9 lý do nên xem “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” cùng gia đình - Tạp chí Đẹp

9 lý do nên xem “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” cùng gia đình

Sống

Dưới đây là 9 lý do mọi gia đình nên cùng nhau xem “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” 

1. Bố ngôi sao cũng như bố nhà mình

Nếu không xem “Bố ơi! Mình đi đâu thế?”, bạn sẽ không thể hình dung được một MC Phan Anh chải chuốt lịch sự trên sân khấu sẽ xắn tay vào bếp ra sao, một Hoàng Bách phiêu lãng cùng các ca khúc nhóm lửa như thế nào, còn ông bố Minh Khang chẳng ngại ngần rửa chén hay bố “già” Trần Lực dù ốm nằm viện nhưng vẫn chụp ảnh “tự sướng” rất dễ thương. Các bố “sao” không còn là những người nổi tiếng xa lạ trên màn ảnh mà trở nên gần gũi hơn khi tính cách thật của họ được bộc lộ: họ cũng nóng tính và nghiêm khắc với con, cũng kỳ vọng ở con, cũng lơ là và vụng về, và nhất là, họ cũng chiều con như mọi ông bố khác.

Các bố vào bếp nấu cơm tối cho con

2. Những bài học làm bố-thực-thụ

Không có mẹ bên cạnh thì bố sẽ chăm sóc con như thế nào? Bố sẽ phải làm tất cả công việc của mẹ: nấu cơm cho con ăn, quạt cho con ngủ, nhắc con mang tất khi trời lạnh, mặc quần áo và lấy kem đánh răng cho con mỗi sáng. Khi không có mẹ, bố cũng phải nằm tâm sự, làm “quân sư” trả lời hàng chục thắc mắc của con, an ủi mỗi khi nghe con bảo nhớ nhà. Các ông bố vừa là bố, vừa học làm mẹ cho con, học cách chăm sóc con một cách tốt nhất, và nhất là học cách gần gũi con mỗi ngày.

Bố Hoàng Bách tắm cho cậu con trai tên Tê Giác

3. Lạc vào thế giới trẻ con ngây thơ và đáng yêu

Những câu nói, hành động đáng yêu của các nhân vật nhí luôn khiến người lớn bất ngờ và thích thú. Nhìn Bờm thật thà bảo không biết đếm tiền, hay cảnh Suti níu áo anh Tê Giác để xin nhường phòng, rồi cảnh các cô cậu bé xôm tụ chăm sóc cún con làm người xem không thể rời màn hình. Những nụ cười răng sún hay phát âm chưa rõ chữ các các cô cậu nhóc 4-5 tuổi làm cho các đoạn đối thoại trở nên sinh động hơn khiến ai cũng bật cười vui vẻ.

Nhưng các cô cậu bé không chỉ biết mè nheo với bố mà đôi khi còn rất người lớn. Tê Giác biết lấy cơm cho bố vì muốn bố ngủ thêm, chị Bo biết trông các em như lời bố dặn, hay Bờm lẳng lặng nằm ôm bố ốm. Các bạn nhóc trưởng thành dần qua từng thử thách, ít giành nhau chỗ ở tiện nghi và bắt đầu biết quan tâm hỏi han nhau hơn khi cùng tham gia hoạt động.

 

Tê Giác tự đem cơm về vì muốn bố ngủ thêm một lát nữa

Mỗi lần thích thú điều gì Bờm hay ôm người đối diện

4. Xem để thương vợ, thương mẹ hơn

Đi theo và chăm lo cho con nhưng không phải lúc nào các ông bố cũng làm tròn nhiệm vụ, nhất là khi bố vẫn còn lắm vụng về lóng ngóng. Con vẫn khóc vì lạnh vì thiếu thốn, đôi khi bố con bất hòa vì không hiểu nhau. Vốn dĩ, quan hệ giữa bố và con có khoảng cách hơn so với mẹ, nên bố cũng phải bắt đầu bước vào thế giới của con, lắng nghe con để biết con thật sự muốn gì. Chắc chắn các ông bố sau khi xem chương trình sẽ thương mẹ, thương vợ hơn vì hiểu hơn những cực nhọc mà mẹ, vợ vẫn gánh vác cho gia đình.

