Chuyện tuổi thơ anh, giống như tiểu thuyết buồn với một kết thúc có hậu.
Tuổi thơ đẫm lệ và duyên nợ nghiệp cầm ca
Với âm nhạc, những điều đang có, đối với Ngọc Luân giống như một giấc mơ, từ nhỏ, anh chưa bao giờ có thể nghĩ mình lại có duyên số với nghề hát. Nhưng số phận là câu chuyện không ai có thể vẽ ra hay biết trước, người ta chỉ làm đúng những điều mình nghĩ, thấy phù hợp với mình và biết mình đam mê với nó.
Phan Ngọc Luân sinh ra ở đất mũi Cà Mau. Những năm tháng tuổi thơ của anh là những chuỗi ngày buồn. Ở nơi ấy không có điện sáng, người ta sống trong những điệu hò da diết, với ánh sáng le lói, của cải lương và vọng cổ. Cả nhà Luân thích nghe những thể loại âm nhạc mang tính truyền thống như vậy. Những năm 90, nhạc Việt xuất hiện những nhân vật đình đám như Lam Trường, Phương Thanh, Mỹ Linh, Đan Trường. Anh chàng này thuộc gần hết các ca khúc của những nhân vật âm nhạc nổi tiếng thời điểm ấy. Ngọc Luân kể, anh như phát điên khi nghe Mỹ Linh hát “Biển khát” của Trương Ngọc Ninh. Anh yêu mến giọng hát này và muốn một ngày cũng sẽ được như thế.
Ấy vậy mà cuộc sống cuốn anh đi. Mẹ Luân luôn bảo con, giọng hát mày ra gì mà cũng đòi hát hò. Và anh chàng cũng không còn nhớ đến sở thích hát hò của mình, dù khi đi học phổ thông, Luân từng thi hát và đoạt giải.
Hàng ngày, ngoài việc đi học, cậu bé theo mẹ đi ghe, chạy dọc sông để hái hoa lục bình, bông súng đi bán. Gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng ở nơi ấy, ai cũng vậy nên Luân không thấy mình lạc lõng. Anh chỉ thương mẹ vất vả. Cha anh là người đàn ông ít dành sự quan tâm đến vợ con, hay đi nhậu và còn có bên ngoài những cô gái khác. Chứng kiến điều ấy nhiều thành quen, Phan Ngọc Luân thấy mình không có cảm giác sợ hãi, không buồn quá nhiều trước những gièm pha của bè bạn.
Nhưng, phải đến lớp 10, biến cố lớn nhất trong cuộc đời của Ngọc Luân mới xảy ra. Lúc ấy, cha mẹ anh không thể ở với nhau. Sự vô tâm, tàn nhẫn của người đàn ông trong gia đình đã đẩy mẹ anh, một phụ nữ tần tảo đến một quyết định mạo hiểm: ly hôn với chồng, không lấy một chút tài sản. Điều kiện duy nhất bà đưa ra là được mang 2 đứa con theo. Và bà đã có điều ấy. Toại nguyện trong đau đớn, vất vả mà không biết con đường phía trước sẽ thế nào. Sức mạnh duy nhất của người phụ nữ này lúc ấy, có lẽ là hình hài 2 đứa con đã cho bà sự dũng cảm, quyết tâm để giải thoát.
Mẹ dẫn Ngọc Luân và em trai theo, đi xe đò từ Cà Mau lên TP.Hồ Chí Minh để bắt đầu một cuộc sống mới với chỉ vỏn vẹn trong tay 1 triệu đồng. Một số tiền quá nhỏ và con đường thì đầy mơ hồ phía trước. Lúc theo mẹ lên Sài thành, Luân mang theo nỗi buồn xa cố hương, dù nơi ấy còn nghèo khổ. Ánh mắt anh dõi ngược lại con đường cũ, nhiều kỷ niệm. Đặt chân lên thành phố, nơi nhịp sống hối hả, nơi người ta dường như không có khoảng lặng để ngồi tĩnh tâm và nghĩ, cậu bé lớp 10 mơ màng về mảnh đất vắng lặng, thiếu ánh đèn điện. Làm quen với Sài Gòn là một điều không dễ dàng với cả 3 mẹ con. Đặc biệt khi họ không có chút gì trong tay mình. Luân nhớ lại khoảng thời gian ấy, mà vô cùng xúc động, gương mặt có quá nhiều nỗi niềm.
