Luật Thủ đô sau nhiều lần tranh luận cuối cùng cũng đã được thông qua tại kỳ họp thứ 4 QH khóa XIII.
Trước khi thông qua toàn bộ dự luật kết quả biểu quyết riêng về quản lý dân cư với 346/463 đại biểu tán thành (trên 69%), quan điểm không tán thành được 106 đại biểu thể hiện và không biểu quyết là 11 đại biểu.Đây cũng là nội dung được thông qua với tỷ lệ tán thành thấp nhất trong số các nội dung được đưa ra biểu quyết.
Điều dư luận quan tâm nhất là chuyện hộ khẩu. Đến nay, vẫn chưa thấy tiếng nói chung giữa nhà quản lý và người dân có nhu cầu nhập hộ khẩu.
Hệ thống hộ khẩu hiện nay chỉ tồn tại ở 4 nước: Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã áp dụng phương thức quản lý theo hộ khẩu từ thập niên 1950.
Một xã hội hai tầng lớp
Các luật lệ xung quanh việc đăng ký hộ khẩu ở Trung Quốc đã được nới lỏng trong ba thập kỷ qua, nhưng vẫn gây cản trở cho hàng triệu người nhập cư khi tiếp cận với các dịch vụ công cộng và chế độ an sinh xã hội. Mọi công dân Trung Quốc phải đăng ký hộ khẩu ở quê, có nghĩa là họ chỉ được phép tiếp cận với các chế độ an sinh, ví dụ dịch vụ y tế hay giáo dục miễn phí, tại địa phương đó.
Hà Nội đối mặt với sức ép dân số đông. Ảnh: Minh Thăng
Hệ thống này không gây ra vấn đề gì cho những người chỉ ở nguyên một chỗ, nhưng lại ảnh hưởng đến hàng triệu lao động di cư của Trung Quốc, những người từ nông thôn ra thành thị kiếm việc làm.
Ở thành phố, lao động nhập cư có thể xin giấy phép cư trú tạm thời và phải gia hạn hàng năm. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng chính sách này làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.
Wang Feiling, một chuyên gia chính trị tại học viện ngoại giao Sam Nunn ở Atlanta, Mỹ, tán đồng với ý kiến đó. Ông cho rằng chính sách hộ khẩu đang đẩy Trung Quốc vào tình trạng một xã hội có hai tầng lớp.
Tuy vậy, cải cách chính sách hộ khẩu không hề dễ dàng. Hệ thống này vốn giúp giới chức Trung Quốc theo dõi được luồng di trú của lực lượng lao động. Một số người lo ngại rằng nếu hệ thống này bị xóa bỏ, hàng triệu người nông thôn sẽ đổ ra thành phố một cách không kiểm soát.
So sánh với một số quốc gia đang nổi lên khác như Ấn Độ hay Brazil, các thành phố của Trung Quốc có ít khu ổ chuột hơn.
Hai cách nhìn
Thực ra có hai cách nhìn nhận vấn đề này. “Việc tự do lựa chọn nơi cư trú và làm việc là tốt cho nền kinh tế, nhưng mặt khác cũng sẽ làm nảy sinh những vấn đề xã hội”.
Theo nhận định của các chuyên gia, quyền tự do cư trú gắn liền với quyền tự do đi lại. Đây là hai quyền rất quan trọng cho việc phát triển cá nhân, cũng là tiền đề cho phát triển xã hội.
Chính vì tầm quan trọng của nó mà pháp luật quốc tế cũng như Hiến pháp mọi quốc gia đều ghi nhận và bảo vệ. Điều 13 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948) khẳng định “mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia”.
Quyền tự do đi lại và cư trú không phải là quyền tuyệt đối, nó có thể bị hạn chế. Tuy nhiên để tránh sự tùy tiện của các chính quyền, khoản 3, điều 12, Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự (năm 1966) thì chỉ được hạn chế quyền này khi cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước công nhận .
Hạn chế quyền của số đông
Ở nước ta quyền tự do đi lại và cư trú của công dân được qui định rõ tại điều 68 hiến pháp.
Tiến hành phỏng vấn ngẫu nhiên hay điều tra xã hội chọn mẫu với câu hỏi cái gì gây phiền toái nhất trong việc cư trú, gần như chắc chắn ý kiến của số đông sẽ chỉ ra đó là chế độ “hộ khẩu” hiện hành.
Thật ra hộ khẩu, bản chất của nó chỉ là một loại giấy tờ chứng nhận thực trạng người dân đang cư trú để cơ quan chức năng quản lý.
Xét từ mục đích quản lý của cơ quan chức năng, việc không cho người dân thực tế sinh sống ổn định trên địa bàn đăng ký hộ khẩu đã đi ngược lại mục đích quản lý. Đây là một việc làm, cách hành xử chứa đựng nhiều mâu thuẫn.
