Ông Lý Văn Cẩm, phó chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, cho biết nhóm “cái bang ngoại” chuyên chặn đầu xe xin tiền trên QL 1A như báo Dân trí đã phản ánh có tất cả 15 đứa trẻ.
Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo với cơ quan ban ngành cấp trên, đồng thời cung cấp lương thực, tiền và thuê xe cùng với Sở Lao động Thương binh và Xã hội đưa những đứa trẻ này đến khu vực biên giới nhờ bộ đội biên phòng đưa những người này về nước. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn những đứa trẻ này vẫn tiếp tục trở lại địa phương.
Nhưng khi nhóm trẻ ăn xin nhìn thấy các đồng chí công an thì chạy toán loạn để trốn bất chấp nguy hiểm, khiến các đồng chí công an sợ tai nạn xảy ra nên rất ngại và không đến gần những đứa trẻ này.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đưa nhóm ăn xin người Campuchia này về nước trong thời gian sớm nhất” – ông Cẩm nhấn mạnh.
Tại ngã ba QL 1A giao nhau với QL 50 đoạn thuộc TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) cũng có vài đứa trẻ người địa phương hàng ngày bất chấp nguy hiểm đứng chặn đầu xe xin tiền lúc đèn đỏ. Một người dân tại đây cho biết, chúng xuất hiện ở đây xin tiền cũng được một thời gian rồi nhưng không thấy chính quyền địa phương xử lý.
Ông Bùi Văn Lý, chuyên viên Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tiền Giang xác nhận những đứa trẻ người Campuchia không những ăn xin ở huyện Cai Lậy mà còn diễn ra tại một số địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, nhóm trẻ này chỉ xuất hiện một vài bữa rồi di chuyển đi chỗ khác chứ không cố định như ở huyện Cai Lậy. Hiện chúng tôi đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh để giải quyết triệt để vụ việc này.
Trao đổi về vấn đề người nước ngoài (cụ thể là người Campuchia) ăn xin nhiều trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gần đây. Một lãnh đạo Sở Ngoại vụ Tiền Giang cho biết, Sở Ngoại vụ cũng đã báo cáo lên UBND tỉnh để xin chủ trương giải quyết vấn đề này. Đồng thời, Sở cũng tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khi phát hiện đối tượng ăn xin, lang thang trên địa bàn thì lập tức gom lại rồi đưa lên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để phân loại, sau đó báo cáo và gửi danh sách đến cơ quan lãnh sự tại Việt Nam bàn giao đưa về nước.
“cái khó của địa phương về việc xử lý những người nước ngoài ăn xin tại Tiền Giang là do đường biên giới kéo dài mà lực lượng kiểm tra thì mỏng nên rất khó kiểm soát người nước ngoài vượt biên sang đây” – vị lãnh đạo này nói.
Chuyện những đứa trẻ người Campuchia ăn xin trên QL 1A tại thị trấn Cai Lậy cũng như các địa phước khác của tỉnh Tiền Giang không phải là mới. Cánh đây gần 2 năm tại TP Tân An (Long An) cũng diễn ra tình trạng rất nhiều trẻ em và phụ nữ người Campuchia hành nghề ăn xin ở đây. Tuy nhiên, chính quyền TP.Tân An đã tìm cách giúp đỡ và giải quyết tốt đẹp. Đến nay, TP.Tân An không còn cảnh phụ nữ, trẻ nhỏ ăn xin lê la trên QL 1A và nhiều đường phố khác.