Thích thì tôi làm!
– Nhìn mấy món này tôi đoán chị rất thích làm đồ handmade?
– Ôi dào. Giờ đang thích đấy. Có những khi hứng lên thì miệt mài làm cả ngày, nhưng lúc nào mệt là thôi, chả buồn động tới.
– Túi xách chị làm đẹp thật. Chị có bán không thế?
– Có. Vui thôi mà. Cũng lôi kéo một hai người bạn làm cùng. Nhưng bản thân mình thì làm theo cảm hứng, thích thì làm, không thích lại thôi.
Pianist Phó An My trên sân khấu
– Giả sử vào ngày chị thích làm đồ handmade, thì có thời gian cho piano không nhỉ? Chẳng lẽ chị bỏ chơi đàn vào những ngày đó?
– Ôi, tập đàn đôi khi cũng mệt lắm. Giờ thích thì tập, không thì cũng làm việc khác. Có khi buồn buồn, chán chán lại xách túi đi chơi vài ngày. Hôm nay gặp bạn, mai mình lại đi.
Tất nhiên ngày xưa thì không thể thế. Thời còn ở Đức, hay lúc nhỏ ở nhà, ngày nào tôi cũng phải tập. Đôi khi chưa biết tập vì cái gì thì vẫn cứ phải tập. Sang Đức, được tiếp xúc trực tiếp với môi trường cổ điển, nơi sinh ra âm nhạc cổ điển, thì mới thực sự say mê với piano. Lúc ấy tập “điên cuồng”. Cũng một phần thấy mình nhỏ bé quá, cũng ngượng nữa.
– Chị chiều chuộng cảm xúc thế, thì các buổi diễn của chị được sắp xếp hay tổ chức theo quy tắc nào? Chẳng lẽ cũng thích thì làm?
– Tôi có trong tổ chức đoàn thể nào đâu. Lúc nào tôi thấy muốn làm thì lại tổ chức. Lười thế nhưng cũng cố một năm được một buổi diễn piano cổ điển. Như cuối năm nay, dự định sẽ có một buổi diễn tại L’Espace. Còn những buổi diễn kết hợp cùng dòng nhạc truyền thống giống như “Bóng” năm 2011 thì rất mệt, mất rất nhiều sức lực tìm tòi, nên cần thời gian.
– Vậy khi biểu diễn, nhất là những buổi diễn ngoài trời gần nhất với người nghe, chị có quan tâm tới những khen – chê, thích – hay không?
– Khi biểu diễn tôi không kịp nghĩ gì. Lúc đó tôi không cần biết người đang nghe nhạc của tôi là công chúng bình thường, người nhà hay các nghệ sĩ … Nhiều khi tôi biểu diễn chỉ để thỏa sở thích của mình, diễn xong cùng các bạn thân đi uống tí rượu, cười vui vẻ với nhau là tôi sướng rồi.
– Chị không có nhu cầu người nghe thích âm nhạc của mình sao?
– Tôi không đòi hỏi người nghe phải thích nhạc của tôi. Âm nhạc cần quá trình cảm thụ và thẩm thấu, đặc biệt với hình thức biểu diễn kết hợp piano với chèo, tuồng, cải lương… Dù gì, mỗi người một tai nghe, người thích, người không cũng là bình thường thôi. Nhưng nếu là khen – chê, thì khen – chê phải có cơ sở, chứ không thể nói chung chung. Trong trường hợp này, sự am hiểu về khí nhạc, về nhạc truyền thống là cực kỳ quan trọng.
– Khen chê có dẫn chứng cụ thể, hình như không nhiều ở Việt Nam?
– Với những lời chê mà lộ ra sự không hiểu biết, tôi bực mình lắm. Người chê như thế, tôi chẳng để ý nữa. Chê đúng thì đương nhiên là mình rất ghi nhận và cảm ơn rồi.
– Chị có gửi tác phẩm của mình ra nước ngoài, cho những người thầy từng dạy, cho những người bạn đã thành danh của chị tại Đức và nhiều nơi khác nữa?
– Có chứ. Tôi có những người bạn đã thành danh tầm thế giới rồi. Tôi vẫn trao đổi thông tin, gửi cho họ đĩa nhạc ghi lại các tác phẩm để nghe những ý kiến của họ.
Không có nhu cầu tìm “người mới”
– Giờ nói tới Phó An My, người ta nghĩ ngay tới vai trò một người tiên phong tại Việt Nam trong việc kết hợp piano với các hình thức nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, cải lương, chầu văn… Chị yêu nghệ thuật truyền thống như vậy có phải vì ảnh hưởng của người chú là nhạc sĩ Phó Đức Phương – người cũng hướng về các yếu tố dân gian, truyền thống dân tộc trong các sáng tác của mình?
