Điện ảnh, lăng kính vạn hoa phản chiếu muôn hình vạn dạng những cung bậc của tình yêu. Không phải mọi câu chuyện tình đều có một “happy ending”. Đôi khi, yêu là buông tay. Đôi khi, tình yêu là một cuộc rượt đuổi không hồi kết. Và đôi khi, nó chỉ là một vết sẹo ký ức, dù cố gắng xóa nhòa nhưng không thể nào quên. Dịp Lễ Tình nhân này, cùng khám phá những mối quan hệ “tệ hơn cả tình nhân” – những chuyện tình vượt ra khỏi chuẩn mực thông thường, đưa ta đến những góc tối phức tạp nhất của trái tim.
“Marriage Story” không phải là câu chuyện về một cuộc hôn nhân hạnh phúc, mà là thước phim nghẹn ngào về sự tan vỡ của nó. Nicole (Scarlett Johansson) và Charlie (Adam Driver), từng là biểu tượng của một cặp đôi nghệ sĩ thành đạt và có gia đình nhỏ đáng mơ ước, giờ đây chìm trong cuộc chiến ly hôn tàn khốc. Đằng sau ánh hào quang sân khấu, Nicole âm thầm gánh chịu cảm giác mình chỉ là cái bóng của Charlie, phải kìm nén khát vọng cá nhân để chăm lo vun vén gia đình. Quyết định ly hôn của cặp đôi sau 10 năm chung sống kéo theo một loạt những giằng xé, tổn thương không thể tránh khỏi. Từ đôi tình nhân say đắm, họ trở thành đối thủ trước tòa, nơi những lời yêu thương năm nào bị bóp méo thành vũ khí công kích lẫn nhau. “Marriage Story” là một hành trình tan vỡ của hai trái tim đã không còn chung nhịp, nơi cảm xúc ngột thở, day dứt bủa vây khiến người xem phải tự hỏi: Liệu có nỗi đau nào lớn hơn việc nhận ra rằng, đôi khi, tình yêu thôi là chưa đủ để giữ hai trái tim ở lại bên nhau?
Khi mọi ranh giới trở nên mờ nhạt, khi dục vọng che lấp lý trí, liệu ai mới thực sự là kẻ chiến thắng? Hay tất cả chỉ là những quân cờ bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc không lối thoát? “Challengers” – một bộ phim của đạo diễn “Call Me By Your Name” Luca Guadagnino đã phá vỡ khuôn mẫu tình tay ba thông thường, mang đến một câu chuyện phức tạp hơn về tình yêu, tham vọng, và sự cạnh tranh, được thể hiện qua phép hoán dụ của môn quần vợt. Cựu thần đồng tennis Tashi (Zendaya) sau một chấn thương sự nghiệp, trở thành huấn luyện viên của Art (Mike Faist), chồng cô. Tuy nhiên, quá khứ của cô với Patrick (Josh O’Connor), người bạn thân nhất của Art và cũng là tình cũ của Tashi, liên tục ám ảnh hiện tại. Khi Art và Patrick đối đầu nhau trong một giải đấu quan trọng, sân bóng bỗng chốc hóa thành đấu trường tình ái, nơi những cú giao bóng, những pha bóng bền đều mang theo ẩn ý về sự ganh đua trong tình yêu và khát khao chinh phục sự nghiệp. Art và Patrick có thể yêu Tashi, nhưng dường như với Tashi, tình yêu dành cho quần vợt hay đúng hơn, cảm giác chiến thắng và quyền lực mà nó mang lại mới là trên hết.
