Ngày càng táo tợn, giữa ban ngày, cả nơi quan trên trông xuống người ta trông vào, vẫn có cướp. Chúng ngang ngược tấn công du khách, không tha cả cô dâu đang mải chụp hình… Nhiều vụ gây phẫn nộ như cướp xe dưới chân cầu Sài Gòn, dùng đá đập đầu, dùng dao chặt tay để lượm xe cướp đồ … rất liều lĩnh và manh động “chém trước, cướp sau”…
Một cuộc họp báo xác nhận: nạn cướp có hung khí đang xuất hiện nhiều tại các quận, huyện. Riêng cướp giật người đi đường, du khách lại xảy ra nhiều ở các quận nội thành trung tâm thành phố…
Tại sao? Điều nghiên cho thấy: dân nhập cư đông, cơ sở địa bàn không nắm hết “lý lịch trích ngang”. Kinh tế khó khăn, nhiều công ty lụn bại, dân thất nghiệp làm liều…
Những câu chuyện ở cà phê cóc Sài Gòn tranh luận: Hà Nội, Đà Nẵng cũng đông thế, cũng khó thế, nhưng an ninh hơn, có mô hình đội 141 rất hiệu quả… Sài Gòn từng một thời lẫy lừng với các đội SBC khét tiếng, phi xe 67 dẹp tan nạn trộm cướp.
Rà soát lại mới thấy lực lượng… còn mỏng, chưa bao hết được những nơi “nóng”, phức tạp. TPHCM từng đi trước Hà Nội, đã triển khai mô hình phối hợp CSHS, CSCĐ, CSGT để trấn áp tội phạm.
Tuy vậy, cướp giật vẫn nhiều, khiến dư luận đặt câu hỏi mô hình có hạn chế hay chưa quyết liệt?
Khi HĐND thành phố sắp họp, ý kiến nhân dân được gom về, trong đó đề nghị có biện pháp tích cực, tăng cường cảnh sát khu vực, tuần tra, xử lý đua xe trái phép, lập các đội nghiệp vụ của công an, tổ đội ở cơ sở … để chống cướp, trộm.
Trong lúc chờ họp, thống nhất, triển khai… dân và du khách nhắc nhau các biện pháp giảm thiểu rủi ro, tập “sống chung” với nạn trộm cướp.
Ba không mới dành cho chị em: Không “lộ hàng”, không khiêu gợi, không tự làm “mồi ngon” cho cướp. Là mỗi người cứ chủ quan “phòng bị gậy” thế thôi, chứ “khách quan” còn phụ thuộc nhiều thứ.
Tự giữ mình trước khi trời cứu là biện pháp hàng đầu. Người đẹp, chân dài được khuyên nên hạn chế “lộ hàng, khiêu gợi”, tức đi trên đường không cần thiết trang hoàng cho bản thân các loại trang sức, vàng bạc, túi xách, hàng hiệu, xe đời mới…
Đường phố không phải sàn diễn, tự biên tự diễn như vậy chả khác nào tự làm “mồi ngon” dụ cướp. Có khi chúng không định, nhưng thấy hám, bỗng dưng nổi cơn muốn “ấy”.
Để đồ trong cốp xe máy là thói quen của nhiều chị em, nhưng khi mở cốp lấy đồ lại dềnh dang như trên sàn diễn. Nhiều vụ cướp ra tay khi phái yếu mở cốp đổ xăng hay lấy áo mưa…
Không đi khuya, đường vắng, của quý phải biết tự giữ kín, có người, đi taxi. Du khách nước ngoài đến Hòn ngọc Viễn Đông còn chỉ dẫn nhau vài động tác cụ thể như đeo túi trước bụng, buộc vào lưng, co tay ôm, khuỳnh khuỷnh tay ra ngoài… tư thế luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.
Nhân lực, vật lực, tài lực của các lực lượng bảo vệ dù đã gia tăng, quyết liệt ra quân, mở chiến dịch, nhưng vẫn… chưa xuể, chưa “phủ sóng” được mọi lúc mọi nơi.
Tinh thần, như đã quán triệt: “Trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự không phải của riêng ngành công an mà còn là trách nhiệm của mỗi người. Công dân phải tăng cường cảnh giác, tự bảo vệ mình”…
Nghe cũng quen quen, nhưng thêm một lần quán triệt cho thật triệt để, để chuyển biến cho thật sâu sắc.
Trần Giang Phương