9+ của Bức tường

Live show xuyên Việt đầu tiên của Bức Tường khởi động vào ngày 5/11 tại Hà Nội. Bốn điểm đến khác là Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM. Cái tên 9+ khá lạ lùng nhưng mang nhiều ý nghĩa với Bức Tường. Trên 9 năm thành lập, 9 thành viên trở về hợp sức, trên 9 chương trình truyền hình ấn tượng… Và một ý nghĩa tinh thần hay ho nữa, họ chọn cho mình điểm 9+ (không dám nhận điểm 10) cho sự cố gắng không ngừng.

Câu chuyện thứ nhất: Chơi hay không chơi?

Đó là lúc những cậu sinh viên nổi tiếng nhất trường ĐH Xây dựng Hà Nội sắp giã từ giảng đường, ban nhạc sinh viên, linh hồn của dân xây dựng, đứng trước bờ vực cửa sự tan rã. “Lúc đó anh em chúng tôi băn khoăn lắm, chơi tiếp hay ngừng?” Trần Lập kể. Bức Tường – The Wall, ban nhạc rock sinh viên có tiếng đấy, nhưng lúc đó hoàn toàn được gây dựng bởi phong trào cây guitar và bộ trống là của Đoàn trường. Ra trường cũng đồng nghĩa với việc hoàn trả nó. Các tân kỹ sư sẽ phải bắt đầu từ đâu nếu tiếp tục chơi nhạc, khi mà ai cũng phải lo lắng công việc cho mình. Rồi thời gian, tiền bạc, địa điểm tập luyện. Mỗi một vấn đề đặt ra là cả một núi “gạch đầu dòng” cần phải giải quyết.

“Vậy mà cuối cùng đồng lòng duy trì ban nhạc. Mấy anh em góp tiền xuống tận Hải Phòng mua đàn cho rẻ. Hồi ấy, thật may khi chúng tôi tìm và quen được một anh chủ bán đàn cực kỳ mê nhạc rock. Đó là người nghệ sĩ thực thụ với cách chơi guitar đầy cá tính. Vì điều kiện mà anh ta không thể chơi rock nhưng tình yêu với rock thì không thể bỏ”.

“Bây giờ nhớ lại những ngày đầu gây dựng ban nhạc, thật sự sung sướng. Nếu không vì yêu rock đến thế, chúng tôi đã không còn một ban nhạc – những người bạn, những anh em như thế này. Nghĩ rộng ra, không dám so sánh, nhưng ban nhạc lừng danh The Beatles cũng bắt đầu từ những anh chàng mê nhạc gặp nhau trong trường trung học mà lên”.

Câu chuyện thứ hai: Những người bạn của Lập

“Tôi có ít bạn thân”, Lập kể: “Hồi còn sinh viên, tuy được mọi người biết đến nhiều nhưng thật sự tôi có rất ít bạn. Mọi người cho rằng mình là một người lập dị nên có lẽ cũng ngại tiếp xúc với tôi… The Wall chính là những người bạn thân nhất của tôi mà ban đầu đến với nhau vì tình yêu nhạc rock. Sau này vì điều kiện mà có người không tiếp tục tham gia sinh hoạt được nhưng chúng tôi không thể rời bỏ nhau. Đó đúng là một gia đình lớn mà ngày càng thêm nhiều người là vợ và bạn gái… Tết nhất hay hội họp rất vui…”.

Một trong hai người bạn thân nhất của Lập: Trần Hồng Trường, một tay trống cũ của The Wall, hiện là giám đốc công ty IMV. Nhân vật này sau khi rút lui và cưới vợ vẫn chưa dứt được rock, thậm chí còn “nặng nợ” hơn. Thân với Lập, chia sẻ với anh những trăn trở duy trì hoạt động ban nhạc. Chính Trường là kẻ giấu vợ mang tiền nhà đi làm live show “Tâm hồn của đá” (tháng 11/2000). Hồi ấy, có ai là kẻ dám chắc làm show là thành công ngoài hai thủ lĩnh Lập và Trường và cuối cùng “Lập Trường” của The Wall đã thắng thuyết phục. Công ty của Trường thành lập Bức Tường Production, duy trì và tiếp tục phát triển thương hiệu The Wall. Một trong 9+ thành viên cũ là như thế?

Rồi còn những “chiến hữu” khác của Lập: Cường, Hoàng… Họ đều đã rút tên ra khỏi những tấm hình ban nhạc, nhưng vẫn giữ chỗ trong các buổi tập nhạc. Mỗi ý kiến đều được tôn trọng. Bây giờ thậm chí các thành viên đó có người làm đại diện, người làm phát ngôn. Có lẽ 9+, chẳng có ai là người ra đi.

Câu chuyện thứ 3: Bức Tường tự phát tán đĩa lậu để lobby “Tâm hồn của đá”?

Vào thời điểm album đầu tiên của Bức tường – “Tâm hồn của đá” – sắp phát hành thì trên thị trường xuất hiện một CD 5 bài quen thuộc trên truyền hình của họ. CD này bán khá tốt và gây tò mò cho nhiều người. Không ít kẻ đã kết luận chắc The Wall cũng chơi “tiểu xảo”, tự bung bài ra đĩa lậu để gây hiệu ứng và tranh thủ thời gian đang lên mà thôi.

