8 thuật ngữ hẹn hò lý giải vì sao ta “ngại” yêu

Một khảo sát thú vị khi lựa chọn giữa việc nuôi mèo và yêu đương thì hơn 1.056 thanh thiếu niên đều thích chăm thú cưng và tận hưởng cuộc sống độc thân hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc ưu tiên phát triển bản thân, nhiều người trẻ ẩn ý cho rằng họ sợ yêu và chưa sẵn sàng cho mối quan hệ. Để biết được những nỗi sợ “thầm kín” của các bạn trẻ khiến họ ưa thích độc thân hơn thì những thuật ngữ dưới đây giúp bạn có thể lý giải được điều này. 

  

1. Cushioning

Một trong những lý do đầu tiên khiến người trẻ “ngại yêu” đó là khi bạn dễ rơi vào trạng thái “Cushioning” mà không hay biết. Bạn vô tình trở thành “lốp dự phòng” cho một cô gái hay chàng trai nào đó, trong khi họ vẫn đang yêu một người khác. Đôi khi, họ lợi dụng danh nghĩa bạn bè để được bạn quan tâm và người ấy luôn chia sẻ, tán tỉnh một cách khéo léo để để “giữ chân” mối quan hệ này với bạn. Không nghi ngờ gì nữa, nếu chuyện tình của họ gặp trục trặc, bạn sẽ nhanh chóng là mục tiêu tiếp theo đáp ứng những nhu cầu lợi ích của họ. 

2. Ghosting

Thuật ngữ Ghosting không xa lạ gì đối với người trẻ. Ngày nay việc tìm hiểu và hẹn hò dễ dàng hơn bao giờ hết khi chúng ta còn có những ứng dụng hẹn hò trên mạng, sẵn sàng tìm kiếm người “hợp gu” nhanh chóng. Tuy nhiên, một mối quan hệ sẽ được xem là “Ghosting” khi người bạn nói chuyện, tán tỉnh bấy lâu bỗng dưng ngừng trả lời tin nhắn và từ chối cuộc gọi của bạn, biến mất không lý do. Hoặc xa hơn nữa, khi cả hai sẵn sàng cho một cuộc hẹn hò ngoài đời, nhưng sau cái chạm mặt ấy là sự ngắt tương tác với bạn nhanh như chớp. Nhìn chung, mọi người có thể hiểu rằng, để mối quan hệ tiến triển tốt thì cần nhiều yếu tố, thế nhưng thay vì có những lời từ chối khéo léo cho cả hai, thì nhiều người lại có xu hướng “lặn mất tăm”.

3. Flashpanning

Flashpanning mô tả trạng thái của những người luôn “điên cuồng” lao đầu vào một mối quan hệ ngay khi vừa tan vỡ hoặc chưa chắc chắn vào mối quan hệ tiếp theo. Họ ưu tiên cho những cảm xúc nhất thời, tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ nhưng dễ rơi vào trạng thái “cuộc vui chóng tàn” nhàm chán, và như một vòng tuần hoàn lặp lại, họ nhanh chóng đi tìm một niềm vui mới trong mối quan hệ của họ. Đây được xem là một trong những nỗi khiếp sợ của gen Z khi gặp phải những tình huống khó xử như vậy.

4. Exing

Thật oái oăm khi bạn lỡ “thương nhớ” một người khi họ vẫn đang “dây mơ rễ má” với người yêu cũ hoặc với một người vẫn còn nặng tình với mối quan hệ lâu năm. Trên thực tế, họ đang trong trạng thái độc thân và việc bạn để ý đến và tìm hiểu là điều hợp pháp. Nhưng nguyên nhân chính đến từ cảm xúc của đối phương, khi họ vẫn còn lưu luyến tình cảm với những mối quan hệ cũ, khó lòng xoay chuyển “toàn tâm toàn ý” về phía bạn. Bản thân những người này không chấp nhận sự cô đơn của thực tại, sẵn sàng tìm ngay một bờ vai mới nhưng lại không buông bỏ được quá khứ, khiến “người vừa bước vào” như bạn trở thành người thay thế và tổn thương rất nhiều.

