1. Facebook IPO thắng lợi
Sự kiện mạng xã hội lớn nhất thế giới làm IPO lớn thứ ba nước Mỹ với 16 tỷ USD đã nhanh chóng rơi vào quên lãng, khi cổ phiếu hãng này liên tục mất giá sau đó. Đầu tháng 9, giá cổ phiếu Facebook chỉ còn 17,73 USD, bằng gần một nửa giá IPO là 38 USD.
Sau gần nửa năm trượt dốc, cổ phiếu này mới bắt đầu tăng trở lại, 30% kể từ tháng 11. Các nhà đầu tư đã cảm thấy hứng khởi, sau khi quy định hạn chế bán với cổ đông ban đầu hết hiệu lực, mà cổ phiếu Facebook vẫn không bị bán tháo. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch tuần trước, cổ phiếu hãng này mới lên đến 27,7 USD.
2. Trung Quốc hạ cánh cứng
Nhiều quý liên tiếp tăng trưởng chậm chạp và thị trường bất động sản lao dốc đã khiến giới đầu tư cho rằng Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng trong năm 2012.
Số liệu 9 tháng đầu năm cho thấy tăng trưởng nước này chỉ đạt trung bình 7,7%, thấp hơn nhiều mức tăng ấn tượng hai chữ số trong suốt thập kỷ qua. GDP quý III thậm chí còn tăng dưới mục tiêu của chính phủ là 7,5%, do nhu cầu thế giới yếu và đầu tư trong nước giảm sút.
Tuy nhiên, cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm tháng 11 vừa qua đã làm viễn cảnh kinh tế nước này trở nên sáng sủa. Các dữ liệu mới nhất về sản xuất, địa ốc và xuất khẩu đều cho thấy tăng trưởng quý IV của Trung Quốc sẽ bật mạnh lên trên 8%. Và việc tân Tổng bí thư Trung Quốc – Tập Cận Bình là người có tư tưởng cải cách càng khiến lời tiên đoán nước này hạ cánh cứng trở nên xa vời.
3. Hy Lạp rời eurozone
Khi cuộc tuyển cử tháng 5 không bầu ra được chính phủ, và đảng chống cứu trợ lại giành tỷ lệ phiếu lớn hơn, người ta đã cho rằng thời gian Hy Lạp ở lại eurozone sẽ chỉ còn tính bằng ngày.
Thuật ngữ Grexit (ghép từ Greece – Hy Lạp và Exit – rời bỏ) của hai nhà phân tích tại Citigroup thậm chí còn được dùng phổ biến trên thế giới. Các nhà đầu tư nổi tiếng như CEO Mohammed El-Erian của quỹ đầu tư Pimco cũng cho rằng việc này là không thể tránh khỏi và thế giới nên chuẩn bị tinh thần trước.
Chính phủ Hy Lạp sẽ phải giải quyết khoản nợ lên tới 190% GDP năm 2013. Hiện tại, họ đang thi hành nhiều chính sách giảm chi tiêu và nâng thuế để hạ thấp tỷ lệ nợ và nhận được gói cứu trợ tiếp theo từ cộng đồng quốc tế. Dĩ nhiên, chính sách này không được người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, chiến thắng của đảng Dân chủ mới ủng hộ cải tổ trong cuộc bầu cử lần hai ngày 17/6, cùng việc quốc hội chấp thuận thắt chặt ngân sách năm 2013 đã xua tan nỗi lo về viễn cảnh u ám này. Tuần trước, bộ trưởng tài chính các nước eurozone cũng đạt được thỏa thuận giúp Hy Lạp giảm nợ, mở đường cho gói giải cứu 43,7 tỷ euro tháng 12 cho nước này.
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) – bà Christine Lagarde cho biết nợ công của Hy Lạp sẽ có hướng đi bền vững hơn. Vì thế, những cuộc tranh luận về Grexit nóng hổi đầu năm nay cũng đang dần nguội lạnh.
4. Cơn sốt giá vàng
Biến động mạnh mẽ năm ngoái đã khiến giới phân tích đồ đoán giá vàng có thể lên tới 2.000 USD một ounce vào cuối năm nay. Tuy nhiên, giá vàng hiện chỉ loanh quanh 1.700 USD.
Những người ưa đổ tiền vào kim loại quý cho rằng các ngân hàng trung ương liên tục nới lỏng có thể thúc đẩy tiêu dùng và làm tăng lạm phát. Việc này sẽ khiến các nhà đầu tư chuyển sang vàng để phỏng trừ rủi ro. Tuy nhiên, lời tiên đoán này đã không thành hiện thực khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tung gói nới lỏng QE3 ngày 13/9.
Bên cạnh đó, nhu cầu từ hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ, cũng giảm mạnh, khiến giá vàng mất đi lực đỡ đáng kể. Tại Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế chậm chạp và đồng rupee yếu đang khiến vàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ. Nhu cầu vàng trang sức và đầu tư của Trung Quốc cũng giảm mạnh trong quý III.
Các chuyên gia cho biết, trong những tháng tới, giá vàng sẽ không tăng mạnh do rủi ro lạm phát. Trên góc độ kỹ thuật, nhà phân tích Daryl Guppy cho biết nếu không thể vượt qua ngưỡng cản 1.800 USD, giá vàng sẽ giảm rất mạnh trong thời gian tới.
