Bộ Giáo dục thấy quá đà nên cấm?

Dưới đây là ý kiến của độc giả Minh Tuấn (TP.HCM).

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Các cơ sở đào tạo ĐH trong cả nước lại bị “choáng” bởi tin năm 2013 sẽ dừng mới ngành mở ngành đào tạo ở những ngành thuộc khối Tài chính- Ngân hàng, Kế toán…

Các ĐH choáng bởi vì Bộ GD chưa bao giờ đưa ra những con số cụ thể về sự bất cập, mất cân đối về ngành nghề đào tạo trong những năm qua.

Mới đây thôi, Bộ cho ra đời Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT về xác định chỉ tiêu tuyển sinh mà điểm nổi bật là giao cho các trường tự chủ xác định chỉ tiêu theo điều kiện khả năng đào tạo tối đa (số giảng viên và diện tích). Như vậy, càng nhiều giảng viên ngành Tài chính – Ngân hàng càng nhiều chỉ tiêu đào tạo và quy ra theo học phí thì càng thu nhiều tiền, “sống chết mặc bay” không lệ thuộc vào nhu cầu đầu ra ở thị trường lao động.

Nay thì Bộ lại thấy quá đà nên cấm. Dường như trong tư duy của Bộ đang có vấn đề với tư duy kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Quản lý nhà nước không bao giờ và đừng có bao giờ theo kiểu “không quản được thì cấm” mà phải điều tiết.

Giả sử nếu có một cơ sở đào nào đó (nước ngoài chẳng hạn), có cam kết chất lượng và điều kiện để đào tạo tốt những ngành mà Bộ đang “cần” cấm, liệu Bộ có thể cấm không trong khi rất nhiều trường ĐH khác có ngành này đào tạo kém chất lượng hơn. Nếu vậy thì Bộ GD lại tiếp tay cho các cơ sở đào tạo những ngành đó một cách yếu kém, triệt tiêu môi trường cạnh tranh trong giáo dục.

Bộ nên làm gì?

Một là, Bộ nên cung cấp thông tin về nhu cầu và khả năng cung cấp các ngành đào thạo theo quy mô và theo vùng lãnh thổ để khuyến cáo các học sinh ngay trong năm học tới.

Hai là, Bộ nên sử dụng những công cụ trong tay mình để điều tiết quy mô tuyển sinh vào những ngành này. Ví dụ, Bộ hoàn toàn nâng cao tiêu chuẩn đào tạo, mở ngành bằng cách hạ thấp tỷ lệ sinh viên trên giảng viên ở những cơ sở đang đào tạo; Bộ hạn chế chỉ tiêu đào tạo những ngành này ở những trường chất lượng đang có vấn đề thậm chí cấm luôn không cho tiếp tục đào tạo nếu chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng không đáp ứng yêu cầu.

Ba là, Bộ GD hoàn toàn có thể nâng cao học phí đầu vào đối với những người học muốn theo học những ngành mà nhà nước không khuyến khích, để dành tiền ngân sách cho những cơ sở đào tạo khác đang rất khó tuyển sinh ở những ngành như Khoa học cơ bản, Khoa học xã hội hoặc Nông lâm, Thủy sản.

Trong xây dựng hoặc tham mưu chính sách cho Chính phủ, Bộ GD cần có tầm nhìn xa hơn, hiểu biết đầy đủ hơn về kinh tế thị trường để đảm bảo sự hài hòa giữa các quy luật kinh tế với công cụ quản lý hành chính để đạt được hiệu quả cao.

Chừng nào, biện pháp hành chính vẫn được coi là công cụ duy nhất để điều tiết vĩ mô, thì Bộ GD còn bị phê phán nặng nề và còn lâu mới đến đích của đổi mới.

Theo Vietnamnet


From the same category