“Tết hội nhập”- tại sao không?

Người xưa nói “sai một li, đi một dặm”. Muốn hội nhập “bàn cờ lớn” thế giới, chúng ta quyết không thể nóng vội, để tránh những bước đi sai lầm. Nhất là trong vấn đề “cải cách” những giá trị văn hóa truyền thống.

Tết “ta” có tự bao giờ?

Mặc dù Tết “ta” (hay Tết Âm lịch) có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng việc tính lịch của người Trung Quốc cũng rất khoa học. Nếu dương lịch của phương Tây tính theo chu kỳ của mặt trời, thì âm lịch của Trung Quốc lại tính theo chu kỳ của mặt trăng.

Lịch Thái sơ của người Trung Quốc được sử dụng từ khoảng năm 104 trước Công nguyên quy định tháng Chạp là tháng cuối năm, tháng Giêng là tháng đầu năm. Từ việc xác định này, người dân Trung Quốc đón năm mới vào khoảng thời gian từ đầu tháng Giêng. Thực tế, so với dương lịch, việc xác định năm mới từ tháng Giêng hợp qui luật thiên nhiên hơn, vì lúc này cỏ cây mới nảy mầm, mới khai hoa, mở đầu một chu kỳ sinh trưởng mới.

Nguyên nghĩa của từ “Tết” chính là “tiết”. Văn hóa Đông Á – thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”). Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán sau này được biết đến là Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán là lễ tết đầu tiên của một năm. Tết được bắt đầu từ lúc giao thừa cùng với lễ trừ tịch. Theo chữ Hán, “Nguyên” có nghĩa là bắt đầu, “Đán” là buổi sớm mai. Tết Nguyên đán tức là Tết bắt đầu của năm, mở đầu cho mọi công ăn việc làm với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang.

Thứ hai, quy luật của văn hóa là phép bù, trừ. Nghĩa là đối với văn hóa, cái gì thiếu thì phải bổ sung cho đủ, nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Cái gì thừa thì phải cắt bỏ, cũng là vì những lý do tương tự.

Tết Âm lịch của người Trung Quốc cũng được người Việt chấp nhận như một dạng thức văn hóa để thích nghi và sinh tồn. Dù nó được du nhập ban đầu bằng con đường “đô hộ”. Về vấn đề này, Gs Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TƯ đã nêu quan điểm rằng:

“Ai cũng biết, Tết Âm lịch đã có hàng ngàn năm nay nên đã trở thành “cổ truyền”. Nhưng cũng cần lưu ý lịch âm có nguồn gốc là lịch Trung Quốc. Trung Quốc là nước láng giềng chúng ta, có một nền văn hóa đồ sộ. Mặt khác, hàng ngàn năm trước đây Việt Nam “hội nhập” với Trung Quốc là chủ yếu. Việc dùng lịch Trung Quốc, ăn Tết như Trung Quốc nằm trong bối cảnh này”.

Điều này hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt, cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra, nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB CTQG, HN, 2000, tr 431).

 

Bắn pháo hoa chào đón năm mới bên hồ Gươm

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, Tết “ta” không phải nguyên xi là Tết Trung Quốc 100%. Vậy Tết Âm lịch Việt Nam khác Tết Âm lịch Trung Quốc ở điểm gì?

Đó là tục nấu bánh chưng, bánh tét có từ thời Hùng Vương. Đó là truyền thống: “Mồng Một tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba tết thầy”. Riêng đối với Tết ở Huế, cố đô của Việt Nam chúng ta sẽ thấy nhiều điểm khác nữa. Đó là bánh tét làng Chuồn, hoa giấy Thanh Tiên (ảnh hưởng Chămpa) và chợ Gia Lạc ba ngày Tết. Những nét văn hóa Tết không thể tìm thấy ở bất cứ vùng miền nào ở Trung Quốc.

Có thể thay đổi Tết “ta”?

Gần đây, dư luận cả nước bàn luận rôm rả quan điểm của Gs Võ Tòng Xuân, về việc dân ta nên đổi cách ăn Tết “tây”, thay cho Tết “ta”. Quan điểm của GS Võ Tòng Xuân là “chúng ta nên cương quyết đổi mới, không ăn tết hai, ba, thậm chí bốn tuần theo âm lịch nữa mà chỉ nên ăn tết bốn ngày theo dương lịch là đủ”.

Theo Gs Võ Tòng Xuân, nếu ăn Tết “ta” theo ngày dương lịch, Việt Nam sẽ có những điều lợi sau đây:

1- Vừa giữ được các tập quán Tết cổ truyền, vừa ít bỏ lỡ cơ hội nắm bắt đối tác kinh doanh, giao thương với nước ngoài.

2- Ít mất thời gian của nông dân (đại bộ phận người dân) dành chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm.