Mẹ nhanh chóng xin làm việc rửa chén tại nhà hàng Gia Định, gần nhà mấy mẹ con đang thuê để sống hiện tại. Ở đó có một mái hiên và mẹ anh đã xin được phép cho 3 mẹ con ngủ hàng ngày tại đó. Trải một tấm bạt ra và chịu mưa gió tạt ngang, tạt ngửa. Đặc biệt trong những ngày Sài Gòn vào mùa mưa nhưng cả 3 mẹ con đều phải chịu đựng và cố gắng. Ban đêm ngủ và ban ngày lại cuốn đồ đạc lại. Cuộc sống như vậy nhưng cũng chịu đựng được đến hơn 1 năm. Mãi sau này, mấy mẹ con mới thuê được một căn nhà đàng hoàng để ở. Đó cũng là ước mơ, là tâm niệm của Ngọc Luân. Anh giữ lời hứa ấy cho mình và hứa với mẹ sẽ tìm cách để mẹ sống ở một căn nhà đàng hoàng hơn.
Thời điểm ấy, ngoài việc đi học, Phan Ngọc Luân cũng tranh thủ đi làm để giúp đỡ mẹ. Anh phục vụ ở quán cà phê, 16 tuổi, người ta lo Luân không làm được việc nên anh phải thuyết phục mãi. Ngọc Luân được trả 500 ngàn một tháng, nhưng anh xin làm thêm 2 tiếng một ngày để nhận thêm 100 ngàn. Cầm những đồng tiền đầu tiên đưa cho mẹ, Ngọc Luân vô cùng vui. Bởi nó thật sự có ý nghĩa với cả 3 mẹ con. Mãi sau này, Ngọc Luân mới được mẹ kể về quyết định từ bỏ tất cả để lên Sài Gòn, chôn vùi ký ức đau buồn vì sự tàn nhẫn, vô tâm của cha anh.
Luân nhớ thời gian ấy, anh vừa béo, vừa đen. Mẹ làm ở nhà hàng, nên anh hay được ăn đồ thừa, Ngọc Luân không bỏ phí tí gì nên mập dễ sợ. Nhưng, cuộc sống tạm ổn định chả được bao lâu thì Ngọc Luân bị bệnh hiểm nghèo. Căn bệnh quái ác mang tên “Vi mô tế bào” làm gia đình nhỏ của Ngọc Luân lại cuộn sóng một lần nữa. Căn bệnh ấy làm cho máu không sản sinh ra hồng cầu. Nếu không chữa bệnh kịp thời sẽ ra đi mãi mãi sau 6 tháng. Luân biết như vậy và đầy sợ hãi. Mẹ anh bắt đầu phải chạy vạy khắp nơi, với ước vọng con qua cơn hoạn nạn.
4 tháng nằm trong viện, ngày nào Ngọc Luân cũng khóc. Anh chàng tự đặt câu hỏi, mình còn quá trẻ, chưa làm được gì, tại sao cuộc đời lại bất công như vậy. Lúc ấy, Luân thấy mình thèm được hát, nhận ra đam mê ca hát rất lớn trong mình. Mẹ anh phải đi làm kiếm sống và để lo cho anh nên hàng tuần mới vào thăm con 1 lần. Lần nào vào bà cũng nhìn con rồi ngoảnh mặt đi khóc. Bà lo con nhìn thấy, lại buồn và lo lắng. Nhưng, Luân biết tất cả những điều ấy. Anh xót xa khi gia đình khó khăn mà mẹ cứ phải mỗi lần đưa cho bác sĩ một cọc tiền lớn để thay máu cho con.
