Hiểm nguy rình rập
Trở về thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch những ngày sau vụ chìm tàu cá có 14 ngư dân, trong đó mới chỉ tìm thấy 2 thi thể, không khí tang thương bao trùm khắp xóm làng.
Tiếng vợ trẻ khóc chồng, con thơ khóc cha nghe ai oán, não nề. Câu nói về sự nguy hiểm, tiềm ẩn đầy rủi ro của nghề biển “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” đã là câu cửa miệng nhưng vốn sống ở đâu thì nhờ vào tự nhiên ở đó nên phải chấp nhận đối mặt.
Trong một ngày đã có tới 22 ngư dân chết và mất tích. Bỗng chốc gần 20 người phụ nữ phải chịu cảnh “vọng phu”.
Anh Mai Văn, trú thôn Cồn Sẻ, thuyền trưởng của tàu cá 93269, con tàu cùng ra khơi với tàu bị nạn nhưng may mắn trở về an toàn cho biết, tàu anh có 17 người nhưng từ trước đến nay chưa hề tham gia bảo hiểm lần nào.
“Nghề biển thì không khi nào hết rủi ro, nhưng đóng bảo hiểm thì tiền nhiều quá, không có tiền. Mà các thủ tục, chi tiết cụ thể về quyền lợi tham gia bảo hiểm chúng tôi cũng không được rõ” – anh Văn cho biết.
Nói về vấn đề sắp tới có tham gia bảo hiểm hay không, anh Văn cũng ấp úng “để xem thế nào đã”.
Là Thuyền trưởng tàu cá QB 93309 TS, anh Phạm Thắng (thôn Cồn Sẻ, Đội phó Đội tàu Cồn Sẻ) cũng cho biết, hiện tàu anh không tham gia bảo hiểm phương tiện, bảo hiểm thuyền viên gì cả.
2 năm trước thì có tham gia bảo hiểm thuyền viên, nhưng năm vừa rồi không tham gia.
Việc các ngư dân Quảng Bình không tham gia bảo hiểm, mỗi khi gặp nạn, mất mát, gánh nặng sẽ rất lớn cho vợ, con
Cũng theo anh Thắng, nếu như tàu của anh mà tham gia bảo hiểm tàu thì một năm phải đóng 70 – 80 triệu đồng. Anh Thắng cũng ngần ngại, tỏ ý không muốn tham gia bảo hiểm trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc, ông Nguyễn Anh Thêm cho biết, năm 2011 Cồn Sẻ cũng có 1 tàu cá với 7 ngư dân mất tích. Năm 1998 có 1 tàu cá bị nạn, chết 3 ngư dân.
Cũng theo ông Thêm, toàn xã hiện có 55 tàu cá với gần 1000 lao động đi biển đánh bắt. Thế nhưng từ 2 năm nay, không có một tàu nào tham gia bảo hiểm.
“Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động ngư dân nên tham gia bảo hiểm, bởi nghề biển quá nhiều rủi ro, nhưng họ vẫn không mặn mà” – ông Thêm nói.
Gặp nạn khó ứng cứu
Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình, ông Lê Minh Phú thông tin, hiện toàn tỉnh có 1.600 tàu cá công suất 20 CV trở lên với nhưng hiện chỉ khoảng 30% tham gia bảo hiểm.
Theo ông Phú, công tác bảo vệ, ứng cứu ngư dân trên biển đối với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình là rất khó.
Bởi Chi cục bố trí 4 trạm dọc bờ biển gồm Nhật Lệ, Lý Hòa, Cảng Danh, Ròn nhưng không được trang bị phương tiện cứu hộ, mỗi trạm chỉ có 3 cán bộ.
Tàu bị nạn được trục vớt nhưng không tìm thấy thêm thi thể. Người thân thêm một nỗi đau.
Về chính sách đối với ngư dân, theo ông Phú, mỗi năm tỉnh bố trí một ít ngân sách để mở lớp đào tạo nghề, dạy kinh nghiệm đánh bắt, mở một số mô hình kinh tế trong sản xuất chế biến sản phẩm biển.
Khi ngư dân bị nạn thì có quỹ nhân đạo nghề cá, nhưng quá ít ỏi. Đối với 1 người chết, trích quỹ 1,5 triệu; với 1 người mất tích trích 1 triệu đồng. Nguyên nhân, nguồn vào cho quỹ quá khó khăn.
Hải Đội trưởng Hải Đội 2 Biên Phòng Quảng Bình, Trung tá Trần Đình Cường cho biết, khó khăn là tàu tuần tra của Hải đội công suất khi ra biển chỉ chịu đựng sức gió tối đa cấp 5, cấp 6, còn biển động mạnh hơn là không thể ra được.
Toàn tỉnh Quảng Bình có 5 đồn Biên phòng đóng dọc bờ biển, gồm đồn Ròn, cảng Gianh, Lý Hòa, Nhật Lệ, Ngư Thủy, tuy nhiên tất cả các đồn không có tàu, chỉ có ca nô.