Những vụ buôn ngà voi, sừng tê chấn động

Va li đựng 16 kg sừng tê giác châu Phi


Ngày 6/1/2013, khi làm thủ tục hải quan tại khu vực kiểm tra hải quan, ông H.C.C (quốc tịch Việt Nam) nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất không xuất trình tờ khai hải quan và xác nhận không có hành lý, hàng hóa phải khai báo.

Nhưng khi kiểm tra bằng máy soi hải quan phát hiện 9 khúc chất rắn, dạng sừng, được cuốn trong giấy bạc, nghi là sừng tê giác, cân nặng tổng cộng 16,26 kg.

Sau khi giám định mẫu tại Phân viện khoa học hình sự TPHCM, cơ quan chức năng xác định số chất rắn trong hành lý của ông H.C.C là sừng tê giác Châu Phi. Theo giá trị trường, số sừng tê này có trị giá hàng chục tỷ đồng.
 
30 tỷ sừng tê từ Etiopia qua Thái Lan vào Việt Nam 

Ngày 7/1/2013, một người Việt bị phát hiện 27kg sừng tê giác trong hành lý và bị bắt tại sân bay Băng Cốc (Thái Lan). Người đàn ông này bay vào Thái Lan từ Ethiopia và đang chờ lên một chuyến bay khác để tới Hà Nội. Giá trị lô hàng bị bắt lên tới 1,4 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng).

Người đàn ông Việt Nam khai đang vận chuyển số sừng tê kể trên từ Mozambique và bị buộc tội mang trái phép các bộ phận của động vật hoang dã, cũng như hàng hóa cấm vào Thái Lan. Nếu bị kết án, người này có thể phải chịu 4 năm tù và khoản tiền phạt ít nhất là 40.000 Baht (hơn 25 triệu đồng).

3 ngày 2 vụ buôn sừng tê giác ở Quảng Ninh

Liên tiếp những ngày đầu tháng 11/2012, Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Nội Bài và Công an  Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ 2 vụ buôn lâu sừng động vật nghi là tê giác với số lượng lớn. 

Đêm 4/11/2012, tại Sân bay quốc tế Nội Bài, qua soi chiếu hành lý cơ quan chức năng đã phát hiện Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Văn Thân ở Hà Nội vận chuyển 7 sừng động vật nghi là sừng tê giác, có trọng lượng 23kg.

Hai ngày sau, ngày 6/11/2012, qua kiểm tra ô tô BKS 30L – 2169 lưu thông trên Quốc lộ 18A Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện 1 ba lô có chứa sừng được cắt làm 3 đoạn nghi là sừng tê giác. Qua giám định đây là sừng tê giác có trọng lượng 3 kg, có nguồn gốc Nam Phi và có trị giá khoảng trên 2 tỷ đồng. 

2 triệu USD mua 3 vòng ngà voi và 7 sừng tê từ Mozambique 

Tháng 6/2012, một người Việt có tên Doan Minh, 41 tuổi, bị bắt do buôn lậu 7 chiếc sừng tê giác và 3 chiếc vòng ngà voi tại phòng chờ khi đang chuẩn bị lên chuyến bay Kenya Airways về Hà Nội quá cảnh qua Bangkok.  

Doan Minh lọt qua được vòng kiểm tra an ninh nhưng bị phát hiện ngay trước khi được đưa lên máy bay. Sở dĩ kiện hàng bị bỏ sót trong vòng kiểm tra an ninh vì nó được bọc trong một loại giấy dán giúp “tàng hình” khi trôi qua máy quét, đồng thời sừng tê được bọc với tỏi để át mùi. 

7 chiếc sừng này được cho là của những con tê giác bị giết ở Vườn Quốc gia Kruger và các khu bảo tồn xuyên biên giới của Nam Phi. Theo quan chức bộ Nông nghiệp Mozambique thì bọc sừng tê giác này có trị giá lên tới 2 triệu USD ở chợ đen.

Vụ buôn ngà voi khủng: 104 tỷ đồng

Ngày 24/11/2012, Công an TP.HCM đã bắt tạm giam Trần Văn Thái (Giám đốc Công ty TNHH XNK Thái Minh, trụ sở Q.Bình Thạnh) và Lê Văn Tú (Phó giám đốc), để điều tra làm rõ về hành vi buôn lậu. 

Tháng 6-2012, Công ty Thái Minh đăng ký mở tờ khai Hải quan điện tử để thực hiện thông quan cho lô hàng da bò muối chưa thuộc. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra lô hàng thì container chứa 158 chiếc ngà voi, trọng lượng 2.475kg, ước tính trị giá 5 triệu USD (khoảng 104 tỷ đồng). Tại cơ quan điều tra, Tú và Thái thành khẩn khai nhận cả hai đã tổ chức làm giả bộ chứng từ để nhập khẩu hàng cấm.  

Sừng tê như móng tay, ngà voi như răng thú?

Theo quan niệm dân gian của Việt Nam và nhiều nước châu Á thì sừng tê giác có công dụng chữa bệnh ung thư, bổ thận tráng dương còn đeo trang sức ngà voi thì có tác dụng tránh gió… Vì những lời đồn đại ấy mà ngà voi và sừng tê giác càng ngày càng trở nên quý hiếm và đắt đỏ. Mặc dù đây là những hàng hóa cấm nhập khẩu và buôn bán trái phép nhưng vì lợi nhuận “kếch xù” nên những vụ buôn bán ngà voi, sừng tê giác vẫn diễn ra liên tiếp với những thủ đoạn ngày một tinh vi.

Tuy nhiên, theo các chuyên giá thì các công dụng của sừng tê giác như lời đồn hiện chưa được chứng minh. Thậm chí, trong sừng tê có nhiều thành phần khá phức tạp với nhiều loại hoạt chất có nguồn gốc xa lạ với con người, nên sừng tê giác hoàn toàn có nguy cơ gây các phản ứng dị ứng và nhiễm độc.  

Sừng tê giác có cấu tạo tương tự như thành phần cấu tạo của móng tay. Không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng sừng tê giác có thể chữa được bệnh ung thư hay các bệnh khác như nhiều người vẫn lầm tưởng. Hơn thế nữa, theo các bác sĩ đông y, hầu hết sản phẩm được cho là sừng tê giác đang có mặt trên thị trường đều là “hàng giả”.

Tương tự, ngà voi tuy đắt nhưng thực tế không có tác dụng gì đối với sức khoẻ. Một chiếc vòng đeo tay nhỏ bằng ngà voi cũng có giá vài triệu đồng. Đeo vòng ngà voi tránh gió, phòng nhiễm độc… mới chỉ là những quan niệm dân gian truyền miệng, chưa có nghiên cứu nào về tác dụng của nó.

Xét về cấu tạo cơ học thì ngà voi thực chất chỉ là một chiếc răng. Nó không có tác dụng gì ngoài để trang trí, nhưng có lẽ càng cấm thì càng quý nên nó mới bị săn lùng. Sử dụng đồ bằng ngà voi với mong muốn chữa bệnh hoặc phòng bệnh là một quan niệm rất phi khoa học.

Theo VIetnamnet


From the same category