Có bao giờ ta ước có thể xóa đi những ký ức đau buồn, để chỉ lưu lại những phút giây hạnh phúc? Bộ phim kinh điển tạo cảm hứng cho tên album “Eternal Sunshine” của Ariana Grande đưa người xem vào một cuộc hành trình siêu thực nơi tình yêu và ký ức đan xen nhau một cách kỳ lạ. Joel (Jim Carrey) và Clementine (Kate Winslet), hai con người với những cá tính hoàn toàn trái ngược, quyết định sử dụng một dịch vụ xóa bỏ tất cả những ký ức về nhau sau khi mối tình hơn 2 năm dần trở nên bế tắc. Tuy nhiên, càng đi sâu vào quá trình loại bỏ hồi ức, họ lại khám phá ra rằng: đôi khi cố gắng quên đi không phải là cách dễ chịu nhất, những kỷ niệm dù đượm nỗi buồn lại chính là minh chứng cho một tình yêu đã từng trọn vẹn. Bộ phim là một lời nhắc nhở rằng tình yêu, với tất cả những mảnh vỡ kết thúc trong nước mắt của nó, vẫn là một phần không thể thiếu trong hành trình trưởng thành của mỗi người.
Câu chuyện tình yêu mở ra qua góc nhìn của Tom, chàng trai mơ mộng tin vào định mệnh, và Summer, một cô gái phóng khoáng tự do không tin vào những ràng buộc. 500 ngày yêu là một thước phim chân thực về hành trình yêu đương của họ, từ những buổi hẹn hò lãng mạn, những chia sẻ ngọt ngào, đến khi xảy ra những bất đồng và rạn nứt. Với trái tim si tình của mình, Tom đã vẽ nên một Summer hoàn hảo trong tâm trí, bỏ qua những “cờ đỏ” rằng cô không chia sẻ với mình cùng một lý tưởng về tình yêu. Khi mối tình tan vỡ, Tom phải đối diện với sự thật rằng tình yêu không phải lúc nào cũng là câu chuyện cổ tích. “500 Days of Summer” nhẹ nhàng nhắc nhở ta về sự khác biệt trong cách mỗi người định nghĩa tình yêu, về nguy cơ lý tưởng hóa đối phương, và cuối cùng, về sự chấp nhận rằng đôi khi tình yêu tan vỡ lại là cánh cửa mở ra những khởi đầu mới, những bài học quý giá cho hành trình trưởng thành.
Giữa kinh đô ánh sáng Los Angeles, nơi những nghệ sĩ trẻ ấp ôm hy vọng về ánh hào quang lấp lánh, Mia (Emma Stone) và Sebastian (Ryan Gosling) đã cùng nhau vẽ nên một bản tình ca jazz đầy mê hoặc. Tình yêu của họ như một điệu nhảy ngẫu hứng, bắt đầu từ những nốt nhạc lạc điệu rồi đan quyện vào nhau thành một bản hoà âm say đắm. Họ là hai kẻ mộng mơ lạc lối, tìm thấy nhau trong vũ điệu của hoài bão và đam mê, cùng nhau thắp lửa cho những khát khao nghệ thuật cháy bỏng. Nhưng cuộc đời vốn dĩ là một bản nhạc bất ngờ, khi sân khấu và ngã rẽ sự nghiệp mở ra cùng muôn ánh đèn rực rỡ, cũng là lúc bản nhạc chung của họ dần lạc nhịp. “La La Land” không tô hồng tình yêu bằng cái kết viên mãn, mà khắc họa một chương đẹp nhưng dang dở, như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng: đôi khi, tình yêu không phải là đích đến cuối cùng, mà là những nốt nhạc đẹp nhất trong bản giao hưởng cuộc đời, ngân vang mãi dù đoạn nhạc có khép lại.