3- Học sinh và sinh viên có thời khóa biểu học tập và thi học kỳ một cách hợp lý.

4- Giảm tối thiểu tình trạng dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng trong giao thông.

5- Chấm dứt lãng phí nhiều ngày làm việc mà mình nghỉ, trong khi quốc tế làm việc.

Quan điểm của Gs Võ Tòng Xuân là rất tâm huyết nhưng nó lại chưa phù hợp với tâm thế xã hội Việt Nam hiện nay.

Bởi không những Tết Âm lịch gói gọn trong ba ngày mà còn kéo dài đến mồng 10 tháng Giêng. Dân gian gọi là “Ba ngày tết, bảy ngày xuân”. Cái Tết Âm lịch dân tộc là cái tết của sự đoàn viên. Chính tâm lý “trọng tình” đã hun đúc nên một cái Tết kéo dài nhưng rất hợp lý.

Trong những cái khổ của con người, như Phật giáo đã chỉ ra là do “ái biệt ly khổ”. Nghĩa là thương nhớ, muốn gặp mặt, muốn đoàn tụ mà phải xa nhau nên khổ. Thử hỏi ai làm việc cực nhọc quanh năm suốt tháng, xa quê, xa gia đình, xa bạn bè, xa người yêu… lại không có tâm lý thích được có một khoảng thời gian dài để gặp lại người thân, kể lể tâm sự những tháng ngày đã qua?

Tết “ta” sẽ còn ý nghĩa gì nữa khi vì không có thời gian (chứ không phải không có tiền bạc) mà thiếu đi việc tảo mộ, thiếu đi một cành mai vàng, một nụ tầm xuân, hay thiếu đi món bánh chưng, bánh tét, món ăn đặc trưng trong ngày Tết đã có từ thời Văn Lang – Âu Lạc?

Việc “bỏ lỡ cơ hội làm ăn” và “lãng phí thời gian làm việc” như Gs Võ Tòng Xuân đã nêu, là một điều không ai mong muốn. Nhưng chúng ta vẫn làm ăn trong dịp Tết chứ không phải bỏ bê, trì trệ. Đó là những địa điểm du lịch – dịch vụ luôn có cơ hội “hốt tiền” vào ngày Tết Âm lịch.

Bởi lượng khách du lịch trong và ngoài nước cũng luôn tăng mạnh trong những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Đó chính là quy luật bù trừ về kinh tế. Khi nhiều ngành kinh tế khác “đóng băng” thì ngành du lịch- dịch vụ lại phất lên vào dịp Tết, thu hút được khá nhiều khách du lịch nước ngoài.

Tết “tây” kéo dài, được không?

Một vấn đề đáng bàn nữa là trong bài viết của mình Gs Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TƯ đã nêu quan điểm rằng nên “kéo dài ngày nghỉ Tết Dương lịch và rút ngắn ngày nghỉ Tết Âm lịch”.

Phải thừa nhận hiện nay, một bộ phận không nhỏ cư dân thành thị nước ta ăn Tết “tây” theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng đa phần 90 triệu dân Việt Nam (sống ở nông thôn và rất nhiều người theo Phật giáo) vẫn hướng về cái Tết Âm lịch của dân tộc.

Thứ hai, Tháng Giêng (January) của phương Tây được đặt tên theo vị thần Janus, người được phác họa có hai đầu, một trông về phía trước, một trông về phía sau, biểu tượng cho sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới. Ngày nay, biểu tượng bắt đầu của năm mới ở phương Tây là một đứa trẻ sơ sinh và hình ảnh một ông già khép lại năm cũ.

Tuy nhiên, khi chúng ta vẫn sử dụng lịch âm- dương kết hợp (trên là ngày dương, dưới ngày âm) thì làm sao có thể cùng đón “buổi sáng sớm đầu tiên của tiết Xuân” (Nguyên đán) của cư dân phương Đông với ngày 1/1, ngày Năm mới (New Year’s Day) của cư dân phương Tây, vì cả hai đều chỉ chung cho một vụ mùa mới trong nông nghiệp?

Thứ ba, nếu Tết “tây” kéo dài thì tiền bạc, của cải, thời gian đâu để ăn Tết Âm lịch, dù chỉ có một- ba ngày.

Như vậy, đối với xã hội vẫn còn thiên về nông nghiệp như nước ta hiện nay thì việc hội nhập văn hóa với thế giới vẫn là điều rất cần phải bàn luận cho thấu đáo và kỹ càng. Trước tiên, có lẽ phải đợi đến mốc 2020, khi nước ta sẽ cơ bản là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, khi người dân đủ tiền bạc để chu toàn về thời gian để đón được cả hai cái Tết “tây” và Tết “ta”.

Theo Vietnamnet

From the same category