May thay, tháng thứ tư, Ngọc Luân được một người đàn ông tên là Long, đã mất, hiến tủy cho anh. Thay tủy, hồng cầu được bơm trở lại mạnh mẽ, Ngọc Luân dần phục hồi. Anh thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, tính tình thay đổi, suy nghĩ mọi chuyện thấu đáo hơn. Có một người đàn ông chững chạc đang chạy dần dần trong xương tủy của Luân. Anh biết, mình đang sống bằng 2 cuộc đời. Và phải sống cho thật ý nghĩa.
Luân rất biết ơn người đàn ông đã nối dài cuộc sống cho anh. Nhưng đi tìm lại gia đình ấy, thấy nói đã sang Mỹ định cư. Cuộc tìm kiếm giờ vẫn tiếp tục. Nói về giai đoạn mang trọng bệnh, Luân bảo, anh không nhận được một lời hỏi thăm từ phía cha, từ phía nhà nội. Mối quan hệ giữa anh và đằng nội như sợi dây mong manh. Nhưng giờ anh không trách cứ hay hờn giận, chỉ đi tìm cho mình những lý giải hợp lý cho những hành động lạnh lùng trên. Cha anh, giờ đã có vợ mới và có con. Coi như cuộc sống yên ổn. Thỉnh thoảng, Luân gọi điện về hỏi thăm và cũng chỉ dừng lại ở cuộc điện thoại ngắn ngủi. Anh không muốn cuộc sống của ông xáo trộn.
Siu Black, Mr Đàm: Người khai sáng và ơn nghĩa
Nói về những người thầy trong âm nhạc, Ngọc Luân dành rất nhiều tình cảm cho Đàm Vĩnh Hưng. Đối với anh, Mr Đàm là người thầy, người đã đưa Ngọc Luân đến với con đường xán lạn trong âm nhạc. Người đã thổi một làn gió mới trong tư duy âm nhạc và hình ảnh của Ngọc Luân sau này đến với công chúng.
Đàm Vĩnh Hưng biết những ưu khuyết điểm trong giọng hát của Phan Ngọc Luân để điều chỉnh, đổi mới. Còn Mr Đàm thì nói, anh tìm thấy trong giọng hát của anh chàng này bóng dáng của mình, sự tự nhiên, bộc phát và mạnh mẽ, có những sự hồn nhiên đáng yêu. Có lẽ vì thế mà hai thầy trò hợp nhau.
Phan Ngọc Luân hiện vẫn đang đồng hành cùng Mr Đàm tại The Voice khi anh xuất sắc lọt vào top 4 của đội “ông hoàng” nhạc Việt. Phan Ngọc Luân cũng bật mí, hiện tại, anh đang là cộng tác viên trong công ty của Đàm Vĩnh Hưng. Nhưng trong thời gian tới, nếu công ty muốn ký hợp đồng, anh sẽ trở về “chung nhà” với thầy. Đó là mong muốn hiện tại của Luân. Anh nói như vậy vì từ sau khi cộng tác với Mr Đàm, anh thấy mình đổi khác và tin vào con đường thầy đã vẽ cho mình.
Giọng ca bốc lửa này nhớ lại, không phải đến khi gặp Đàm Vĩnh Hưng ở The Voice hai người mới biết nhau. Có lẽ, được cộng tác như hiện tại là duyên số. Trước khi thi The Voice, Phan Ngọc Luân đã may mắn được hát chung với Mr Đàm tại chương trình “Song ca cùng thần tượng” cách đây mấy năm. Lần đó, Mr Đàm đã ấn tượng với giọng hát của anh và trao giải thưởng cho Luân vì song ca với thần tượng hay nhất. Nhưng vào đến The Voice, Đàm đã không nhận ra vì Luân đã thay đổi, gầy hơn và “trắng” hơn. Mãi sau này tập chung với trò, Mr Đàm mới nhận ra. Ngày 20/11, trên sâu khấu Tình ca muôn thuở, Ngọc Luân đã tặng cho thầy mình một khung ảnh, có 2 chiếc ảnh của Mr Đàm khi ngồi ghế nóng của The Voice. Món quà nhỏ mà nhiều ý nghĩa.
