Thoái lui khỏi khu công nghiệp

Người dân nuôi tôm ở xã Phước Vĩnh Tây thuộc dự án KCN Long Hậu 3, huyện Cần Giuộc, Long An. Nhiều người dân nơi đây không hề biết sự tồn tại của KCN này và chủ đầu tư cũng chưa hề triển khai gì (ảnh chụp chiều 20-1) – Ảnh: THUẬN THẮNG

Trên con đường dẫn vào các xã Phước Lại, Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, Long An, những chiếc xe bốn bánh phải vất vả bò trên con đường đầy ổ gà đất đá lởm chởm. Đó cũng là con đường vào khu dự án KCN Long Hậu 3, rộng cả ngàn hecta do Công ty CP Long Hậu làm chủ đầu tư sau hai năm cấp phép hiện vẫn chưa thể triển khai.

“Khó trăm đường”

Năm 2010, KCN Long Hậu 3 được Chính phủ bổ sung vào danh mục KCN quốc gia với diện tích 1.165ha. Nếu đúng tiến độ, dự án đã được triển khai trong năm 2011 và đến nay đã đi vào thu hút đầu tư, thế nhưng theo ông Nguyễn Bá Tùng, phó tổng giám đốc Công ty CP Long Hậu, nguyên nhân chính do cơ sở hạ tầng ngoài KCN chưa hoàn thiện.

“Một lý do khác khiến chúng tôi bế tắc là do giá đền bù quá cao”, ông Tùng thừa nhận. Long Hậu 3 vừa rơi vào danh sách một trong những dự án đầu tư KCN tại Long An phải giảm diện tích so với quy hoạch ban đầu, xuống còn 891ha.

Tương tự, KCN Nam Thuận (Long An) cũng vừa phải đề nghị giảm diện tích đến 29ha so với cam kết ban đầu. Nhìn vào khu quy hoạch vẫn còn hoang sơ, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư – phát triển Hưng Thuận tiếc rẻ, do khó khăn về tài chính nên mới chỉ đền bù giải phóng mặt bằng được khoảng 50% diện tích. Các dự án KCN khác của Hưng Thuận như KCN Minh Ngân với diện tích 140ha cũng chỉ mới triển khai hạ tầng được 20% và KCN Việt Phát ở Thủ Thừa (Long An) chỉ đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch…

Ông Hồ Xuân Việt, giám đốc kế hoạch – tổng hợp Công ty Hưng Thuận, phân tích: “Ném lao rồi thì phải theo, ngày xưa làm KCN ngon ăn nhưng bây giờ khó trăm đường. Sau nghị định 69 đẩy giá đền bù mặt bằng quá cao, nay đền bù một KCN bình quân cũng 500 tỉ đồng. Chưa kể đầu tư KCN lại bị xếp vào đầu tư bất động sản nên hiện nay nguồn vốn vay ngân hàng rất khó, nếu vay được thì tính cả phí này phí kia cũng đội lên 19-20%. Chỉ tính đơn giản như vậy qua năm năm lãi suất đã đẩy giá đầu vào của một KCN tăng gấp đôi…”.

Ông Việt cho biết thêm hiện giờ chỉ dám đầu tư hạ tầng theo dạng cuốn chiếu, tức nhà đầu tư vào tới đâu làm hạ tầng tới đó. Vì ngoài tiền đền bù thì chi phí xây dựng hạ tầng còn cao hơn (tại Long An khoảng 40 USD/m2), do vậy chỉ dám xây dựng hạ tầng thiết yếu, còn hạ tầng chi tiết nhà đầu tư xuống cọc mới có tiền làm.

Ngược về các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc… – những điểm “nóng” về phát triển KCN của Long An thời gian qua, nay hàng loạt KCN nằm im không thể triển khai vì thiếu vốn. Ông Phan Thành Phi – trưởng ban quản lý các khu kinh tế Long An – nói: “Sau một thời gian đầu tư vào KCN là miếng bánh béo bở khiến nhiều nhà đầu tư đều muốn xí phần đất. Nay những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính yếu phải bỏ dự án đã đành, những nhà đầu tư lớn cũng gặp khó xin trả dự án”.

Khó khăn khiến nhiều chủ đầu tư buộc phải xin giảm diện tích cam kết nhưng cũng có những nhà đầu tư chấp nhận thua lỗ trả lại dự án. KCN Phú Long là một trong số đó, khi chủ đầu tư dự án này là Tập đoàn Phú Long buộc phải giao lại cho chính quyền tỉnh Long An 292 ha đất dự án.

