Lãi suất huy động tiền gửi xuống 8%

Người dân đến giao dịch tại ngân hàng – Ảnh: Thanh Đạm

Không chỉ Ngân hàng (NH) Nhà nước, nhiều NH thương mại cũng khẳng định việc hạ lãi suất (LS) huy động sẽ không ảnh hưởng đến việc thu hút tiền gửi khu vực dân cư, thậm chí nhiều NH đang… thừa tiền.

Ngân hàng rủng rỉnh tiền

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank, cho biết việc hạ trần LS là cần thiết vì thời gian qua nhiều NH thừa tiền nhưng không dám giảm LS vì sợ mất khách. “Vừa qua chúng tôi đã cho vay với LS 9-10%, cao nhất chỉ lên đến 13-14%/năm” – ông Thanh nói.

Ông Lê Quang Trung, phó tổng giám đốc VIB, cho rằng trần LS huy động về 8%/năm vẫn hấp dẫn nguồn tiền trong dân chảy vào hệ thống NH. Bởi so với hoạt động sản xuất kinh doanh đang khó khăn như hiện nay, việc kinh doanh gì để tồn tại là đã khó chứ chưa nói gì đến lợi nhuận 8% như gửi tiết kiệm.

“So với chỉ số lạm phát thì LS tiết kiệm vẫn thực dương. Do vậy, việc tiền gửi trong dân sẽ giảm khi LS huy động giảm không xảy ra” – ông Trung nói. Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc ACB, cho biết việc giảm LS sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn vốn huy động do hiện nay NH đang thừa tiền, cho vay khó khăn nên ACB đã chủ động giảm LS trước cả khi NH Nhà nước ra quyết định.

Ngày 22-12, hàng loạt NH đã giảm LS huy động, như NH An Bình giảm LS kỳ hạn từ 1-9 tháng xuống mức 8%/năm. NH VN Thịnh Vượng (VPBank) đã hạ LS kỳ hạn dưới 12 tháng xuống 8%/năm, kỳ hạn dài 12 tháng cũng giảm 0,5%, còn 11,5%/năm. Ông Phan Huy Khang, tổng giám đốc Sacombank, cho biết không chỉ giảm LS huy động kỳ hạn ngắn xuống 8%/năm, từ ngày 24-12 kỳ hạn dài cũng sẽ được giảm còn 10,5%/năm, riêng kỳ hạn 13 tháng LS là 11%/năm.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 22-12, nhiều người dân đã tranh thủ gửi tiền trong ngày cuối tuần để hưởng LS cao, trong đó có những người đến hạn đáo hạn sổ tiết kiệm, nhưng cũng có một số khách tranh thủ mang tiền đến gửi trước khi trần LS huy động còn 8%/năm.

Giám sát việc giảm LS cho vay

TS Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc giảm trần LS huy động kỳ hạn ngắn là việc đã được dự đoán trước. Đây cũng là điều hợp lý vì lạm phát năm 2012 ở mức rất thấp, chỉ khoảng 7%. Giảm LS cũng không lo NH thiếu tiền vì thời gian qua huy động toàn hệ thống NH tăng rất mạnh đến 16%, trong khi tín dụng chỉ tăng khoảng 6%.

Tuy nhiên, điều quan tâm lúc này là liệu các NH có giảm LS cho vay cho doanh nghiệp hay không. Thời gian qua LS huy động đã giảm sâu nhưng nhiều NH còn neo LS cho vay ở mức khá cao. “Trong bối cảnh tín dụng toàn nền kinh tế đang bị đóng băng như hiện nay, việc giảm LS huy động và cho vay là cần thiết, nhưng cần sớm ban hành giải pháp phá băng cho thị trường bất động sản, sao cho dòng vốn có thể lưu thông bình thường” – ông Doanh nói.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng điều hành LS không chỉ tính đến quyền lợi của người gửi tiền mà phải hài hòa cả với quyền lợi của người đi vay. Trong điều kiện kinh tế giảm sâu, doanh nghiệp khó khăn, giảm LS huy động để tiến tới giảm LS cho vay là cần thiết.

Một số NH cũng trấn an sau khi giảm LS huy động, thời gian tới các NH chắc chắn cũng sẽ giảm LS cho vay phù hợp. “Khách hàng tốt, có dự án hiệu quả thì chắc chắn mức LS cho vay tối đa sẽ chỉ 10%/năm thay cho mức 11-12%/năm như hiện nay” – ông Lê Công, tổng giám đốc NH cổ phần Quân đội, khẳng định.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung khẳng định hạ LS cho vay cũng khó có thể giúp tăng trưởng tín dụng đột biến khi nợ xấu chưa được giải quyết. “Có thể không phải 100% doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ việc hạ LS nhưng sẽ được tác động gián tiếp qua các đối tác” – ông Trung nói.

Giảm lãi suất huy động để đưa vốn ra nền kinh tế

Theo bà Nguyễn Thị Hồng – vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NH Nhà nước), việc hạ LS huy động là do lạm phát cả năm 2012 ước tính chưa đến 7%. Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống NH cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, LS thị trường liên NH diễn biến theo xu hướng giảm, tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao.

Theo NH Nhà nước, việc hạ LS huy động sẽ không ảnh hưởng đến lượng tiền trong dân gửi vào hệ thống NH. Thực tế cũng cho thấy dù LS huy động thời gian qua có giảm nhưng lượng tiền gửi vào hệ thống NH vẫn tăng. Tính đến hết tháng 9-2012, tổng phương tiện thanh toán đạt gần 3.048.900 tỉ đồng, tăng 9,05% so với cuối năm 2011, trong đó tiền gửi của dân cư chiếm 65%, tăng tới gần 24% so với cuối năm 2011.

Cùng với việc hạ LS huy động, theo NH Nhà nước, LS cho vay cũng giảm tương ứng. Cụ thể, ngoài bốn ngành, lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tới đây LS ngắn hạn đối với nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng chỉ còn tối đa 12%/năm thay vì 13%/năm như hiện nay.

Theo Tuổi trẻ

From the same category