– Không. Tôi không ảnh hưởng bởi ai cả. Hồi bé, tôi thậm chí sợ nghe hát ru. Có khi tôi phát khóc khi nghe hát ru. Khi lớn lên, học và trở về nước, tôi hay đi lang thang các tỉnh, đã có những khoảnh khắc khó quên, như khi đang ngồi với một hai bạn sinh viên trên thuyền thúng chao đảo trên biển, tự nhiên các bạn lại hát dân ca, thấy hay thật. Khung cảnh tạo nên cái cảm. Đến khi bắt tay vào công việc thật, các nghệ nhân thực sự lại làm tôi “chao đảo”, tôi nghe và tôi mê. Tôi dốc sức lực để cảm được cái hay, cái đặc sắc, tinh túy của từng hình thức… Chỉ khi cảm được, và hiểu được theo cách học thuật, mặc dù trong âm nhạc tôi không thích dùng từ “hiểu”, tôi mới có thể kết hợp với nhạc sĩ để đưa ra những tác phẩm cho piano với hầu văn, hay tuồng, chèo…
– Vậy sự kết hợp nào giữa các hình thức kết hợp piano với cải lương, với tuồng, với chầu văn… thách thức chị nhất?
– Không có chỗ cho từ đơn giản ở đây. Nhưng chầu văn thì khó kinh khủng. Vì chầu văn là thứ âm nhạc tổng hợp nhưng lại đạt đến đỉnh cao hoàn mỹ.
Nhưng với bất cứ thể loại nào, tôi cũng không có nhu cầu phá vỡ, bùng nổ mà chú trọng giữ cái nguyên bản, để âm nhạc cổ điển và âm nhạc truyền thống có thể song hành, “đối thoại” với nhau. Sự kết hợp này dứt khoát phải là một “cuộc chơi” công bằng, không có chuyện tôi nâng cái này lên và hạ cái kia xuống.
– Thích thử thách, thích cái mới như vậy, nhưng chị lại gắn bó với một nhạc sĩ sáng tác duy nhất là Đặng Tuệ Nguyên từ khi về nước?
– Sáng tác tác phẩm cho piano không đơn giản vì nó đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về nhạc cụ. Trong trường hợp của tôi, tôi cần một người sáng tác không chỉ hiểu piano, mà còn phải hiểu âm nhạc truyền thống, phải cùng tư tưởng với tôi. Và người đó là Đặng Tuệ Nguyên.
– Nhưng chị có nhu cầu tìm một nhạc sĩ sáng tác mới cho mình, để có thêm nhiều sự lựa chọn biểu diễn?
– Không có. Trên thế giới cũng có những cặp đôi nghệ sĩ biểu diễn – sáng tác cả đời gắn bó với nhau. Họ tìm thấy sự đồng điệu trong tư tưởng, phong cách, sự am hiểu. Trong lĩnh vực khí nhạc, điều đó vô cùng quan trọng.
Khi cần tôi vẫn trang điểm
– Cá tính thì trong âm nhạc thì rõ rồi. Chị cá tính cả trong ngoại hình. Tôi chưa bao giờ thấy chị trang điểm lộng lẫy, váy áo là lượt biểu diễn cả.
– Sao lại cứ phải gắn nữ nghệ sĩ piano với váy áo lộng lẫy nhỉ? Tôi chả thích. Nó cũng chẳng phù hợp với tôi. Tôi mặc theo nhu cầu và gu của mình. Tất nhiên ra đường, hay lên sân khấu tôi không luộm thuộm. Trang phục của tôi phần lớn là màu đen, màu đen làm tôi có cảm giác an toàn. Cũng có thể vì tôi chẳng tự tin về ngoại hình của mình, sử dụng màu đen tôi như đang tàng hình vậy…
– Có khi nào chị hình dung mình cũng thử mặc giống họ để xem cảm giác thế nào?
– Tôi không hình dung, vì không có nhu cầu.
– Nhưng ruốt cuộc, chị có quan tâm tới nhan sắc không vậy?
– Quan tâm bình thường thôi, đủ để không “lem nhem” ở nơi xuất hiện. Khi cần tôi trang điểm. Thế là tôi thấy ổn rồi.
– Chị dành bao nhiều thời gian để chăm sóc sắc đẹp hàng ngày?
– Đa số chẳng dành tí thời gian nào. Tôi không phải tuýp phụ nữ chăm sóc da bằng kem dưỡng ẩm hàng ngày. Cách chăm sóc sắc đẹp của tôi là được ngủ thoải mái mà chẳng phải vướng bận gì.
– Cám ơn chị vì cuộc trò chuyện rất thú vị này!
Bài: Diên Vỹ
Ảnh: Tuấn Đào