Các gia đình chơi trò đập niêu

5. Bài học về sự thích nghi

Khi nhìn thấy các ông bố bươn chải kiếm tiền, lao động vất vả theo yêu cầu chương trình, hay nhìn các nhóc tì đã quen với việc được chăm sóc từng giờ ăn giấc ngủ giờ phải đi xin thức ăn, bán dâu tây kiếm tiền hay ngủ ở nơi quá nóng hoặc quá lạnh, bạn có tự hỏi nếu mình bị “ném” vào một môi trường xa lạ như thế, thì khả năng thích nghi của mình đến đâu? “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” đã nêu lên một bài học giáo dục cho mọi người: Khi phải sống trong môi trường thiếu thốn, người ta sẽ phát huy được khả năng sinh tồn. Chia sẻ vật chất và tinh thần cùng nhau cũng là cách vượt qua khó khăn.

 

Các nhóc tì đi xin thức ăn

6. Tìm thấy những điểm quen thuộc đáng yêu

Trong chương trình, bạn sẽ thấy rất nhiều điều quen thuộc trong từng khung hình của làng quê Việt. Đó là những cánh đồng, đường quê, bùn đất, ánh trăng và tiếng côn trùng kêu âm ỉ. Bạn cũng sẽ thấy nao lòng vì LangBiang về đêm đẹp lung linh và cả những dòng kênh đầy phù sa tấp nập ghe thuyền ở An Giang.

Xem “Bố ơi! Mình đi đâu thế?”, bạn sẽ thích thú khi nhận ra những lần khóc cười, tranh giành, buồn vui, ngây ngô của Tê Giác, Bờm, Bo và Suti sao giống chuyện của thằng Tí, con Bông nhà mình quá, giống như đó chính là thước phim để gia đình bạn cùng quây quần theo dõi và tủm tỉm cười theo.

Bố con nhà Phan Anh

7. Con cái là những thiên thần đáng yêu và đáng ghét

Mới đây trên trang cá nhân của mình, ca sĩ Hoàng Bách chia sẻ sau những cảnh quay cuối cùng: “Những thiên thần nhỏ của chúng tôi, cũng như con, cháu, em của các bạn ở nhà, chỉ là những đứa bé hồn nhiên, đáng yêu và cả đáng ghét như bất kỳ đứa trẻ nào! Rất mong những sự nhìn nhận và đánh giá một cách đúng mức như những gì trẻ con đáng được nhận!”. Dù bố mẹ kỳ vọng con như thế nào, muốn dạy dỗ con bằng phương pháp nào, thì hãy để cho con được sống đúng lứa tuổi, để cho con được tự do vẫy vùng trong khoảng trời trẻ thơ hồn nhiên trong sáng.

 

Bố Minh Khang và “bà chằn lửa” Suti

8. Âm nhạc chạm vào trái tim

Trong tập 5, buổi tối bốn gia đình tập trung trên đỉnh Lang Biang để vui chơi hát hò sau một ngày lao động. Khoảnh khắc các ông bố nổi tiếng ngồi cạnh con, vỗ về và nhìn ngắm con cười đùa vui vẻ trong không gian đầy ánh trăng và giọng hát ngọt ngào của ca sĩ Hoàng Bách trở thành hình ảnh đẹp làm nhiều người xúc động. “Cho tôi trở về tuổi thơ” cũng là ca khúc chính của toàn bộ chương trình, ngoài ra “Tôi muốn về nhà” xuất hiện ở một số tập phim cũng rất được yêu thích vì “chạm” được nỗi niềm của phần đông khán giả. Không ít người lớn đã thầm ước có một vé đi về tuổi thơ khi nhìn các nhân vật nhí vui vẻ nắm tay nhau đi trên các cung đường.

Các cặp bố con vui vẻ bên nhau

9. Gia đình là nơi để về

Xuyên suốt câu chuyện trong hành trình “đi đâu thế”, hình ảnh mẹ, chị em, ông bà luôn được nhắc nhở bằng tất cả sự thương nhớ khi các bố thường hay hỏi “Con nhớ nhà không?” hay “Con muốn về nhà không?”. Đây cũng là thông điệp ý nghĩa nhất mà “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” muốn gửi đến khán giả. Gia đình là điều tuyệt vời nhất, là nơi cho ta tất cả yêu thương trọn vẹn. Hạnh phúc gia đình là những điều bình dị và luôn hiện hữa quanh ta. “Sau bao năm tháng bôn ba giữa đời. Vinh quang hay những gió mưa tơi bời. Thật hạnh phúc khi biết ai đó vẫn luôn chờ ta. Chợt nhận ra mình có tất cả mỗi khi về nhà”.

Bài: Xuân Diệp

Ảnh: BTC

Thực hiện: depweb

20/12/2014, 02:03