“Chạy công chức” – từ lối mòn có thể thành con đường?

Lao xao tý, nhưng không thấy ai hỏi “cái gì”. Gì chứ chạy chọt, mà lại là chạy việc làm, không còn gì ngạc nhiên, lạ lẫm.

 

Một số không nhỏ các địa chỉ dễ phát sinh chạy chọt này, như chỉ ra tại cuộc họp HĐND ở Hà Nội, là phòng Nội vụ ở các quận huyện.

Thế à? Không dưới 100 triệu đồng”, có giá đàng hoàng. Mới là mới cái giá này, theo thời giá như đặc sản.

Cái gì khó mới xin, có xin phải làm bộ khó khăn tý. Khó khăn là để phải tìm cách khắc phục, khó trăm lần nén bạc liệu mới xong…

100 triệu, với quan chả to mấy. To là to với người trẻ ngu ngơ, vừa xếp bút nghiên tập tọng đi xin việc. Lấy đâu ra tiền? Xin, vay, cào cấu đâu không biết, vốn đầu tư là phải tự có.

Thế à? Thế đấy, nhưng làm công chức có cái gì hay mà nhiều người phải chạy chọt,? Công khai chỉ nói nhẹ nhàng: đi làm rồi “tìm lợi ích cá nhân trên cơ sở công việc được giao”, hiểu là có chức năng nhiệm vụ rồi, tìm, tận dụng lỗ hổng mà câu kết đục khoét trục lợi…

Không thế cạp gì mà làm giàu? Cán bộ lương ba cọc ba đồng, trông là trông vào lương… lậu, còn lậu thế nào thì tự phát huy sáng kiến, áp dụng sáng tạo kinh nghiệm có được vào điều kiện cụ thể vị trí công tác. Và đó là cách lấy lại vốn lẫn lãi.

Vòng quay này là áp lực lớn, quay cuồng tìm cách lấy lại vốn đã “đầu tư”. Nó dẫn đến thoái hoá, làm ẩu, làm liều, cố tình làm trái, móc ngoặc tham nhũng.

Cứ nhìn lính là đoán được quan. Quan sạch tuyển lính công tâm. Lính lăng xăng, nhâng nháo, đánh hơi, gạ gẫm là loại đang sốt ruột kiếm bù vào tiền đã ứng trước, mau đủ “sở hụi” và làm giàu.

“Cơ chế” này ngấm, lan rộng xuống sinh viên, một nguồn công chức tương lai. Mua điểm, gạ tình không lạ… Nay có chuyện kẹp luôn phong bì vào bài thi cho nhanh và đúng “chính chủ”, đúng giá mỗi tín chỉ một “lít”, đỡ mất thì giờ vàng bạc…

Cứ đà này, thế hệ “kẹp phong bì” có thể bắc cầu nối tiếp các thế hệ sau với những sáng kiến thời “nhanh như điện” nữa?

Cái “Ừ nhỉ” là khúc chót của công đoạn “Gì cơ” – “Thế à”, buông xuôi trước cái xấu.  Lâu ngày, quen dần rồi vô cảm, thành lối mòn, có khi còn thành cả con đường.

Trần Giang Phương


From the same category