Bản hòa ca vùng đồi

  

Nhà hội nghị nằm bên cạnh đường chính dẫn vào Flamingo Đại Lải Resort, giữa một vùng núi đồi ngút ngàn của những ngọn thông và thảm thực vật xanh tịnh lặng. Cũng từ vị trí của mình mà nhà hội nghị này “kiêm” luôn hình ảnh của một dấu mốc, một trạm đón khách cho cả khu nghỉ dưỡng. Không bỏ công di chuyển khoảng 50 km ra khỏi Hà Nội, khách đến nghỉ tại đây rõ ràng đã tìm thấy một thế giới hoàn toàn khác biệt với phố thành để hòa mình vào tất cả những gì trong trẻo nhất của thiên nhiên. Đầu tiên, một bức tường đá lớn xuất hiện trong tầm mắt, lẩn khuất giữa những ngọn đồi. Người ta dễ bối rối, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra ở chỗ bức tường, và đặc biệt, đằng sau bức tường. Bởi nó trông giống như tường thành của một pháo đài. Đoạn tường đá hình bán nguyệt đồ sộ với chiều dài 80m, cao 8m và độ dày đến 1m, mảng tường chắc chắn che giấu ở đằng sau nó những điều thú vị.

 

Và sự thú vị đã đến, hiền hòa và rất dễ nhận ra. Một con đường lát đá vuông góc với bức tường dẫn vào bên trong, đến với thế giới đằng sau bức tường bí ẩn nọ. Con đường lát đá với hai hàng cây nhỏ chạy dọc, trang trọng như lối dẫn đến cổng thành. Kiến trúc phô diễn vẻ đẹp của nó ở ngay cả những góc nhìn rất cận cảnh như thế, ngay cả trong cách thể hiện đơn giản nhất, và đặc biệt, ngay cả khi nhún mình nhất để phù hợp và tôn lên vẻ đẹp của cảnh quan. Thế nên, bản hòa ca mà công trình đem lại giữa vùng đồi núi mênh mang cũng thành êm dịu. Chất liệu đá được dùng kèm với tre, với mái lá đã dễ dàng biến cảnh quan làm “phông nền” đắc lực.

 

Đằng sau lối đi vuông góc dẫn vào bên trong, khách sẽ đến khu vực sảnh với trần lợp tre theo tỷ lệ khác biệt và những mảng tường được thiết kế theo lối xếp chừa lỗ từ những viên đá chữ nhật vuông vức thay cho kiểu xếp rối như ở mặt tường ngoài. Màu sắc đẹp tự nhiên của tre được giữ nguyên, khả năng chịu lực và tính đàn hồi, dễ uốn cong của tre đã được kiến trúc sư tận dụng để tạo nên những tác phẩm ấn tượng. Nhịp dài nhất của kết cấu tre lên đến 13,6 mét và hệ thống xà cùng cách thức kết nối với nhau còn tạo thành những đường cong đầy quyến rũ.

Hình ảnh thực hiện tại nhà hội nghị thuộc flamingo Đại Lải resort, tỉnh Vĩnh Phúc
Thiết kế: KTS Võ Trọng Nghĩa, KTS Takashi Niwa

Công ty kiến trúc võ Trọng Nghĩa

Phần mái bao gồm 26 khung tre lớn, định hình nên chuyển động khoan thai và ý tứ, người ở bên trong có thể vừa cảm nhận được cái động trong nội thất, đồng thời vẫn giữ được cảm giác thong dong cần có ở một nhà hội nghị nằm trong khu nghỉ dưỡng. Hệ khung kèo của mái một đầu được gác lên bức tường đá cong, một đầu gác lên bức tường thẳng thấp hơn ở cạnh còn lại của nhà hội nghị, sự bất đối xứng lại càng tạo cơ hội cho những cây luồng vàng óng và mặt dưới của mái lá khoe hết vẻ đẹp ấm áp của mình. Tính liên tục trong thiết kế còn được gia tăng nhờ hệ thống những cửa sổ nhỏ tạo thành motif đều đặn.

Nhờ đó, không gian bên trong dù có bị chia nhỏ cho nhiều chức năng khác nhau như phòng hội nghị, phòng hội thảo, sảnh, phòng hỗ trợ… vẫn đảm bảo được cảm giác mở, rộng thoáng cho khách thưởng lãm.

 

Nhìn từ mặt phía bên kia của bức tường đá – hướng Bắc của công trình, một điều thú vị khác lại được mở ra: mặt ngoài của mái lá được tạo hình ấn tượng trong cách kết hợp thật lạ. Mà thật, nếu không đi đến mặt phía Bắc của công trình, hẳn sẽ không thấy được hình ảnh này. Mái lợp bằng cây vọt, dày, màu nâu xám, mang nét dịu dàng của một nếp nhà xưa, chất chứa biết bao niềm êm đềm trong ký ức nhiều người về những ngôi nhà hiền hòa, nghiêng nghiêng bên dòng sông tuổi thơ. Mái lá ở nhà hội nghị kéo dài ngang tầm mắt, dễ khiến người ta mê đắm như khi nhìn ngắm một nhát cọ phóng khoáng của tay họa sĩ trứ danh nào đó. Và mái lá bị “giấu” kỹ, đằng sau màu xanh của đồi và màu xám lẫn vàng sậm của tường đá, kín đáo như một mảnh hồn quê.

 

Thêm một điều đáng chú ý nữa ở công trình này, đó là tính bền vững trong xây dựng. Bên cạnh hình ảnh bên ngoài, về phần vật liệu, những cây tre, mái vọt và đá vốn khá dồi dào ở khu vực lân cận công trình. Kiến trúc sư dễ dàng mang lại tính độc đáo trong khi vẫn tận dụng tốt những chất liệu bản địa. Từ đó đồng hành được với môi trường xung quanh, thể hiện sự tôn trọng cần thiết với những giá trị sẵn có của địa hình. Với quan niệm thiết kế đó, nhà hội nghị này không chỉ là một không gian đẹp để tận hưởng mà còn tạo ra nguồn cảm hứng để con người cảm nhận rõ hơn những tinh thần của thiên nhiên.

 

 

Text: An P.

Photo: Hiroyuki Oki


From the same category