Ngọc Luân khi được Đàm Vĩnh Hưng chọn vào đội ở Giọng hát Việt 2012
Nhưng, Đàm Vĩnh Hưng không phải là người thầy đầu tiên. Người phát hiện ra Ngọc Luân đầu tiên là Quốc An, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng do Mỹ Tâm thể hiện như “Cây đàn sinh viên”. Sau Quốc An, Phan Ngọc Luân được Siu Black dìu dắt. Anh chàng nói, Siu là người anh rất biết ơn. Tại cuộc thi Vietnam Idol mùa thứ 2, Siu đã nhận ra nội lực trong giọng hát của Luân, thấy anh chàng có điểm tương đồng trong giọng hát đầy lửa, sự cuồng nhiệt trên sân khấu giống như họa mi của núi rừng Tây Nguyên. Và thế là, Siu bảo vệ để Ngọc Luân được đi tiếp trong vòng Audio của mùa thi năm ấy. Siu bỏ ngoài tai những câu nói như: “Ngọc Luân không có chất”, “nhận dạy là mạo hiểm”. Cũng từ đây, Siu nhận dạy dỗ Phan Ngọc Luân cách hát để đứng trên sân khấu. Có thể nói, Siu là người thầy đầu tiên trong âm nhạc của anh chàng này. Ngọc Luân biết điều ấy và rất biết ơn Siu Black vì những gì chị đã làm cho anh.
Ngọc Luân còn nhớ, sau cuộc thi Vietnam Idol mùa thứ 2, khi khai trương quán cà phê, nay là phòng trà Siu Black Coffee, chị Siu đã gọi Luân đến và nói với Luân: “Em nghỉ làm nhân viên phục vụ đi. Chị thấy em làm ca sĩ được, có gì chị sẽ chỉ dạy thêm. Chị tin là em sẽ thành công”. Lúc đó, Luân chỉ nghĩ chắc chị Siu vui miệng nói vậy thôi, không ngờ mấy ngày sau chị Siu gọi Luân qua, bắt tập mấy bài hát với ban nhạc để hát cho quán chị. Và cứ thế sau mỗi lần tập bài, chị Siu lại ở bên cạnh hướng dẫn rất tận tình, chỉ dạy Luân rất nhiều, rồi anh chàng trở thành “học trò cưng” của chị lúc nào cũng không hay. Thời gian đó, Ngọc Luân hát ở quán của Siu 1 tuần 4 buổi. Số tiền Luân nhận hàng đêm cộng lại gần gấp đôi tiền lương của 1 tháng Luân đi làm phục vụ ở quán ăn. Rồi dần dần có nhiều người đến quán nghe Luân hát, sau đó họ giới thiệu Luân đến các phòng trà, quán bar khác.
Về phần Siu Black, chị luôn nói rằng: “Chị chỉ có thể giúp em hát sao cho hay nhất, làm sao để khán giả yêu thích em, chứ chị không có điều kiện đưa em đi lên. Em phải tự phấn đấu. Nếu gặp may, tổ nghiệp thương thì tự em sẽ thành công. Như vậy em mới biết trân trọng chính mình”. Và đúng như thế, chị Siu không cho Luân ỷ lại, không bao giờ ép các bầu sô: “Muốn mời tui hát trong chương trình đó, phải cho học trò tui hát cùng”. Điều này Luân rất quý ở chị, nên Luân rất tự tin khi đứng trên một sân khấu lớn mà không phải “dựa hơi Họa mi của núi rừng Tây Nguyên”.
