Bộ tranh Tết Tố nữ: “Chị cũng xinh mà em cũng xinh”

Tố nữ và huyền tích tình yêu

Tôi đọc đi đọc lại câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương để hình dung ra dáng vẻ của những cô gái, trong bộ tranh “Tố nữ”; rồi tự hỏi vì sao đến nỗi, nữ sĩ tài danh kia phải thốt lên: “Đôi lứa như in tờ giấy trắng/ Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh…”. Và ai đã vẽ nên họ vậy tự xa xưa? Thật sự không thể xác định được. Giờ đây, chỉ còn những bản khắc gỗ để lại từ hàng trăm năm, lưu truyền trong tay những nghệ nhân dân gian. Đó là một trong những bộ tranh Tết được nhiều gia đình mua về treo để thêm niềm vui trong ngày xuân.

Có thể nói, đây là bộ tranh hiếm hoi trong những bộ tranh “Tứ bình”, vẽ các cô thiếu nữ, mặc áo dài, với những nhạc cụ dân gian trong tay. Niềm vui đến với mọi nhà, khi tiếng sáo, tiếng nhị rộn rã reo vang. Dáng điệu các cô gái mỗi người một vẻ, tạo nên nhịp điệu của âm nhạc ngày xuân. Niềm vui trong mắt cười, và những ngón tay mềm mại trong giai điệu du dương. Người ta nói ngắm bộ tranh “Tố nữ” mà lại nghe thấy lời ca, tiếng đàn là vì vậy. Từ nét mà thấy âm thanh vọng. Qua hình mà nghe nhạc điệu du dương. Thưởng dáng mà thấy hồn người phảng phất. Đó là cái vi diệu của ông cha ta xưa, trong cái thú chơi tranh ngày xuân.

Theo lưu truyền, thì chỉ phường tranh Hàng Trống mới có bộ tranh “Tố nữ”, với cách vẽ và tô màu riêng biệt của nó. 4 cô tố nữ đang hòa tấu nhạc cụ trong tư thế hài hòa, duyên dáng. Cô đánh đàn cao nhất. Cô thổi sáo thấp hơn chút. Còn đến cô cầm sênh và cầm quạt, tưởng như còn thấp nữa. Các họa sĩ dân gian có hàm ý lấy dáng vóc các cô gái để nói lên độ chênh lệch của âm thanh của từng nhạc cụ, và thể hiện sự hòa tấu rất quyến rũ. Nhưng có điều kỳ lạ, toàn bộ 4 bức lại rất hài hòa, cân đối, chứ không có cảm giác chênh vênh về hình và bố cục. Chính vì sự độc đáo đó mà từ lâu nay, bộ “Tố nữ” được mặc nhiên xem như là đặc sản của dòng tranh Hàng Trống, nơi đất kinh kỳ Hà Nội ngàn năm.

Bộ tranh Tố nữ Hàng Trống

Nhưng thực ra, ở làng Hồ nghe chừng xưa cũng có tranh 4 cô đàn sáo, xênh phách lai láng, xem ra còn bay bổng, uyển chuyển không kém. Hiện các nghệ nhân vẫn giữ bản khắc và cho in tranh bán vào dịp Tết hàng năm. Theo như nghệ nhân ở làng Hồ, xứ kinh Bắc, điều đặc biệt của bộ “Tố nữ” làng Hồ là ở dáng vẻ biểu hiện, ở những thế ngồi trên ghế. Khác hẳn với dáng các cô gái đứng trong tranh Hàng Trống. Khi có dịp về làng Hồ, đến nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, chúng tôi đã được nhìn bộ tranh “Tố nữ”, ngồi chơi đàn sáo, sáo ở đây. Thêm nữa, gia đình nghệ nhân còn cho xem bộ tranh khắc, gồm 7 bản, dùng để in thành tứ bình “Tố nữ” của làng Hồ. Tôi sực nhớ đến một câu thơ của cố thi sĩ Chế Lan Viên một thuở cũng đã viết, để ghi dấu hình ảnh tranh “Tố nữ” ở làng Hồ:

Điệu lục bát và màu xanh nơi ruộng rãy

Bức tranh làng Hồ, có tố nữ dáng quê hương

Và những câu chuyện xưa, liên quan đến những cô tố nữ, hay từ những vẻ đẹp nên thơ và cũng thật kì lạ, đã dệt nên những câu chuyện lãng mạn làm cho bộ tranh này thêm sự kỳ ảo. Ai mà quên được câu chuyện tình yêu đầy kì bí trong tích chuyện “Bích Câu kỳ ngộ”, qua tranh tố nữ thôn quê, được lưu truyền từ thời vua Lê Thánh Tông…