“Chuyện đĩa lậu này khá tế nhị và chính chúng tôi cũng phải tìm cho ra nguyên nhân ngay từ hồi đó”. Khi nghe kỹ 5 bài trong CD lậu đó mới biết đó là 5 bản thu thanh cho Đài truyền hình của chúng tôi, âm thanh mono và thậm chí là còn thiếu người chơi guitar. Chúng tôi thật sự không để ý dư luận cho rằng The Wall tự lăng-xê bài hát của mình, vì trước đó các bản thu kiểu “live” bằng đài walkman, cũng đã từng được nhân rộng trong sinh viên. Chính sự đòi hỏi của mọi người đã thôi thúc The Wall làm được album đầu được hiệu quả như thế.

Câu chuyện thứ tư: Album 1 đến Album 3 bán chuyên nghiệp hay chuyên nghiệp?

Bây giờ có thể gọi Bức Tường là một ban nhạc rock chuyên nghiệp được rồi. Thậm chí họ lại là ban nhạc chuyên nghiệp nhất hiện nay. Có hãng riêng, có người sáng tác riêng, có “êkíp” và công ty thực hiện live show, có website và diễn đàn riêng, có fans club và số lượng tình nguyện viên rất lớn… Sự phát triển nhanh chóng ấy có thể đo bằng thời gian của album 1đến album 3?

“Không thể nói bước tiến chỉ từ album 1 đến 3. Nếu xét về mặt thời gian album 1 làm mất hơn hai năm nhưng không thể bằng album 3. Chất lượng âm thanh tốt hơn, nhạc cụ tốt hơn, kỹ thuật chơi nhạc điêu luyện hơn. Con đường Bức Tường đi từ bán chuyên nghiệp đến chuyên nghiệp, tính về thời gian gần 10 năm qua của chúng tôi. Khi album 1 ra đời, chúng tôi đã nghĩ tới tính hoàn thiện tính chuyên nghiệp của ban nhạc rồi”. Chắc ngày mới thành lập ban nhạc ít thành viên nào dám mơ một đỉnh vinh quang của Bức Tường ngày nay?

“Hồi sinh viên chơi nhạc đơn thuần là đam mê. Nhưng không phải là không có ước mơ một ngày vinh quang, mà không dám nghĩ đến thôi. Chính chúng tôi lúc nào cũng tâm niệm làm tốt công việc mình đang làm.”

Câu chuyện thứ năm: Quần đùi đạp xe đến Wembley

Trước đây, Trần Hồng Trường vẽ tặng ông bạn thân – Trần Lập – một bức biếm họa Lập quần đùi áo may-ô, đạp xe cong đuôi theo mũi tên chỉ đường đến sân Wembley. Lập kể: “Ai cũng cười khi xem bức tranh này, nhưng chỉ có Trường là hiểu về ước mơ của tôi. Tôi mơ cùng Bức Tường được hát ở sân Wembley”. Tôi cho rằng đó là một ước mơ rất chính đáng, nhưng quan trọng là làm gì để hiện thực hóa ước mơ? Những ước mơ của tôi và Bức Tường được lớn lên theo thời gian. Lúc sinh viên ước mơ làm album, mơ có liveshow. Mới đây thôi suýt nữa ước mơ được biểu diễn chung với các ban nhạc tầm cỡ thế giới đã thành hiện thực. Nếu chương trình trao giải WPMA ở Hà Nội suôn sẻ thì chúng tôi đã làm được điều đó. Thật tiếc, nhưng được chọn là đại diện Việt Nam cũng đã là hạnh phúc. Mơ ước được hát Wembley sẽ không xa nếu cứ làm tốt công việc và chăm chút ước mơ. Đến Wembley để hát mới khó, chứ ngắm thì dễ dàng quá phải không?

Câu chuyện thứ 6: Tiền

Chúng tôi thực sự ghét ai hỏi: “Lần xuất ngoại vừa qua kiếm được bao nhiêu tiền?” Tại sao vậy, tại sao không hỏi chúng tôi học hỏi được điều gì? Gặp gỡ những ai? Quả thực, chúng tôi không còn phải lo lắng nhiều về việc duy trì hoạt động ban nhạc vì lý do tài chính nữa. Chúng tôi có tiền để mua đàn làm album đàng hoàng. Không phải như anh Trường trước kia giấu vợ mang tiền nhà làm live show nữa.

Nếu nói chúng tôi không cần tiền thì thật là không trung thực, chúng tôi coi tiền như một phần thưởng của trò chơi. Qua mỗi việc có tiền thù lao giống như tích điểm và kết quả cuối cùng phải là phá đảo hoặc cứu công chúa chẳng hạn. Còn tour diễn lần này mục đích lớn của chúng tôi phải là được châu Á nhìn nhận những bước tiến chuyên nghiệp của Bức tường và nhạc Rock Việt Nam.

Câu chuyện thứ 7: Bên lề 9+

Ông Arsushi Kikuchi – Giám đốc tài chính công ty Honda Việt Nam, khi nhận tài trợ chính thức cho liveshow xuyên Việt của Bức tường đã nhận xét: Bức tuờng là ban nhạc tài năng nhất Việt Nam. Nhận xét này của ông có thể hơi quá lời song rất thực tế. Vốn dĩ đã là một tay keyboard, ông giám đốc cũng là một rocker nghiệp dư ở Tokyo. “Sự giúp đỡ của công ty chúng tôi rất hy vọng Bức Tường có thể nổi tiếng ra ngoài biên giới”.

Tại sao không? Tại sao không hy vọng còn có nhiều người nước ngoài như ông Atsushi Kikuchi…? Tại sao chúng ta không tự hào góp gạch mà xây một Bức Tường chắc chắn, móng cao hơn nhỉ?

(Từ Sơn Vũ)


From the same category