Bình yên nở hoa
Phan Ngọc Luân là một trong những kẻ ngây thơ trong làng showbiz còn sót lại. Nơi mà nhiều nghệ sĩ trong lúc trà dư tửu hậu hay đùa với nhau là hễ ra đường là thấy ma quỷ, là thấy cáo già. Người ta nói xấu nhau, kèn cựa để nổi tiếng, để vượt mặt và thấy mình quan trọng. Anh chàng này bảo, trong những nhóm người ấy, anh như kẻ lạc loài. Nhiều người bảo Ngọc Luân phải đổi khác, không nên thẳng thắn hay thật thà như vậy. Bởi lẽ, theo quan niệm của họ, nghệ sĩ cần phải giữ những điều bí mật cho riêng mình, để còn hấp dẫn và làm màu với công chúng. Trưng ra tất cả những gì thuộc về mình như Ngọc Luân sẽ khiến người khác thấy không còn điều gì thú vị. Đó là thiệt thòi.
Sau những lời khuyên như vậy, anh chàng cũng chẳng mảy may suy nghĩ. Luân nghĩ, mình có sao thì thể hiện như vậy, hạnh phúc đối với anh chàng này là được sống với chính con người của mình và không phải đeo mặt nạ. Anh cũng có ít bạn bè trong giới vì thấy mình khác họ. Đi diễn xong là về nhà, không la cà quán xá, không tiệc nhậu sau những cuộc trình diễn. Ngọc Luân cũng không phải là kẻ thích chỗ đông người như bar, sàn. Thế giới của ồn ào không thuộc về anh. Thậm chí, những lần đi diễn ở bar xong, Phan Ngọc Luân cũng trở về nhà luôn, không nán lại.
Thời điểm đầu tiên đi hát, anh chàng này cũng giống như những nghệ sĩ khác, bắt đầu đến với phòng trà, hát vài trăm ngàn một sô nhưng vui vẻ và cũng không đầu tư nhiều vì phần lớn thời gian để học tập. Mẹ anh cũng không muốn con bỏ bẵng việc học để đi hát. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được từ việc đi hát, dù không nhiều cũng khiến chàng trai này vui sướng.
19 tuổi, Ngọc Luân đi thi Vietnam Idol chỉ vì thấy Hải Yến béo vậy mà cũng tự tin đi thi, còn được khen hát hay. Nỗi lo không có lợi thế ngoại hình như Đan Trường của Ngọc Luân bay biến đi. Lúc đó, Luân mua được một chiếc áo màu xanh và một chiếc quần jean. Nhưng vì béo quá nên đồ rất chật. Anh lại không có tiền nên phải mua đồ chợ mà đồ chợ lại không có cỡ oversize cho người béo. Vậy là vừa đi thi, vừa như nín thở. Nhưng hát một câu bài “Rêu phong” của Tuấn Khanh thì anh chàng bị đưa ra ngoài, nghĩ chắc bị rớt nhưng khi được gọi ghi hình thì hứng thú lắm, dù nghĩ là chia sẻ cảm xúc của người đi thi bị rớt. Đối với Luân, thời điểm ấy, được lên tivi là đủ để vui rồi.
Lúc thi Sao mai điểm hẹn 2010, may mắn lọt vào top 16, Ngọc Luân cũng thấy bất ngờ và dù phải dừng lại, anh chàng thực sự vui. Anh nghĩ, mình còn trẻ, được như vậy là đã quá lớn lao rồi. Đi thi trong hoàn cảnh gia đình vẫn còn quá nhiều khó khăn, một cái quần, một cái áo, chút son phấn đối với Ngọc Luân cũng là điều khó. Nhìn bạn bè trong cuộc thi, người có cả ô tô riêng, kẻ được gia đình chăm sóc từng ly, từng tý là anh chàng cũng thấy chạnh lòng, tủi thân. Nhưng nỗi buồn không đọng lại quá lâu. Ngọc Luân biết tự hài lòng với những gì mình có và tiếp tục cố gắng vừa đi hát, vừa đi học.
