phim tại Hollywood. “Lý trí và Đa cảm” mang lại đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Kate Winslet, đoạt giải Kịch bản chuyển thể cho Emma Thompson và được đề cử Phim hay nhất tại Oscar, đoạt giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Berlin và rất nhiều giải thưởng điện ảnh của Anh, được Hội phê bình Quốc gia bình chọn là Đạo diễn xuất sắc nhất của năm. Năm 1997, vẫn với phong cách tâm lý xã hội, bộ phim “Bão Lạnh” (The Ice Storm) với hàng loạt ngôi sao Hollywood tham gia đã mang về cho Lý An thêm nhiều thành công khác, đặc biệt là tại Liên hoan phim Cannes. Điều đặc biệt là sau bộ phim này, ông đã mua được ngôi nhà ở Larchmont, mặc dầu khi ấy nó mới chỉ là một căn nhà kiểu nông thôn nhỏ, rẻ tiền ở vùng đầm lầy đầy bùn đất.

1 năm sau, Lý An đang làm phim ở Kansas thì có điện thoại từ nhà. Con gà nhép mà bà Lin mang về đã bị lạc ra đầm lầy và chết. “Bọn trẻ khóc lên, khóc xuống qua điện thoại. Để an ủi chúng, Jane Lin đã mua con gà khác. Và thêm con khác nữa. Khi tôi trở về nhà, Jane và bọn trẻ đang nuôi gà”, ông cười hóm hỉnh. Sau khi được hàng xóm góp ý, họ đã chuyển chuồng gà ra sau nhà, và chuồng gà ấy vẫn còn tới hôm nay.

Năm 1999, Lý An thử sức với đề tài nội chiến với sự xuất hiện với sự diễn xuất của nữ ca sĩ Jewel, phim “Đi cùng với quỷ”. Đầu năm 2001, Lý An nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Hiệp hội đạo diễn Hoa Kỳ. Năm 2002, bộ phim “Ngọa hổ tàng long” của ông đã trở thành một hiện tượng trong làng điện ảnh thế giới với 4 giải Oscar và số doanh thu khổng lồ 130 triệu USD.

Lý An đã định nghỉ hưu sớm, nhưng đúng lúc ấy, cha ông lại có lời khuyến khích: “Con phải tiếp tục, con không thể từ bỏ”. Rốt cuộc, lựa chọn làm phim của Lý An đã được cha chấp nhận, không phải vì ông đã có được giải Oscar, mà vì ông vẫn giữ được một cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, thời điểm ấy Lý An cũng đã kiệt sức sau một giai đoạn hoạt động sôi nổi, ông chỉ muốn làm gì đó để khỏi quá buồn khi ở nhà. Vì thế, ông tham gia vào một bộ phim nhỏ, độc lập mà ông nghĩ là sẽ không phải để ý nhiều và có thời gian gặp gỡ vợ con thường xuyên. Đó chính là phim “Brokeback Moutain”. Ông đã làm trong tâm thế vô cùng thoải mái với suy nghĩ là chẳng ai xem nó. Ấy thế mà năm 2006, ông đã đoạt giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất của chính bộ phim mà ông nghĩ là “nhỏ”: “Brokeback Moutain”.

Đến khi làm xong phim “Sắc, giới” với những cảnh quay nóng bỏng, Lý An tiếp tục kiệt sức với 50 cuộc phỏng vấn mỗi ngày. Những lúc như thế, ông chỉ muốn về nhà và vui vầy bên vợ con.

“Tôi sẽ là một túi khoai tây thôi” – ông ví von với cảnh giá áo túi cơm, nghỉ ngơi ăn không ngồi rồi. Nhưng ông có bao giờ nghĩ, bộ phim “Cuộc đời của Pi” được ngợi khen như một “siêu phẩm điện ảnh” với những cảnh quay tuyệt đẹp và triết lý gọn gàng mà sâu sắc về cuộc đời mới ra mắt công chúng chính là bằng chứng cho đam mê nghệ thuật chưa hề mệt mỏi của vị đạo diễn tài năng ấy.

Man Nhi (theo Đang yêu)


From the same category