Có ý kiến cho rằng vì mục đích bảo đảm an ninh trật tự xã hội nên hạn chế nhập hộ khẩu vào thành phố. Ý kiến này xem ra không ổn. Dù sao người nơi khác đến thành phố cư trú mà không cho đăng ký hộ khẩu thường trú thì họ vẫn có quyền ở, lao động, học tập… bình thường. Vì quyền này đã được Hiến định! Ngược lại rất cần cho đăng ký hộ khẩu để quản lý nhằm bảo đảm an ninh trật tự.
Việc giữ gìn an ninh là bổn phận đương nhiên của nhà nước, không vì năng lực hạn chế của bộ máy hay vì lợi ích của thiểu số mà hạn chế các quyền của số đông.
Luật cũng cho phép, trong những tình huống đặc biệt, an ninh quốc gia bị đe dọa thật sự thì chính quyền được đưa ra những biện pháp đặc biệt tương xứng, tất nhiên các biện pháp đó là nhất thời hay chỉ áp dụng trong ngắn hạn.
Từ góc độ người dân, họ muốn được đăng ký hộ khẩu để sống yên ổn, làm ăn lương thiện, được sống minh bạch như mọi người trong cộng đồng. Trái lại những phần tử có nguy cơ gây bất ổn an ninh trật tự, hay đã từng gây tiền án tiền sự thì không dại gì chường mặt ra đăng ký hộ khẩu.
Cũng có lập luận rằng, cho nhập cư nhiều quá vào thành phố sẽ ảnh hưởng đến phúc lợi vốn có của người dân thành phố.
Ai tha hóa ai?
Thật ra người từ nơi khác đến thành phố là những người năng động, dám đương đầu với thách thức, có chí tiến thủ, một bộ phận chấp nhận làm những việc xã hội có nhu cầu mà dân gốc thành phố không muốn làm… Nói chung họ đóng góp nhiều hơn cái họ được hưởng.
Xét trên bình diện kinh tế, đóng góp của họ góp phần cho tăng trưởng của thành phố.
Công bằng mà nói, luồng người nhập cư vào thành phố mang theo lối sống nông thôn của nông dân không phù hợp lối sống của một đô thị ,của thị dân. Điều này không tránh khỏi làm cho thành phố có phần luộm thuộm và họ cũng mang theo cả cái nghèo của họ góp phần làm nhếch nhác thêm thành phố – Nhưng những điều này không đủ sức kéo đô thị xuống mà đô thị sẽ kéo họ lên theo một quy luật cá thể phải thích nghi với môi trường nếu muốn tồn tại.
Trong luồng người nhập cư không tránh khỏi có những kẻ bị mặt trái của thành thị làm tha hoá, lỗi không phải ở họ. Họ không làm tha hoá thành phố mà thành phố đã làm tha hoá họ!
Trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá kèm theo đô thị hoá luôn xuất hiện hiện tượng di dân tự do từ nông thôn ra thành thị, đây là một quy luật.
Sẽ là ngây thơ và ấu trĩ khi cho rằng dùng biện pháp hành chính như hộ khẩu để ngăn cản quy luật này.
Và cũng thật là thiếu tính nhân văn khi dùng những biện pháp bắt sử dụng điện nước giá cao, không tạo điều kiện cho con em họ được hưởng quyền lợi vui chơi học hành như các con em khác và hành xử rất trái pháp luật khi không cho họ thực hiện quyền thiêng liêng sở hữu căn nhà của họ.
Kéo dài tình trạng khó khăn trong nhập hộ khẩu sẽ tạo điều kiện tha hoá một bộ phận quan chức. Nghe đâu muốn có KT3, hộ khẩu thường trú đều có giá của nó!
Đó là những nhu cầu tất yếu mà không biện pháp hành chính nào có thể ngăn cản được. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc sử dụng biện pháp hành chính để hạn chế là không thành công.
Xóa bỏ hộ khẩu, chuyển sang tự do đăng ký cư trú, người dân được tự do cư trú ở bất cứ nơi nào mình muốn, giao cho chính quyền quận huyện quản lý cư trú, sẽ là một hướng mới tích cực để vừa khai thông thị trường lao động, vừa quản lý cư trú được chặt chẽ hơn, vừa tạo điều kiện để ta hội nhập được với thế giới.
Thẻ cư trú cá nhân?
Đã đến lúc phải thay đổi tư duy về hộ khẩu. Nếu cơ quan nhà nước muốn quản lý được người dân của mình, biết họ đang sinh sống ở đâu, làm gì… thì phải thay đổi quan niệm và phương thức đăng ký hộ khẩu.
Có nên chăng ta sử dụng “thẻ cư trú cá nhân” dạng thẻ từ, có đầy đủ các chi tiết cần thiết về nhân thân của người dân, dùng để đăng ký chỗ đang cư trú thường xuyên, tạm trú, tạm vắng, thay cả cho chứng minh thư, dùng phương thức đăng ký tự động hay tại các trạm đăng ký, nối mạng toàn quốc… Trình độ ngày nay hoàn toàn có thể làm được khi sử dụng triệt để công nghệ thông tin.
Điều quan trọng là không thể tránh né trì hoãn mà phải đối mặt với thách thức.
Theo Tuanvietnam