Hiện tại, Ngọc Luân đã học xong đại học ngành quản trị kinh tế tài chính, Đại học Mở TP.HCM. Và hiện tại, anh chàng vẫn tiếp tục theo học Cao học cũng chính ngành này. Việc học đối với Luân và mẹ anh, thực sự là quan trọng. Bởi lẽ, tri thức sẽ là nền tảng để anh vững bước hơn trong sự nghiệp. Dù đi diễn thế nào thì với mẹ Luân, thấy con mình vẫn đang đi học là bà mừng. Thỉnh thoảng mẹ Luân lên trường, nghe thầy cô nói con trai mình học tốt, là bà yên tâm. Luân đang học, không chỉ cho mình mà cả những giấc mơ của mẹ.
Độ này, do lịch đi diễn nhiều nên anh chàng đã phải bỏ tiền nhiều hơn để học tối. Phan Ngọc Luân kể, ở trường anh có Phan Lê Ái Phương và Bạch Công Khanh theo học thạc sĩ. Vì là cùng chung nghề hát nên họ học cùng nhau và đều được nhà trường đáp ứng nhu cầu học tối.
Hiện, cuộc sống của gia đình Luân đã ổn định hơn. Anh cũng mở được cho mẹ một quán cà phê để bà quản lý. Và tất nhiên, tiền nợ của gia đình khi phải lo cho Luân trị bệnh cũng trả gần hết. Nhưng cả Luân và mẹ đều giữ cho mình nhịp sống cũ, tiết kiệm và không xum xoe đồ hiệu, hay tiêu xài quá tay. Họ còn những giấc mơ khác để thực hiện. Luân bảo, đời sống bây giờ cũng khác. Anh mong mẹ chưng diện nhiều hơn, cũng phải son phấn, quần áo nhưng mẹ thì không chịu như thế. Bản tính chất phác của một phụ nữ lao động không cho phép bà làm như vậy khi 2 con còn chưa ổn định.
Nói về mẹ, Luân bảo, anh mong muốn mẹ đi bước nữa, có một người đàn ông để sẻ chia, tâm sự và nương tựa. Nhiều lần ngỏ lời với mẹ về việc này nhưng mẹ đều gạt đi. Bà thích cuộc sống như hiện tại, bình yên bên các con của mình. Ngọc Luân nghĩ về mẹ thương cảm. Có lẽ, những vất vả, những nỗi buồn quá khứ đã giống như một phiến đá, đè nặng trên lồng ngực của người phụ nữ, khiến bà sợ hãi khi phải bắt đầu ngay với điều cần thiết cho chính mình. Điều này khiến Luân càng tự nhủ, sẽ phải tìm cách đền bù cho mẹ nhiều hơn. Thời điểm này, với những thành công hiện có, Luân bảo sẽ phải cố gắng hơn để giống như lời một fan đã từng nói với mẹ anh, Luân là đứa con quý của bà nên phải giữ gìn.
Riêng với em trai, Phan Ngọc Luân cho hay, cậu có tính cách trái ngược với anh, ít giao du, ít giao tiếp ngay cả với mẹ và anh trai. Ngoài việc học, anh chàng chỉ ở nhà chơi vui. Nhưng Ngọc Luân cũng bảo, anh vẫn dành thời gian để ở bên cạnh con đường của em, lo lắng cho em trai để anh chàng không đi chệch hướng. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của người đàn ông lớn trong gia đình như Luân.
Phan Ngọc Luân ngày hôm nay mang niềm vui, sự mạnh mẽ và trẻ trung đến với âm nhạc, như một làn gió mới. Nụ cười luôn tươi rói và hiền lành. Nỗi buồn của quá khứ khép lại dịu dàng. Với người có nhiều sóng gió, đối diện với cái sống và cái chết như Phan Ngọc Luân giờ như bước qua một thử thách lớn. Và chắc chắn, anh sẽ vững vàng hơn, sẽ thành công hơn.
Chuyết Nhi (theo Đang yêu)