Phòng đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT tỉnh Hưng Yên vắng hoe. Ảnh: Phong Cầm.
Sinh giảm, tử tăng
Có mặt tại Phòng đăng ký kinh doanh (ĐKKD), Sở KH-ĐT Hưng Yên, PV thấy phòng làm việc nơi đây vắng vẻ. Trong phòng chỉ vài nhân viên đang ngồi làm việc. Suốt buổi sáng có mặt tại Sở KH-ĐT Hưng Yên, chúng tôi thấy một người đến đăng ký thành lập DN mới.
Trưởng phòng ĐKKD Doãn Thị Tâm cho biết, ngoài đăng ký thành lập mới, có ba lý do DN đến với Phòng là đóng mã số thuế, làm thủ tục giải thể và phá sản.
“Có những DN đã chấm dứt hoạt động nhưng họ không đến đăng ký giải thể, phá sản thì Phòng cũng không nắm được” – bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, thực tế, DN đang gặp muôn vàn khó khăn. Có những DN thực ra đã dừng hoạt động nhưng chưa báo với cơ quan chức năng vì họ lo nhiều thứ. Có thể khi biết DN phá sản, ngân hàng sẽ đến siết nợ, tịch thu tài sản hoặc các chủ nợ khác đến gây khó dễ, không bán được hàng.
Theo Sở KH-ĐT Hưng Yên, từ 1-1-2012 đến 21-11-2012, toàn tỉnh chỉ có 463 DN thành lập mới (giảm 21,39% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, có 34 DN đã đến làm thủ tục giải thể DN (tăng 112,5% so với cùng kỳ năm 2011); số chấm dứt hoạt động của các đơn vị trực thuộc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh là 8 DN (tăng 14,28% so với cùng kỳ năm 2011); số DN đóng mã số thuế (đang làm thủ tục tại cơ quan Thuế để đi đến làm thủ tục giải thể DN) là 74 DN.
“Để thực sự biết có bao nhiêu DN đã giải thể, phá sản, ngoài số liệu của phòng ĐKKD, phải có số liệu cụ thể từ nhiều cơ quan khác như Thuế, Hải quan…” – bà Tâm nói
Tại Quảng Ninh, theo lãnh đạo Phòng ĐKKD, Sở KH-ĐT, tính đến thời điểm này, trên địa bàn Quảng Ninh có khoảng 882 DN đăng ký mới (giảm 27,6% so với cùng kỳ).
Tổng vốn đăng ký kinh doanh là 4.775 tỷ đồng (giảm 141%) và có tới 2.121 DN đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Còn số lượng DN đến đăng ký ngừng hoạt động qua Phòng ĐKKD từ đầu năm đến nay khoảng vài trăm DN.
“Con số này chỉ có cơ quan thuế mới nắm rõ vì rất nhiều DN không làm thủ tục dừng kinh doanh tại Sở KH-ĐT”- vị lãnh đạo này nói.
Riêng TP Móng Cái (Quảng Ninh), theo báo cáo của trên 100 DN kinh doanh xuất nhập khẩu, đa số họ đều đang gặp khó khăn. Ước tính, có 30% DN giải thể, tuyên bố phá sản và dừng kinh doanh.
Ngoài ra, có 50% DN làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng vì buôn bán hàng tạm nhập tái xuất đang thắt chặt. Nhiều DN bị Trung Quốc phong tỏa tài khoản nên không thể nhận được tiền hàng từ đối tác Trung Quốc, trong khi chi phí vận chuyển, lưu container… DN phải vay ngân hàng để chi trả.
“Nếu không có gì biến chuyển, với tình hình này, sẽ có tới trên một nửa DN tại Móng Cái phá sản trong thời gian tới” – lãnh đạo một DN xuất nhập khẩu tại Móng Cái cho biết.
Ba nguyên nhân khai tử
Hiện chưa có con số thống kê chính xác số DN dừng hoạt động, phá sản từ đầu năm tới nay. Trong lần trả lời Tiền Phong mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ước tính có khoảng 50.000 DN dừng hoạt động, giải thể, phá sản trong năm 2012.
Nếu cộng cả năm ngoái, chỉ trong 2 năm trở lại đây, có khoảng 100.000 DN giải thể, đóng cửa (con số này bằng một nửa số DN đóng cửa trong suốt 20 năm qua kể từ ngày có Luật DN đến nay – PV).
“Đây là con số đáng báo động nên việc cứu DN là điều cần làm. Về lâu dài, để cứu DN, nhà nước nên giảm thuế thu nhập DN xuống còn 20%. Ngoài ra, cần giảm thuế thuê đất, giúp DN tiếp cận tín dụng” – ông Lộc nói.
Theo ông Bùi Huy Cường – Phó GĐ Trung tâm Xúc tiến đầu tư Hưng Yên (đơn vị chuyên tư vấn cho DN), có ba nguyên nhân khiến DN gặp khó, đó là không vay được vốn, khó khăn về thị trường đầu ra và hàng tồn kho thì quá lớn.
Trong đó, nguyên nhân trực tiếp khiến DN chết là vì khi đáo hạn, ngân hàng không cho vay lại khoản vay cũ. “Khi đến kỳ đáo hạn, DN phải chạy vạy khắp nơi vay người thân, bạn bè để trả nợ ngân hàng, nhưng khi trả nợ xong họ không được vay lại như ngân hàng hứa. Chính vì thế, các khoản vay chồng lên nhau, dẫn đến sụp đổ vì không có khả năng trả nợ”, ông Cường nói.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cứu DN là việc cần làm nhanh và khẩn trương hơn bao giờ hết. Bởi DN có tồn tại, phát triển, nền kinh tế mới tăng trưởng. Khi DN đã kiệt quệ hoặc chết lâm sàng mới ra tay cứu thì không còn ý nghĩa.
Đà Nẵng: Doanh nghiệp giải thể tăng
Theo ông Ngô Đình Tráng – Phó trưởng phòng Tổng hợp (Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng), những tháng đầu năm 2012 có gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký mới, với tổng vốn điều lệ gần 5.400 tỷ đồng (giảm hơn 3.400 tỷ đồng so với 2011). Trong khi đó, có gần 250 doanh nghiệp thông báo giải thể, xóa tên với tổng vốn đăng ký hơn 312 tỷ đồng; 264 đơn vị tạm ngưng hoạt động, tăng mạnh so với mọi năm. Chỉ tính riêng trong gần 80 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng được Sở KH&ĐT hậu kiểm vừa qua, chỉ có 35 đơn vị hoạt động bình thường, còn lại hơn 20 doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết góp vốn và 19 đơn vị ngưng hoạt động.