Có một thư sinh họ Trần, tên Tú Uyên, đã mua một bức tranh Tố nữ, về treo trong nhà. Hàng ngày, chàng mê mẩn ngắm nhìn người đẹp trong tranh. Trong lòng chàng tự hỏi, người đẹp ở đâu vậy, sao lại làm chàng xao xuyến khôn nguôi. Nàng là con cái nhà ai, sao lại xinh đẹp, dịu dàng đến vậy, làm ta ngẩn ngơ và lai láng những hồn thơ. Nàng có thể về với ta. Hát cho ta nghe. Múa cho ta xem và kể chuyện hằng đêm. Tú Uyên như mất hồn mỗi khi ngắm nhìn người đẹp và mơ mộng đủ điều.

Thế rồi, đến mỗi bữa ăn, chàng đều bày thêm bát đũa cho người đẹp trong tranh và vừa ăn, vừa trò chuyện cùng nàng. Tú Uyên xem cô gái đẹp trong tranh như người vợ hiền trong nhà, đi đâu cũng nhắn nhủ, và làm gì cũng hỏi han. Tình cảm chân thành và tha thiết của Tú Uyên đã làm động lòng người đẹp trong tranh. Cô gái đã hiện về, từ trong tranh bước ra, đó là Giáng Kiều. Cô lau dọn, quét nhà, thổi cơm cho chàng trai. Một mối tình thật si mê cảm hóa lòng người, đã đánh động đến ngay cả người đẹp ngỡ như vô hồn trong tranh…

Tố nữ bước chân vào nghệ thuật

Câu chuyện cổ tích về tình yêu này đã được nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ viết lại và sáng tạo thêm, trong nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau. Cách đây hơn 60 năm, nhà văn Tô Hoài đã từng viết một kịch bản “Tú Uyên – Giáng Kiều”, và được nhà viết chèo Trần Huyền Trân chuyển thể, cho đoàn chèo Kim Lan dàn dựng. Theo nhiều sử liệu ghi lại về tích cổ “Bích Câu kỳ ngộ”, chính là câu chuyện li kì, thần bí xảy ra ở trên đất Thăng Long. Hiện nay, ở phố Cát Linh, gần Văn Miếu còn có miếu thờ “Bích Câu đạo quán”, nghe nói xưa đó là nền nhà cũ của chàng nho sĩ Tú Uyên. Và hàng chục năm qua, cũng trên nền ngôi nhà của “Bích Câu đạo quán”, nghệ sĩ Bạch Vân đã lấy làm nơi truyền dạy và sinh hoạt của CLB ca trù Hà Nội. Hàng đêm, câu chuyện của Tú Uyên và Giáng Kiều lại được nhắc đến như một áng thơ bất tử, trong dòng văn học lãng mạn nhất của nước ta.

Cùng với đó là truyện thơ “Bích Câu kỳ ngộ” còn được Giáo sư Đặng Lương Mô dịch ra tiếng Nhật. Cuốn sách này đã được xuất bản tại Nhật, năm 1992, với lời giới thiệu của nhà thơ Arima Akito – Chủ tịch Hiệp hội Thơ Haiku thế giới. Ít ai ngờ sau đó, các nhạc sĩ Nhật Bản còn chuyển thể thành nhạc kịch “Kỳ ngộ”. Vở diễn đã làm lay động khán giả Nhật một thời qua câu chuyện tình duyên đặc sắc của Việt Nam. Khoảng cuối năm 1998, vở nhạc kịch này đã được đưa sang diễn ở Hà Nội và một số nước trên thế giới. Đến năm 2000, Giáo sư Đặng Lương Mô còn liên hệ với NXB Giáo dục cho in lại danh tác “Bích Câu kỳ ngộ” dưới dạng song ngữ Việt-Nhật với phần chú giải kỹ lưỡng cho từng địa danh của Hà Nội xưa được nhắc đến trong câu chuyện.

