9 bộ phim tái hiện lịch sử hào hùng của Việt Nam

Những tác phẩm điện ảnh lấy đề tài cách mạng Việt Nam không chỉ ghi lại những trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn phản chiếu di sản văn hóa quý báu, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước. Qua góc nhìn nghệ thuật, các bộ phim phản ánh tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và sự hy sinh của nhiều thế hệ người Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc. 

“Biệt động Sài Gòn”

“Biệt động Sài Gòn” kể về hoạt động của lực lượng biệt động thành phố Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm tập trung vào một nhóm chiến sĩ hoạt động bí mật ngay giữa lòng đô thị Sài Gòn, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quân đội Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Bộ phim gồm bốn tập: “Điểm hẹn”, “Tĩnh lặng”, “Cơn giông” và “Trả lại tên cho em”. Kịch bản do Lê Phương và Nguyễn Thanh chấp bút, được khởi quay từ năm 1982 và kéo dài trong khoảng bốn năm.

Mặc dù chỉ gồm vỏn vẹn bốn tập, nhưng tác phẩm đã khắc họa chân thực hình ảnh gian khổ của cuộc chiến: từ những trận đánh khốc liệt với mưa bom bão đạn, cho đến sự hy sinh, mất mát đầy ám ảnh. Đặc biệt, các nhân vật như Tư Chung, Huyền Trang, Năm Hòa, Sáu Tâm… đều giữ một vai trò riêng biệt, nhưng tất cả cùng góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết quân dân, chống lại thế lực thù địch đang chiếm đóng Sài Gòn.

video
play-rounded-fill
“Em bé Hà Nội”

“Em bé Hà Nội” là bộ phim được ra mắt năm 1974, do đạo diễn Hải Ninh thực hiện, dựa trên câu chuyện có thật trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Phim kể về cô bé Ngọc Hà (7 tuổi) sống tại Hà Nội trong giai đoạn Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân. Trong một đợt không kích vào cuối năm 1972, gia đình Ngọc Hà bị bom Mỹ hủy diệt. Cô bé trở thành trẻ mồ côi và rơi vào tình trạng mất trí nhớ tạm thời, đến nỗi không thể nhớ tên mình, chỉ biết bản thân là “em bé Hà Nội”.

Trong hành trình đầy khó khăn, Ngọc Hà được người dân Hà Nội và những người lính cưu mang, giúp đỡ. Cô bé sống trong hầm trú ẩn cùng những người lính, trở thành “linh vật” của đơn vị. Dù nhỏ tuổi, Ngọc Hà vẫn thể hiện tinh thần dũng cảm và ý chí kiên cường trước bom đạn. Bộ phim không chỉ phản ánh nỗi đau của chiến tranh mà còn ca ngợi tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái của người dân Việt Nam trong hoàn cảnh khó khăn. “Em bé Hà Nội” đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng, trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh.

video
play-rounded-fill
“Đừng đốt”

“Đừng đốt” (Don’t Burn) là một bộ phim được chuyển thể từ cuốn nhật ký của nữ bác sĩ quân y Đặng Thùy Trâm, người đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm do đạo diễn Đặng Nhật Minh thực hiện và chính thức ra mắt vào năm 2009, dựa trên nội dung cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã từng gây xúc động mạnh mẽ trong lòng công chúng. Bộ phim tái hiện chân thực cuộc đời của bác sĩ Trâm – một nữ trí thức trẻ từ Hà Nội tình nguyện vào chiến trường miền Nam để phục vụ kháng chiến. Trong thời gian công tác tại một bệnh xá huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi, bà đã ghi lại những trang nhật ký đầy xúc cảm về cuộc sống thường ngày, công việc cứu chữa thương binh và những nỗi niềm sâu kín của bản thân. Những phân cảnh Đặng Thùy Trâm cặm cụi băng bó vết thương, nhẹ nhàng hát ru bệnh nhân hay bất lực nhìn họ qua đời ngay trước mắt giữa khói lửa chiến tranh đã góp phần làm nên những thước phim đầy xúc động.

Diễn viên Minh Hương trong vai bác sĩ Đặng Thùy Trâm, thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, kiên cường của người chiến sĩ quân y, mang trong mình một khát vọng yêu thương và hòa bình sâu sắc.

Nhờ sự chỉn chu trong kịch bản cùng góc nhìn nhân văn, tinh tế, “Đừng đốt” đã xuất sắc giành được hai giải thưởng danh giá là Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng. Không dừng lại ở đó, bộ phim còn vinh dự nhận giải thưởng duy nhất tại Liên hoan phim Fukuoka (Nhật Bản), khẳng định sức lan tỏa và giá trị nhân văn vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

video
play-rounded-fill
“Giải phóng Sài Gòn”

Bộ phim tập trung khắc họa các giai đoạn quan trọng của chiến dịch, từ công tác lập kế hoạch, điều động lực lượng cho đến những trận đánh mang tính quyết định. “Giải ohóng Sài Gòn” mô tả chi tiết quá trình quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn từ nhiều hướng: tấn công và kiểm soát các căn cứ quân sự trọng yếu, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào ngày 30/4/1975.

