Không lo “đứt” nguồn hàng tết

Hiện hầu hết doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như bánh mứt, nước ngọt, hàng tiêu dùng gia đình… phục vụ tết đã sẵn sàng.

“Gọi cái có liền”

Hơn 8g tối, cửa hàng tạp hóa của chị Võ Thị Thúy Trinh trên đường Võ Văn Ngân (P. Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn còn khách hỏi đặt mua vài món quà để đi biếu người thân. Sợ không đủ các mặt hàng nước ngọt, bánh mứt, trà… để bán cho khách, chị Trinh liền gọi điện cho “anh phân phối” đưa hàng tới. Khoảng một giờ sau, tất cả những thứ khách cần đã có đầy đủ. Việc các anh phân phối “gọi cái là có liền”, theo lời chị Trinh, đã không còn xa lạ gì với bà con tiểu thương khu vực chợ Thủ Đức.

Chị Tuyết Trâm, tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức), kể rằng hiện hầu hết doanh nghiệp trong nước đều có nhân viên tiếp thị kiêm luôn phân phối hàng hóa phụ trách theo từng chợ hoặc khu vực, tại bất kỳ điểm bán nào bị thiếu hụt đều được các nhân viên này đem tới tận từng cửa hàng, sạp chợ. Cách đây một vài năm, các nhãn hàng trong nước còn bị “chê” nhiều vì thường xuyên bị trễ hàng, “đứt hàng” nhưng nay mọi việc đã được cải thiện, đặc biệt là thời điểm cận tết khi sức mua nhích lên. “Mới vài bữa đây, tui chỉ lấy một lốc xá xị của “anh” Bidrico mà gọi chưa tới nửa tiếng đã có hàng liền, giờ nhanh lắm” – chị Trâm dí dỏm nói. Bên cạnh đó, chế độ chiết khấu, giá cả cũng thay đổi theo hướng tích cực. Chị Trâm lấy ví dụ: “Hiện một chai nước rửa chén Mỹ Hảo có giá bán 22.000 đồng, các chủ sạp được chiết khấu số tiền 1.500 đồng, giá cả bán lẻ đã in sẵn trên chai nên cứ vậy mà bán thôi”.

Không chỉ tại TP.HCM, ở thị trường nông thôn hiện nay hệ thống phân phối cũng được các doanh nghiệp chú trọng xây dựng nên đã phát triển tốt hơn cách đây vài năm.

Cửa hàng bách hóa của chị Nguyễn Thị Thu Hòa (xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang) cách khá xa trung tâm huyện nên trước đây mỗi lần nhập hàng về khá vất vả. Theo chị Hòa, bán hàng ở khu vực nông thôn thì người dân mua bao nhiêu bán bấy nhiêu chứ không có chế độ trữ hàng nhập nhiều được, ngay cả dịp tết cũng khoảng 10 ngày trước tết mới đi lấy hàng nhiều. “Mỗi thứ chút chút mà mỗi ngày đều phải đi lấy hàng, vất vả lắm” – chị Hòa chia sẻ. Tuy vậy, đến nay hầu hết các thương hiệu bánh kẹo, nước ngọt được người dân ưa chuộng đã có mặt đầy đủ trên các quầy sạp. “Cứ chừng một tuần, nhân viên tiếp thị các hãng như Vinamilk, Bidrico, Chương Dương lại tới hỏi thăm, hết hàng họ lại châm, chỉ sợ không đủ vốn để bán thôi, hoặc nếu lỡ thiếu hàng thì lấy tạm đại lý bán đỡ” – chị Hòa cho biết.

In giá lên bao bì sản phẩm

Hiện rất nhiều doanh nghiệp sản xuất không chỉ tập trung phát triển phân phối tại khu vực thành thị mà khu vực nông thôn cũng được chú trọng.

Ông Nguyễn Đăng Hiến, tổng giám đốc Công ty Bidrico, cho biết hiện mỗi tỉnh công ty có 1-4 đại lý nhằm đảm bảo đáp ứng được việc hàng hóa sẽ đến tận tay người dân, ngay cả những vùng sâu, vùng xa nhất. Ngay cả với kế hoạch phân phối hàng tết, theo ông Hiến, Bidrico có kế hoạch cụ thể cho từng khu vực, vùng miền. Đối với cao điểm tết, để đối phó với việc thiếu hụt hàng, Bidrico đã chuẩn bị khoảng 40 xe tải cỡ lớn đủ để đưa hàng tới cho tiểu thương, đại lý.

Đại diện Công ty bánh kẹo Bibica cũng khẳng định do chuẩn bị tốt nên thời gian gần đây doanh số ở khu vực nông thôn luôn cao hơn khu vực thành thị tới 25%. Hiện nhiều loại bánh kẹo của Bibica đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước.

Để tránh tình trạng “đứt hàng” trong dịp tết, ông Hoàng Nhâm Nam, phó trưởng phòng kế hoạch thị trường Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (Đồng Nai), cho hay công ty phải tính toán đảm bảo lợi nhuận, quyền lợi với mức chiết khấu hợp lý cho đơn vị phân phối. Ngoài ra, để áp dụng chính sách “một giá”, công ty hỗ trợ chi phí vận chuyển khi đem hàng phân phối các tỉnh miền Trung, Tây nguyên…

Cũng theo ông Nam, năm nay lần đầu tiên công ty áp dụng việc in giá trực tiếp lên bao bì sản phẩm nhằm khống chế giá bán lẻ, tránh tình trạng cửa hàng, đại lý tự ý tăng giá, qua đó bình ổn thị trường. “Đây là cách làm khá mạo hiểm bởi thị trường đường có nhiều biến động về giá, đặc biệt trong dịp tết. Sản lượng đường phục vụ nhu cầu tết hiện nay khá ổn định. Riêng công ty sẽ cung ứng khoảng 8.000 tấn đường (tương đương năm 2012) ra thị trường.”

DŨNG TUẤN – LÊ SƠN

Đại diện các nhãn hàng sản xuất tại tỉnh Đồng Nai giới thiệu sản phẩm đến khách hàng – Ảnh: THANH ĐẠM 

Đặc sản vùng miền vào siêu thị thành phố

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước tiếp cận được với các kênh phân phối, sáng 28-12, Sở Công thương TP.HCM và Trung tâm Xúc tiến thương mai và đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức ngày hội liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất của bảy tỉnh miền Đông Nam bộ và 13 tỉnh miền Tây.

Tham dự ngày hội có khoảng 200 doanh nghiệp đến tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc sản vùng miền. Đến cuối buổi xúc tiến, Sở Công thương TP.HCM cho biết đã có 43 hợp đồng cung ứng, bao tiêu sản phẩm của các địa phương được thực hiện để cung ứng cho 40 hệ thống siêu thị, đại lý bán lẻ trên địa bàn TP.HCM.

Đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart cho biết hàng loạt mặt hàng trái cây, rau củ quả như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim (Tiền Giang), các loại rau củ Đà Lạt… đã được xúc tiến, ký kết thỏa thuận cung ứng ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đối với ngành hàng thực phẩm công nghệ, Saigon Co.op cũng ký kết hợp đồng với một số nhà cung cấp trên địa bàn cung ứng những ngành hàng thiết yếu: gạo, nếp, lương thực, thực phẩm chế biến, đường, bột ngọt, hạt nêm, dầu ăn, sữa, bánh kẹo…

Theo Tuổi trẻ


From the same category