5. White Clawing

Thuật ngữ này như một điều chắc chắn rằng, bạn phải đẹp mới chiếm được đôi phần tình cảm của đối phương. White Clawing là trạng thái họ chỉ tiếp cận bạn khi bạn có “một tâm hồn đẹp” từ thân hình cho đến khuôn mặt. Tuy nhiên, trong mối quan hệ, họ vẫn xuất phát từ tình cảm nhưng sẽ say mê bạn trong một khoảng thời gian ngắn cho đến khi tìm được “mối” khác đẹp hơn. 

6. Pocketing

Pocketing được mô tả như một mối quan hệ không tên hay giới trẻ thường gắn mác đó là một tình yêu mập mờ. Có thể bạn đang chìm đắm vào tình yêu lãng mạn, hạnh phúc và ít khi để ý đến những mối quan hệ xung quanh. Nhưng đến một thời gian dài, bạn cảm nhận được đối phương không nghiêm túc với bạn. Anh ta hoặc cô ta không thực sự muốn giới thiệu bạn với gia đình, bạn bè cũng như “khoe” người yêu trên các nền tảng mạng xã hội của người ấy.

Việc một người nào đó luôn giấu kín mối quan hệ tình yêu tách biệt hoàn toàn với phần còn lại trong cuộc đời họ chứng tỏ bạn là người chưa đủ quan trọng để người ấy công khai danh tính. Trong hầu hết các mối quan hệ lành mạnh, khi tình yêu đủ lớn, cặp đôi sẵn sàng chia sẻ “người bạn đặc biệt” này với những người thân xung quanh. Đây quả thật là nỗi sợ hãi cho những người trẻ khi muốn yêu nghiêm túc nhưng gặp phải những kẻ giấu nhẹm tình yêu.

7. Firedooring

Trường hợp thường gặp mà mọi chúng ta đều khóc thét khi rơi vào Firedooring. Đó có nghĩa là một mối quan hệ dễ gây phát hoả, “khi bạn không chủ động, đồng nghĩa chúng ta sẽ kết thúc tại đây”. Bạn luôn bắt đầu trong mọi cuộc hội thoại, tìm kiếm người ấy và tất nhiên họ vẫn phản hồi lại bạn nhưng với một thời gian rất lâu. Tuy nhiên, nếu bạn không phải là người mở lời đầu tiên thì cuộc hội thoại sẽ không diễn ra. Đối phương luôn mặc định rằng bạn sẽ là người chủ động và tự nguyện chờ đợi sự hồi âm của người ấy. Không có một sự cam kết chắc chắn nào giữa bạn và người này, nên thay vì chủ động nhắn tin với một mối quan hệ không có kết quả, hãy tập trung vào giá trị của mình và tìm kiếm một người thật sự dành thời gian và để tâm đến bạn. Đừng vì một người chỉ xem sự có mặt của bạn là một điều hiển nhiên mà bỏ lỡ những đối tượng tốt hơn. 

8. Red Flag

Thuật ngữ thuộc lòng của giới trẻ gen Z, “Red Flag” – Cờ đỏ được xem là một ý nghĩa cảnh báo khi bạn rơi vào một mối quan hệ độc hại cần được thoát ra. Nó bao gồm các vấn đề gây ảnh hưởng đến tinh thần và sự tự do trong mối quan hệ của bạn như ghen tuông, chiếm hữu, ép buộc hoặc làm những điều tưởng chừng như yêu thương nhưng thực chất lại khiến bạn ngạt thở. Sẽ càng đáng sợ hơn nữa khi đối phương thừa nhận những điều mình làm chỉ muốn tốt cho bạn, thao túng suy nghĩ để bạn không có lý do buộc tội hành vi của họ. Cần nên cẩn thận khi gặp phải những loại người có ý nghĩ độc hại này trong tình yêu. 

Leave a Comment


From the same category