5. Bong bóng trái phiếu Mỹ
Kinh tế toàn cầu bất ổn, khủng hoảng nợ công kéo dài đã khiến các nhà đầu tư tìm đến trái phiếu chính phủ Mỹ và đẩy lãi suất xuống thấp kỷ lục. Số trái phiếu phát hành đã đạt mức cao chưa từng thấy trong năm nay, vượt 1.000 tỷ USD vào tháng 10 và gần chạm đỉnh năm 2007, ngay trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ.
Việc này đã khiến giới phân tích tỏ ra nghi ngại. Họ sợ rằng lạm phát tăng sẽ khiến FED ngừng nới lỏng tiền tệ. Việc này có thể khiến trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo, đẩy lãi suất tăng vọt, và chính phủ sẽ khó thanh toán được cho người dân.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đổ tiền vào loại tài sản này. Việc đó đã đẩy lãi suất giảm từ trên 2% xuống 1,6% trong 12 tháng qua, thấp hơn nhiều mức trung bình 4,4% trong vòng 10 năm.
Lạm phát năm tới ở Mỹ vẫn còn yếu, và tăng trưởng cũng được dự báo rất chậm chạp. Vì thế, nước này sẽ còn tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
6. Mỹ suy thoái kép
Nỗi lo sợ suy thoái kép đã trở thành chủ đề nóng hổi trong các dự đoán của giới chuyên gia năm ngoái. Lần cuối cùng Mỹ rơi vào tình trạng này là từ tháng 12/2007 đến tháng 6/2009. Nước này chỉ phục hồi nhẹ năm 2010 khi GDP tăng 2,4%. Đến năm 2011, tốc độ trên chỉ còn 1,8%, làm dấy lên mối lo ngại suy thoái kép năm 2012.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, viễn cảnh đó vẫn chưa xảy ra. Số liệu điều chỉnh quý III công bố tháng trước cho thấy kinh tế nước này đã tăng 2,7%, cao nhất kể từ quý IV/2011. Dù thị trường lao động còn yếu, Mỹ vẫn sẽ tăng trưởng khoảng 2% năm nay. Tuy nhiên, năm tới, nước này sẽ phải đối mặt với vách đá tài khóa (chương trình tự động nâng thuế và giảm chi tiêu có hiệu lực đầu năm 2013).
7. Euro ngang giá với USD
Sự biến động của đồng euro kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu nổ ra đã biến đồng tiền này thành mục tiêu bán tháo của giới đầu tư. Nhiều chiến lược gia đã tiên đoán euro sẽ ngang giá với USD trong năm nay.
Euro đã giảm tới 12% kể từ khi đạt mức đỉnh 1.49 USD tháng 5/2011 do áp lực từ khủng hoảng eurozone và nỗi lo sợ tình trạng này sẽ lan đến các nước mạnh hơn trong khối. Tuy nhiên, 1 euro hiện vẫn tương đương 1.3 USD và chưa hề ngang giá như các nhà quan sát tiên đoán. Nhiều nhà phân tích cho rằng đồng euro mất giá mạnh sẽ là tin rất xấu cho các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc. Khi ấy, hàng xuất khẩu của các nước này sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với châu Âu.
8. Khủng hoảng nợ ở Nhật Bản
Cũng như thị trường trái phiếu Mỹ, rất nhiều chiến lược gia, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm đã cảnh báo về tình hình nợ công tại Nhật Bản. Họ cho rằng việc này có thể khiến lãi suất trái phiếu nước này tăng vọt năm 2012 và dẫn đến khủng hoảng nợ.
Nỗi sợ hãi này đến từ việc chính phủ Nhật Bản vẫn có thể vay tiền trong 10 năm nữa với lãi suất dưới 1%, bất chấp nợ công ở đây đã hơn gấp đôi GDP. Dân số Nhật lại ngày một già đi và nền kinh tế thì đang tăng trưởng âm. Các ngân hàng giữ một lượng lớn trái phiếu Nhật Bản, vốn là kênh an toàn trong khủng hoảng nợ châu Âu, còn phải tăng lãi suất để đề phòng thua lỗ.
Kyle Bass, một trong những nhà đầu tư nổi tiếng thế giới, cho biết Nhật Bản sẽ nối gót châu Âu, rơi vào khủng hoảng nợ công. Ông chỉ ra rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang mua hàng nghìn tỷ yen trái phiếu. Việc này sẽ mang lại rất nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trái phiếu Nhật Bản vẫn đứng vững. Tuần đầu tiên của tháng 12, lãi suất trái phiếu 10 năm của nước này đã xuống thấp kỷ lục 9,5 năm với 0,685%, do nhà đầu tư kỳ vọng Nhật Bản sẽ có thêm nhiều chính sách nới lỏng tiền tệ. Lãi suất này có thể còn xuống thấp hơn sau cuộc bầu cử ngày 16/12 tới. Nguyên nhân là cựu Thủ tướng Shinzo Abe – người có khả năng là thủ tướng kế tiếp của Nhật – rất ủng hộ việc nới lỏng tiền tệ.