Nhiều thương hiệu bánh sản xuất trong nước được bày bán tại các cửa hàng chợ Bà Chiểu, TP.HCM – Ảnh: THANH ĐẠM
Mặc dù vậy, việc cạnh tranh với hàng nước ngoài ở phân khúc cao cấp vẫn diễn ra khốc liệt khi có thêm nhiều hãng tham gia thị trường mùa tết.
Chuyển sang bánh nội
Tại các siêu thị, ở phân khúc phổ thông bánh trong nước gần như chiếm ưu thế, nhưng bánh ngoại lại được đánh giá nhỉnh hơn ở dòng cao cấp, điều này thể hiện rõ qua những giỏ quà tết được trưng bày. Những giỏ quà tết giá trên 700.000 đồng đều hiện diện hộp bánh ngoại như Danisa, Oreo… trong khi bánh trong nước khó chen chân.
Tuy nhiên, theo các tiểu thương, những thông tin về bánh kẹo ngoại sửa hạn sử dụng, tráo ruột… khiến niềm tin người mua rất e ngại bánh kẹo giá bình dân, thương hiệu không có tên tuổi và chuyển sang sử dụng hàng trong nước. Hiện nay, các tiểu thương chợ Bình Tây và An Đông đều không dám nhập các sản phẩm bánh kẹo từ Trung Quốc mà chuyển sang yêu cầu hàng hóa số lượng lớn từ các doanh nghiệp nội.
Ông Nguyễn Xuân Luân, phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, cho biết diễn biến thị trường đến thời điểm này cho thấy năm nay thị trường bánh kẹo ngoại không sôi động như mọi năm. Lượng nhập bánh kẹo ngoại, dòng phổ thông năm nay giảm rõ rệt về số lượng thương hiệu tham gia thị trường. Có một xu hướng tiêu dùng rõ ràng hơn những năm trước là người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm trong nước do chất lượng không thua kém hàng ngoại, mẫu mã sang trọng với giá cả hợp lý. Người dân cũng ngại hàng kém chất lượng và hàng có nguồn gốc từ nước ngoài nên chọn hàng Việt cho yên tâm. Ông Luân cho rằng những năm gần đây cũng có nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia phân khúc cao cấp so với sản phẩm bánh kẹo ngoại cao cấp nhập khẩu, sản phẩm cao cấp của những thương hiệu trong nước có mức giá rẻ hơn khoảng 15%.
Hút hàng phút chót
Nhận định khá cẩn trọng về thị trường bánh kẹo tết, ông Võ Trung Nam, giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty bánh kẹo Hải Hà, cho biết so với mọi năm, tình hình hiện nay khá trầm lắng. “Thông tin doanh nghiệp không thưởng tết hay mức thưởng tết ít đi khiến các điểm bán hàng đều không dám lấy hàng nhiều do sợ hàng tồn. Trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất vẫn giữ nguyên sản lượng, thậm chí tăng nhẹ so với năm ngoái nên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thị trường nếu xảy ra hút hàng vào phút cuối”, ông Nam nói.
Theo ông Lưu Huỳnh, giám đốc kinh doanh Công ty Phạm Nguyên (Phanner), từ cuối tháng 11-2012 công ty đã bắt đầu đưa hàng lên kệ các siêu thị cũng như chào hàng các đại lý, cửa hàng để bán thử. Sản lượng tung ra thị trường mùa tết 2013 tăng khoảng 10% so với năm ngoái, ngoài dòng bánh cookie truyền thống, năm nay Phanner bổ sung dòng bánh pie, bánh xốp phủ chocolate đóng gói trong hộp có quai xách, tiện cho nhu cầu biếu tặng, làm quà. Điểm mới của Phanner năm nay là hệ thống bán hàng năng động hơn khi đội ngũ bán hàng sẽ trực tiếp đi chào tất cả các hệ thống, cửa hàng tạp hóa lẻ nhằm tăng độ phủ. “Với các hộp bánh giá từ 40.000-75.000 đồng tùy trọng lượng, các thiết kế của Phanner đảm bảo cho những sản phẩm nếu có tồn thì sau tết vẫn bán được” – ông Huỳnh cho biết.
Theo thông lệ cứ tết đến là giá bánh kẹo sẽ tăng ít nhất 15% nhưng năm nay nhắm tình hình sức mua ảm đạm, các doanh nghiệp đã hạn chế tối đa mức tăng giá, thậm chí có doanh nghiệp còn mạnh tay giảm giá thành so với cùng kỳ. Điển hình nhất là trường hợp của Vinamit với việc giảm giá bán các loại kẹo đậu phộng, kẹo mè khoảng 12% so với tết năm ngoái. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch hội đồng quản trị Vinamit, để làm được điều này công ty đã dừng hoạt động truyền thông quảng bá và các hoạt động đầu tư cho bao bì, mẫu mã để kéo giảm giá thành xuống mức thấp nhất. Mùa tết năm nay Vinamit chuẩn bị khoảng 500 tấn hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, bao gồm các sản phẩm trái cây sấy khô truyền thống, sản phẩm đặc thù mùa tết như kẹo thèo lèo và sản phẩm hoàn toàn mới là hạt sen sấy.
Không chỉ Vinamit, nhằm thích ứng với tình hình thị trường, nhiều doanh nghiệp chấp nhận chi phí cho quảng cáo được cắt giảm tối đa để chuyển thành những khoản hỗ trợ cho đại lý, nhà phân phối, người tiêu dùng… Ông Võ Trung Nam cho biết những biến động đầu vào, giá cả thị trường một số nguyên liệu cũng khiến mặt hàng bánh kẹo tăng giá 5-10% nhưng mức tăng này diễn ra từ hồi giữa năm chứ không đợi đến mùa tết.
Ưu tiên hàng nội trong giỏ quà tết
Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, nhận xét năm nay thấy rõ sự bứt phá của bánh, kẹo của doanh nghiệp nội địa mùa tết: chủng loại phong phú và bao bì được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Với một mùa làm ăn mang tính thời vụ cao như dịp tết, mẫu mã quyết định rất nhiều đến sức cạnh tranh hàng hóa, và các doanh nghiệp hiện làm khá tốt khâu này.
Đây chính là điều kiện lý tưởng để siêu thị ưu tiên sử dụng bánh, kẹo nội trong các giỏ quà tết của mình mùa tết 2013, đặc biệt với chương trình “Giỏ quà tết thuần Việt”, 100% sản phẩm bánh kẹo xuất hiện đều là thương hiệu nội địa. Đối với loại giỏ quà tết khác Co.op Mart luôn chủ động nâng cao tỉ lệ hàng Việt. Hiện giá các loại giỏ quà khá phong phú với mức từ 150.000 đồng trở lên. Theo ông Nhân, những giỏ quà tết thuần Việt này được cấu thành từ những sản phẩm công nghệ trong nước, sản phẩm là đặc sản, sản phẩm làng nghề của các địa phương, là những món được người Việt ưa thích khi đón tết cổ truyền.