Theo khảo sát của phóng viên, một số khu vực như gầm cầu Vĩnh Tuy, ngã tư Liễu Giai – Đội Cấn, cầu Trung Hòa, khu vực Đê La Thành, Khâm Thiên, Nguyễn Trãi… là những khu vực có khá nhiều xe ba bánh, xe bốn bánh hoạt động. Nhiều tuyến phố cấm xe tải hoạt động, những chiếc xe ba bánh, bốn bánh hoạt động thường xuyên hơn, chở đồ đạc, vật liệu xây dựng, sắt thép…
9h sáng, trên đường Đê La Thành, hàng chục chiếc xe ba bánh tấp nập chở bàn ghế, đồ nội thất, sắt thép… Vừa thấy khách dừng xe, một anh thanh niên chừng 27-28 tuổi đon đả hỏi khách chở gì, từ đâu đến đâu? Nghe nói chờ đồ từ Nguyễn Ngọc Vũ sang đường Bưởi, chủ xe ba bánh tên X. phán giá 200.000 đồng. Sau khi thỏa thuận xong, X. theo người chủ nhà về dọn đồ. Chỉ mất chừng 1 tiếng, công việc hoàn tất, X. có 200.000 đồng bỏ túi. Theo X., mức giá chở đồ, hàng hóa bằng xe ba bánh không có quy định chung, tùy thuộc vào sự thỏa thuận của chủ.
“Đứng ở khu vực trên đường Đê La Thành, tôi chủ yếu chở đồ nội thất, đồ gia dụng hoặc sắt, thép. Tùy theo khách dễ hay khó tính, rộng tay hay chặt tay mà giá tiền chở khác nhau. Nếu vận chuyển đồ đạc, khách cần nhờ bê hộ thì có thể họ bo thêm 100.000-200.000 đồng. Một ngày làm việc tích cực, chăm chỉ thì kiếm 1 triệu đồng không hề khó”, X. nói.
Như vậy, mỗi ngày 1 triệu đồng, nếu cả tháng làm ăn thuận lợi, mỗi chiếc xe ba bánh có thể mang lại doanh thu tới 30 triệu đồng. Không chỉ X. mà nhiều người lái xe ba bánh cũng kiếm được khoản tiền lớn.
Kiếm hàng chục triệu từ xe ba bánh giả danh thương binh, nhiều người bất chấp bị CSGT phạt.
Có thâm nên lái xe ba bánh 4 năm nay, ông Lê Văn Vinh, ngụ ở Định Công, Hoàng Mai (không phải là thương binh, người khuyết tật) bật mí về nghề của mình. “Làm lâu năm, chở hàng cho ai mình cũng đưa cho họ số điện thoại và nhắc họ có việc gì thì gọi. Có một chiếc xe ba bánh là nuôi được cả gia đình. Nếu có khi thuê chở hàng về Bắc Giang, Bắc Ninh, mức giá có thể lên tới 1 triệu đồng/chuyến. Có những thời điểm gần Tết, việc làm không hết. Có ngày thu nhập tới 2 triệu đồng”, ông Vinh cho hay.
Cũng theo ông Vinh, những chàng thanh niên tầm 30-40 tuổi thu nhập có khi cao hơn vì họ chăm chỉ làm việc. “Ngày chở lấy 5-6 chuyến, mỗi chuyến tầm 200.000 đồng thì không có gì khó”, ông Vinh nói.
“Định cư” ở dưới gầm cầu Thanh Trì, anh Vũ Văn B. quê ở Thái Bình cũng đã làm nghề này được hơn một năm. Khoảng hơn 30 tuổi, trong dáng nhỏ thó nhưng anh B. khá nhanh nhẹn và khéo mồm. Công việc của anh hàng ngày chủ yếu chở đồ quanh khu vực quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng. Gặp khách muốn chở đồ từ ngõ 624 Minh Khai ra tới phố Đội Cấn, anh B. ra giá 300.000 đồng/chuyến. “Đội Cấn là phố cấm, nhiều công an nên đi phải cẩn thận. Từ đây ra đó khoảng chục cây số, giá đó là hữu nghị lắm rồi. Chị đi hỏi chỗ khác, không ai lấy rẻ bằng em đâu. Nếu đi hai chuyến, em bớt cho 50.000 đồng lấy may”, anh B. đon đả.
Ông Hiếu, chủ cửa hàng cơ khí, xây dựng Trung Hiếu (số 6, tổ 22 Định Công, Hoàng Mai) cho biết, một chiếc xe ba bánh mới có giá 26 triệu đồng. “Hầu hết xe ba bánh ở khu vực phố Đội Cấn, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng đều được sản xuất ở đây. Nghề này đang kiếm ra tiền, chỉ cần làm một tháng là thu lại được vốn ngay thôi. Chủ yếu là có chăm chỉ cày hay không chứ việc thì đầy”.
Vừa qua, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã ra quân xử lý mạnh tay đối với xe ba bánh, xe tự chế của những đối tượng không phải thương binh nhưng mang mác thương binh.
Tại khu vực huyện Từ Liêm, anh Trần Văn Xuân lái xe ba bánh có gắn logo xe thương binh đã bị CSGT kiểm tra. Sau khi kiểm tra, không có giấy tờ và những chứng cứ chứng minh là xe thương binh, anh Xuân đã bị tịch thu xe, chờ xử lý. Được biết, anh Xuân mua lại chiếc xe này cách đây một tháng để vận chuyển hàng hóa kiếm tiền từ một người cũng không phải là thương binh.
Chỉ trong mấy ngày, Phòng CSGT đã xử lý được mấy chục trường hợp lái xe ba bánh, xe tự chế không có giấy tờ đăng ký, không phải là thương binh, và hầu hết các đối tượng đều là những chàng thanh niên 7x, 8x nhưng vẫn đeo mác thương binh. Theo lực lượng chức năng, nhiều đối tượng sau khi bị bắt còn gọi điện thoại, nhờ cậy thương binh khác để bảo vệ mình nhưng vẫn bị cơ quan chức năng xử lý.