Trong “Killing Eve”, mối quan hệ giữa Eve (Sandra Oh), một nhân viên MI6 sắc sảo, và Villanelle (Jodie Comer), một sát thủ máu lạnh, vượt xa định nghĩa thông thường về tình yêu. Đó là một trò chơi mèo vờn chuột đầy nguy hiểm, một sự ám ảnh thái quá được xây dựng trên sự tò mò và ngưỡng mộ, nhưng đồng thời cũng nhuốm màu bạo lực và độc hại. Eve bị cuốn hút bởi sự thông minh và khó đoán của Villanelle, trong khi Villanelle bị hấp dẫn bởi sự truy đuổi của Eve, xem đó như một trò chơi kích thích. Mối quan hệ của họ không dựa trên sự tin tưởng hay tôn trọng, mà là sự giằng xé giữa ham muốn và sợ hãi. Họ vừa là kẻ săn mồi, vừa là con mồi của nhau, bị mắc kẹt trong một vòng xoáy ám ảnh, nơi ranh giới giữa tình yêu và thù hận trở nên mờ nhạt. “Killing Eve” khắc họa một mối quan hệ độc hại, nơi sự thu hút nguy hiểm và nỗi ám ảnh chiếm ưu thế, cho thấy tình yêu có thể trở nên méo mó và hủy hoại như thế nào khi bị chi phối bởi những động cơ đen tối.
Trong kỷ nguyên số, khi mà ranh giới giữa con người và công nghệ trở nên mờ nhạt, “Her” mở ra một viễn cảnh mới cho khái niệm “tình yêu”. Theodore (Joaquin Phoenix), một người đàn ông cô đơn giữa lòng Los Angeles hiện đại, tìm thấy sự an ủi và đồng điệu trong một hệ điều hành AI tên Samantha (Scarlett Johansson). Mối quan hệ kỳ lạ của họ lại phản ánh một thực tế đáng suy ngẫm về sự cô đơn của con người trong xã hội hiện đại. Khi công nghệ ngày càng xâm nhập sâu vào đời sống, liệu một tình yêu không có hình hài có thực sự tồn tại? Hay nó chỉ là một sự phản chiếu của những gì chúng ta khao khát? Qua bộ phim, ta nhận thấy rằng tình yêu không chỉ được định nghĩa qua sự hiện diện của hình thể, mà còn được xây dựng dựa trên sự kết nối tinh thần và những cảm xúc chân thật – một thông điệp mạnh mẽ trong thời đại công nghệ hiện nay.
Không phải lúc nào tình yêu cũng đến từ những mối quan hệ hoàn hảo. “Fleabag” mang đến một góc nhìn sâu sắc về một tình yêu “cấm kỵ”, nơi mà những sai lầm, nỗi cô đơn và sự tự trách luôn song hành. Nhân vật Fleabag (Phoebe Waller-Bridge) – người phụ nữ với quá khứ phức tạp và tâm hồn đa chiều – đã tìm thấy sự cứu rỗi trong mối quan hệ đầy nghịch lý với một vị linh mục (Andrew Scott), người duy nhất thấu hiểu sự hỗn loạn trong cô. Mối quan hệ bị xã hội cấm đoán này dù không có cái kết trọn vẹn nhưng lại mang trong mình sức mạnh chữa lành những vết thương sâu sắc của tâm hồn. Qua cách kể chuyện đặc sắc phá vỡ “bức tường thứ tư” – góc máy thú vị để đưa nhân vật đến gần hơn với khán giả, “Fleabag” không chỉ khắc họa được sự hài hước đen tối mà còn mở ra một không gian tâm lý chân thật về sự cô đơn, về cách con người tìm kiếm tình yêu trong những nơi ít ai ngờ tới. Mỗi khoảnh khắc, mỗi lời thoại trong phim đều là một mảnh ghép góp phần làm nên bức tranh tổng thể về một tình yêu không hoàn hảo nhưng chân thành và tràn đầy cảm hứng.
Valentine này, hãy thưởng thức và đón nhận những chuyện tình không hoàn hảo, nhưng chân thực hơn bất cứ điều gì khác qua màn ảnh nhỏ. Bởi lẽ, dù tình yêu có thể “tệ hơn thế”, nhưng nó vẫn luôn là điều khiến chúng ta mãi mãi tìm kiếm, mãi mãi đắm chìm và không ngừng hy vọng.