Các nhân vật trung tâm trong phim đều là những nhân vật lịch sử có thật như Tổng Bí thư Lê Duẩn (NSƯT Hà Văn Trọng), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Khương Đức Thuận), Đặc phái viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ (Dương Trọng),… Những vai diễn này đã góp phần quan trọng giúp bộ phim có kinh phí sản xuất 12,5 tỷ đồng và thời gian sản xuất kéo dài suốt 13 năm tái hiện một cách sống động những cảnh bom đạn chân thực, không sử dụng kỹ xảo. Nhờ đó, từng thước phim trở nên đầy chất bi tráng, hào hùng, thể hiện rõ nét chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

video
play-rounded-fill
“Áo lụa Hà Đông”

“Áo lụa Hà Đông” là một trong số ít những bộ phim hiếm hoi lấy bối cảnh thời kỳ thực dân Pháp, khi miền Bắc rơi vào cảnh loạn lạc. Bộ phim xoay quanh câu chuyện đầy bi kịch của đôi vợ chồng Dần (Trương Ngọc Ánh) – một người phụ nữ từng làm giúp việc, nhưng vì tình yêu mãnh liệt đã trốn đi cùng Gù. Cuộc đời cô là chuỗi ngày dài đẫm nước mắt giữa khung cảnh chiến tranh và biến động. Vì tương lai của các con, Dần chấp nhận hy sinh tất cả, thậm chí bán đi dòng sữa quý giá của mình cho một ông lão bệnh tật, chỉ để có tiền cho con ăn học nên người. Đạo diễn Lưu Huỳnh đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh một người phụ nữ tảo tần, lam lũ, buộc phải đánh đổi những gì thiêng liêng nhất giữa thời cuộc khắc nghiệt. Tất cả được thể hiện đầy xúc động qua hình ảnh tà áo dài Việt Nam.

Chính nhờ sự xuất sắc trong cả nội dung và nghệ thuật, bộ phim đã giành được 5 giải Cánh Diều Vàng ở các hạng mục: “Phim truyện nhựa xuất sắc”, “Quay phim xuất sắc”, “Âm thanh xuất sắc”, “Đạo diễn xuất sắc” và “Nam diễn viên chính xuất sắc”. Với những thành tựu đó, “Áo lụa Hà Đông” đã trở thành một tác phẩm bất hủ của dòng phim chiến tranh Việt Nam.

video
play-rounded-fill
“Hà Nội 12 ngày đêm”

Bộ phim được lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử chiến dịch Linebacker II – còn được biết đến là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” – diễn ra từ ngày 18 – 30/12/1972. Đây là giai đoạn Hà Nội, Hải Phòng cùng một số khu vực miền Bắc phải hứng chịu những trận không kích vô cùng ác liệt, với tâm điểm là các cuộc tấn công bằng “siêu pháo đài bay B-52”. Âm mưu tàn khốc của đế quốc Mỹ lúc bấy giờ là đưa Hà Nội “trở về thời kỳ đồ đá”.

Tác phẩm đã thành công tái hiện một cách sống động bối cảnh lịch sử hào hùng của chiến dịch không quân. Đồng thời, phim còn khắc họa sâu sắc tinh thần bất khuất, kiên cường của thế hệ cha ông trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Chính những yếu tố đó đã góp phần đưa “Hà Nội 12 ngày đêm” trở thành một trong những bộ phim lịch sử đáng xem nhất của điện ảnh Việt Nam.

video
play-rounded-fill
“Mùi cỏ cháy”

“Mùi cỏ cháy” là một trong những tác phẩm hiếm hoi lấy bối cảnh chiến trường miền Trung, tái hiện 81 ngày đêm khốc liệt của quân đội nhân dân Việt Nam tại Thành cổ Quảng Trị. Bộ phim theo chân bốn chàng trai trẻ tuổi là Hoàng, Thành, Thăng và Long, những người đã tạm gác bút nghiên, rời giảng đường để bước vào chiến trường ác liệt với mong muốn giành lại hòa bình cho quê hương. Thế nhưng, sau tất cả, chỉ một người duy nhất có thể trở về. Mỗi phân cảnh trong phim đều tái hiện một cách chân thực, xúc động về những mất mát, hy sinh nơi tuyến lửa. Không chỉ là tác phẩm điện ảnh, những thước phim còn là lời kể từ chính người trong cuộc – biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận này. Phim lấy chất liệu từ những trang viết đầy cảm xúc trong cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, mang đến một cái nhìn gần gũi, sâu sắc và đầy nhân bản về chiến tranh.

