70% các bệnh truyền nhiễm lây sang người là bệnh mới nổi

Phân tích về các bệnh truyền nhiễm, giáo sư Hiển cho biết nguyên nhân của các bệnh mới nổi và tái nổi rất khó xác định. Đó có thể là do toàn cầu hóa, thay đổi sinh thái như biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tăng giao lưu giữa người và các bệnh mới nổi. Vì vậy, khả năng lây truyền, gây bệnh cũng liên quan đến việc biến đổi của virus, lây lan thích nghi trên người tốt hơn.

Ông Hiển nhấn mạnh, trước kia virus cúm gia cầm chỉ thích nghi trên gia cầm thì nay đã thay đổi và thích nghi trên người hơn, lây từ người sang người dễ hơn. Đây là một điều ngành y tế mà rất nhiều nước đang lo ngại, không chỉ riêng virus cúm và Ebola.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, trong những năm gần đây khu vực châu Á Thái Bình Dương được coi là nơi dễ xảy ra một số bệnh truyền nhiễm mới nổi như SARS, cúm A/H5N1…

Theo Thứ trưởng Long, các quốc gia ASEAN vẫn đang tiểm ẩn nhiều nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm từ các khu vực khác như: Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do virus Corona MER-CoV, Ebola, HIV/AIDS, cúm A/H7N9, bại liệt… Đặc biệt, các bệnh truyền nhiễm mới nổi đang tiếp tục đe dọa sự phát triển bền vững, gây trở ngại cho phát triển kinh tế, tạo áp lực cho hệ thống y tế của các nước thành viên ASEAN và đe dọa an ninh y tế toàn cầu nói chung.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn các phương tiện tại vùng có dịch bệnh. (Ảnh: TTXVN)

Hội thảo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 về phòng chống bệnh truyền nhiễm mới nổi là diễn đàn nơi các nước thành viên ASEAN + 3 bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đồng thời thảo luận chiến lược nhằm tăng cường phối hợp trong phòng chống dịch bệnh giữa các quốc gia./.

Cũng trong buổi sáng 17/9 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN cũng diễn ra hội thảo “Mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng không chính thức.”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Việt Nam xác định bảo hiểm y tế là một cơ chế tài chính y tế bền vững quan trọng phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trên lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 69% dân số năm 2013.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các các nước trong khối ASEAN đang phải đối mặt với thách thức trong việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế đối với khoảng 30% dân số còn lại, chủ yếu thuộc khu vực phi chính quy.

Các đại biểu đến từ các quốc gia cũng chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm, cơ chế tài chính về vấn đề mở rộng bảo hiểm tại khu vực phi chính quy; đảm bảo tiếp cận toàn diện chăm sóc sức khỏe ban đầu để đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ./.



From the same category