Gần đây nhất, Công ty CP Tập đoàn Khang Thông cũng đệ đơn lên chính quyền tỉnh Tiền Giang trả lại dự án KCN Bình Đông. Trong hàng loạt lý do khó khăn mà chủ đầu tư đưa ra có nguyên nhân do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng quá cao khiến doanh nghiệp này không kham nổi. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Bình Đông được cấp phép ngày 22-1-2010 với diện tích 212ha tại xã Bình Đông, thị xã Gò Công nhưng từ đó đến nay không thể triển khai…

Bà Phan Thị Phương Thảo – chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông – cho biết: “Đeo đuổi dự án KCN này cả ba bốn năm trời với biết bao nhiêu công sức và tiền của nhưng chúng tôi buộc phải trả lại dự án cho địa phương. Đơn giản tính riêng giá đền bù 60 USD/m2 chưa tính giá hạ tầng và các chi phí khác, trong khi giá cho thuê tại đây chỉ 35 USD/m2. Như vậy sao mà làm nổi”.

Ảnh hưởng thu hút đầu tư

Chủ đầu tư hạ tầng trả dự án, khiến dự án không được triển khai mà còn kéo theo các nhà đầu tư thứ cấp đã ký hợp đồng thuê đất mở nhà xưởng trước đó cũng rời bỏ theo.

Tại dự án KCN Bình Đông của Tập đoàn Khang Thông, trước đó tập đoàn xây dựng nhà máy lương thực của Thái Lan đã vào ký biên bản ghi nhớ thuê nhà xưởng để mở nhà máy sản xuất thiết bị chân không dự trữ gạo. “Họ dự định đưa công nghệ dây chuyền sản xuất từ Thái Lan qua và thuê một diện tích đất lớn tại KCN Bình Đông. Nhưng dự án gặp khó không triển khai được nên họ cũng đành rút lui”, bà Thảo cho hay.

Theo ông Nguyễn Tấn Phước, phó ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM (HEPZA), vài năm trước đầu tư vào KCN “có của ăn của để” khiến nhiều chủ đầu tư đi lệch hướng, đầu tư dàn trải bằng cách mở rộng nhiều khu tại nhiều địa phương khác nhau. Từ đây nhiều khu chủ đầu tư khi có tiền từ các nhà đầu tư thứ cấp lại mang đi đầu tư các khu mới mà không tăng cường cải thiện cơ sở hạ tầng trong khu hiện hữu, dẫn đến hạ tầng không hoàn thiện.

“Nay do khủng hoảng kinh tế khiến nhiều dự án lâm vào khó khăn tài chính không thể triển khai. Vấn đề này tác động không nhỏ tới môi trường thu hút đầu tư”, ông Phước kết luận.

Tại TP.HCM hiện nay theo quy hoạch đến năm 2015 sẽ có bảy KCN mới được mở và một số khu mở rộng diện tích. Tuy nhiên, theo Hepza, nhiều khu đang triển khai cũng gặp khó khăn khi giá đền bù cao và tình hình thu hút đầu tư gặp khó khăn. Cụ thể, các khu Hiệp Phước giai đoạn 2, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân 3… vẫn đang trong quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý giải phóng mặt bằng nên chưa thể kêu gọi thu hút đầu tư.

Nhà đầu tư thứ cấp cũng thoái lui

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết trong năm 2012 đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 32 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các dự án này quá 12 tháng không triển khai được hoặc do khó khăn về tài chính, chủ đầu tư làm đơn xin trả dự án. Trong số đó có Công ty TNHH MTV Taiwan Court Corporation gửi văn bản xin không triển khai dự án.

Vào tháng 4-2011 chủ dự án này đã thuê lại 6.000m2 đất tại KCN Tam Phước (Biên Hòa, Đồng Nai), tuy nhiên mới đây chủ dự án đã phải làm công văn trả lại dự án vì không thể triển khai. Một số dự án khác như Công ty TNHH Hy Vina, Công ty TNHH Halla Vina Industrial… cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Đầu tư chồng chéo

Ngoài khó khăn về tài chính, về thu hút đầu tư một số KCN còn gặp khó do chính sách cấp phép đầu tư còn chồng chéo. Tại Long An, dự án KCN Phước Đông (huyện Cần Đước, Long An) được Chính phủ phê duyệt cách đây bốn năm nhưng nay vẫn không thể thu hút đầu tư. Theo tìm hiểu, KCN này đang vướng giải tỏa mặt bằng dẫn đến không kết nối được hạ tầng. Vào đầu năm 2012 lãnh đạo Công ty Hartalega (Malaysia) đến KCN Phước Đông với nhu cầu thuê 40ha để mở nhà máy sản xuất găng tay cao su với số vốn đầu tư dự án 400 triệu USD. Nhưng công ty này cũng đành lắc đầu bỏ đi.

Đáng tiếc, đây không phải là trường hợp cá biệt, nhiều dự án trị giá hàng trăm triệu USD ngỏ ý mở nhà máy tại đây nhưng tất cả đều lắc đầu bỏ đi vì cơ sở hạ tầng tại khu này chưa thể kết nối…

Theo Tuổi trẻ

From the same category