Không cần lời thoại hoa mỹ, những câu nói đời thường, chân thật của “Mùi cỏ cháy” vẫn chạm sâu vào trái tim khán giả. Sự chân phương trong ngôn ngữ cộng hưởng với hình ảnh khốc liệt nơi chiến trường và tinh thần bất khuất của người lính đã tạo nên một bộ phim có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhờ khắc họa chân thực cảm xúc và tinh thần chiến đấu quả cảm của những người lính trẻ, tác phẩm đã được vinh danh với giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17, cùng hàng loạt giải thưởng Cánh Diều Vàng năm 2011 cho các hạng mục: “Phim điện ảnh xuất sắc”, “Biên kịch xuất sắc”, “Âm nhạc xuất sắc” và “Quay phim xuất sắc”.

video
play-rounded-fill
“Đào, Phở và Piano”

“Đào, Phở và Piano” là bộ phim lịch sử gây tiếng vang lớn trong năm 2024 nhờ sức lan tỏa trên mạng xã hội. Với kinh phí 20 tỷ đồng, tác phẩm tái hiện xuất sắc cuộc chiến khốc liệt 60 ngày đêm tại Hà Nội (1946 – 1947), mang đến góc nhìn mới mẻ về lịch sử dân tộc. Dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Phi Tiến Sơn, bộ phim khéo léo xây dựng những nhân vật vô danh đầy sức sống. Dù không phải anh hùng được ghi danh, họ vẫn hiến dâng trọn vẹn cuộc đời, đem đến những cảm xúc chân thực, sâu lắng cho người xem.

Điểm mạnh của phim là sự cân bằng giữa những cảnh chiến đấu nghẹt thở và khoảnh khắc đời thường đầy thi vị. Hình ảnh đào, phở và piano – biểu tượng văn hóa Hà Nội – được lồng ghép tinh tế, tạo nên bức tranh đa chiều về một thời kỳ lịch sử. Đây chính là lý do tác phẩm chinh phục được cả khán giả trẻ lẫn giới phê bình khó tính. Bộ phim nhanh chóng nhận được cơn mưa lời khen từ khán giả trẻ cho kịch bản không nặng nề cảnh bom đạn, nhưng vẫn làm tốt việc truyền tải cảm xúc đến cho mọi người. Mặc dù hiệu ứng kỹ xảo vẫn còn hạn chế, song “Đào, Phở và Piano” là tác phẩm hiếm hoi được nhà nước đặt làm riêng ghi nhận doanh thu đạt 20,8 tỷ đồng bất kể giá vé và suất chiếu đều không ngang bằng với các bộ phim thương mại được chiếu. “Đào, Phở và Piano” cũng đoạt giải Bông Sen Vàng cùng hai giải cá nhân tại Liên hoan phim điện ảnh Việt Nam lần thứ 23. 

video
play-rounded-fill
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”

Khác với nhiều bộ phim cùng thể loại, “Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối” không hướng đến những thắng lợi hào hùng, vẻ vang hay số phận bi thương của con người trong thời chiến. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn một hướng đi khác, gần gũi và đời thường hơn về những con người “không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ đã làm ra đất nước”. Bộ phim tái hiện lát cắt đời sống của những dân quân bám trụ tại căn cứ Bình An Đông, bảo vệ địa đạo và nhóm tình báo chiến lược của Việt Cộng. Đây là cách tiếp cận mang tính cá nhân giúp những câu chuyện đậm tính con người trở thành chất liệu dẫn dắt cảm xúc và thông điệp của phim.

video
play-rounded-fill

Không chỉ tái hiện chân thực sự ác liệt tại chiến trường Củ Chi, “Địa đạo” còn khắc họa rõ nét tinh thần đồng đội, tình yêu trong chiến tranh, và những khoảnh khắc đời thường ấm áp giữa lòng địa đạo – nơi sự sống và cái chết luôn cận kề. “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là tác phẩm do Bùi Nhạc Chuyên kiêm nhiệm cả vai trò đạo diễn lẫn biên kịch. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên thực lực, trong đó có những cái tên bảo chứng cho chất lượng và diễn xuất như “ông hoàng phòng vé” Thái Hòa và Quang Tuấn – nam diễn viên quen thuộc với những vai diễn tâm lý nặng ký. Sự góp mặt của họ đã tạo nên niềm tin mạnh mẽ nơi khán giả đối với nội dung cũng như chất lượng tổng thể của bộ phim.

Nhờ sự đầu tư chỉn chu cùng nội dung nhân văn, sâu sắc, “Địa đạo” đã nhanh chóng tạo được tiếng vang. Chỉ sau 6 ngày ra mắt, bộ phim ghi nhận doanh thu gần 100 tỷ đồng, đồng thời nhận được vô số phản hồi tích cực từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả. Hiện tại, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” vẫn đang tiếp tục “oanh tạc” các phòng vé trên toàn quốc, thu hút lượng lớn khán giả đến rạp nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.


From the same category