Và còn câu chuyện của Phạm Thái nữa chứ. Ông là một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Lê, quê ở Bắc Ninh, cũng có liên quan tới tranh Tố nữ, đã tạo nên một vụ án tình hận lạ lùng. Ấy là khi nhà thơ Phạm Thái, đã được cha của một người bạn ra đề vịnh thơ. Ngắm tranh tố nữ, rồi uống rượu làm thơ. Sau 10 chén rượu phải hoàn thành bài thơ về người đẹp trong tranh. Phạm Thái vâng mệnh cầm bút, vừa nhâm nhi chén rượu, vừa bay bổng cảm xúc cùng ý thơ. 10 chén rượu đã làm say tâm hồn thơ, cùng những cảm xúc trào dâng. Không ngờ, Phạm Thái còn làm được nhiều hơn thế, ông đã hoàn thành một bài thơ Đường, nhưng lại theo cách “thuận nghịch độc”; khi đọc xuôi là thơ chữ Hán, còn đọc ngược lại từ dưới lên trên và cả từng chữ trong câu thì thành bài thơ chữ Nôm, giải nghĩa cho bài thơ gốc chữ Hán đó. Phạm Thái chậm rãi đọc để cho mọi người ngẫm thấy chất nhạc và những hình ảnh miêu tả vẻ đẹp kiêu sa của người con gái trong tranh. Đó là sự sáng tạo của một kỳ tài.

Bài thơ hay, nhưng hơn thế, vì mến tài năng và ý chí của Phạm Thái trong cuộc sống, mà người cha này muốn gả con gái là Trương Quỳnh Như cho nhà thơ. Hai người gặp nhau và cùng thề non hẹn biển, hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Nhưng oái oăm thay, người mẹ không đồng ý và ép gả con gái cho một người khác. Quỳnh Như uất ức tự vẫn. Còn nhà thơ của tình yêu, đầy trầm luân trong cơn bĩ cực, đã đi lang thang đây đó, khắp chân trời góc bể, làm thơ và sống trong đạm bạc, cô đơn.

Bức tranh độc đáo về thanh âm

Vậy là trong các bộ tranh tứ bình cổ, với các đề tài về hoa bốn mùa, các con vật… thì chỉ có bộ “Tố nữ” duy nhất về người, nhưng cũng chính là bức tranh độc đáo về thanh âm. Bởi người ngắm tranh có thể nghe thấy tiếng nhạc vang lên qua nhịp chuyển động của các cô gái. Có thể nói, bộ “Tố nữ” là những bức tranh theo phong cách siêu thực, diễn tả được vẻ đẹp của âm thanh, và trở nên bộ tranh hoàn chỉnh về ý tưởng và bố cục của ông cha ta để lại từ hàng trăm năm nay. Tính cho đến nay, nhà thơ Lê Nhật Tăng, ở Hà Nội, đã có hàng chục năm đi sưu tầm những bản dịch thơ đề trên mỗi bức tranh của bộ Tứ bình này. Bởi lẽ hàng trăm năm qua, lời giải đáp vì sao, trên mỗi hình của các cô gái lại có những câu thơ chữ Hán, vẫn chưa đến hồi kết. Cho dù thế nào, thì những câu thơ trên được chú giải mỗi lúc một mới lạ, mỗi dòng tranh một ý tứ, dài ngắn khác nhau. Mỗi nhà thơ lại có một cách cảm riêng và dịch lại đều rất hay. Do vậy, mỗi bức là một nhịp phách; Mỗi bức là một niềm vui; Mỗi cô là một lời ca bất tận về mùa xuân và tình yêu.

Có lẽ, thú chơi tranh tết của người Hà thành, từ xưa với tâm niệm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bốn mùa tươi tốt và cuộc sống an lành, qua những tứ bình khác như Tùng – Cúc – Trúc – Mai, hay Long – Ly – Quy – Phượng, hoặc hoa cỏ bốn mùa… Nhưng với tứ bình “Tố nữ” lại phản ánh sự khao khát trong tình yêu, luôn luôn hướng tới niềm vui và lạc quan với cuộc sống. 4 người đẹp của bộ tranh tết “Tố nữ” có vẻ đẹp vĩnh cửu bởi tính triết lý về sự sống và niềm vui bất tận trong lao động. Đó là một khúc hòa tấu rộn ràng chào đón mùa xuân, tạo nên nét sống động cho mỗi gia đình. Và, đúng như mỗi khổ thơ được minh họa trong từng bức tranh đã mô tả: “Trước song ngồi ngắm nguyệt đầu canh/ Ôm chiếc cầm trăng dạo khúc tình…”. Đó là vẻ đẹp lãng mạn của những âm thanh bay bổng từ bộ tranh tết mỗi độ xuân về.

Vương Tâm (theo Đang yêu)


From the same category