7 series hành động - viễn tưởng đình đám của Âu Mỹ không dành cho người "yếu tim" - Tạp chí Đẹp

7 series hành động – viễn tưởng đình đám của Âu Mỹ không dành cho người “yếu tim”

Review

Đi đầu về xu hướng làm phim hành động – viễn tưởng, thị trường phim ảnh Âu Mỹ luôn cho ra đời những câu chuyện sáng tạo và đầy mới lạ thuộc thể loại này. Đặc biệt, không chỉ khai thác một mô típ nhàm chán, các cốt truyện độc đáo hết mức khiến người xem không thể rời mắt. Với những thước phim đầy kịch tính và đẹp mắt, giới mộ điệu hẳn sẽ không thể bỏ qua 7 series phim hành động – viễn tưởng đầy đình đám dưới đây.  

“The Walking Dead” (2010 – 2021): Khai sáng cho kỷ nguyên zombie trên màn ảnh nhỏ

Đối với người hâm mộ dòng phim hành động – viễn tưởng Âu Mỹ, “The Walking Dead” (Xác sống) có lẽ không còn là một cái tên quá xa lạ. Được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Robert Kirkman (biên kịch) và Tony Moore (họa sĩ), “The Walking Dead” đã sớm trở thành một hiện tượng toàn cầu khi ra mắt mùa đầu tiên vào năm 2010. Loạt phim xoay quanh phó cảnh sát trưởng Rick Grimes (Andrew Lincoln) – người đã tỉnh dậy sau một khoảng thời gian hôn mê và nhận ra rằng thế giới đã bước vào thời kỳ hậu tận thế, cùng với sự xuất hiện tràn lan của thây ma ăn thịt. Bất chấp mọi sự nguy hiểm, anh quyết định sẽ tìm lại gia đình mình bằng mọi giá. Trên hành trình khó khăn này, Rick Grimes cũng gặp được nhiều người vẫn còn sống sót khác. 

“The Walking Dead” được đánh giá là một trong những series về hậu tận thế/zombie hay nhất trong 1 thập kỷ qua.

Tác phẩm được người hâm mộ ngợi ca là “tân bình quái vật” khi ngay tập đầu tiên của toàn bộ series đạt 5.3 triệu lượng người xem. Phần 3 đánh dấu kỷ lục lượng người xem với 15.2 triệu người, giúp “vũ trụ xác sống AMC” từng bước trở thành hiệu ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, những yếu tố kinh dị, bất ngờ, cùng hình ảnh có phần “nặng đô” đã tạo nên một “The Walking Dead” ấn tượng đến mức ám ảnh. Cùng với đó là tuyến nhân vật đa dạng, mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh riêng. Và khi hậu tận thế ập đến, tất cả không còn quan trọng nữa, chỉ có tình đoàn kết mới giúp họ sống sót qua chuỗi ngày đen tối.

“Blindspot” (2015 – 2020): Tất cả mọi chuyện đều không phải ngẫu nhiên

“Blindspot” (Điểm mù) là một bộ phim truyền hình tội phạm Mỹ được đạo diễn bởi Martin Gero, với sự tham gia của diễn viên nổi tiếng Sullivan Stapleton và Jaimie Alexander. Nội dung phim xoay quanh cô gái bí ẩn Jane Doe (Jaimei Alexander) với thân hình nóng bỏng đầy hình xăm. Jane bị mất trí nhớ và hoàn toàn không biết mình là ai cho đến khi cô trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực và là một thành viên “bất đắc dĩ” trong đội của Kurt. FBI phát hiện ra rằng việc giải mã ý nghĩa của từng hình xăm trên người Jane cũng đồng nghĩa với việc lần ra manh mối quan trọng để phá những vụ trọng án trong khu vực.

Khởi chiếu từ năm 2015, bộ phim đã xuất sắc sở hữu cho mình 4 season luôn được đánh giá cao.

“Blindspot” là tác phẩm về thể loại điều tra phá án đã khôn khéo lồng ghép vào câu chuyện của mình một nữ chính cá tính mạnh mẽ, và bức màn bí ẩn xoay quanh những hình xăm phức tạp trên người cô. Chính vì lí do đó bộ phim truyền hình này được vinh danh trở thành một điểm nhấn quan trọng của NBC vào thời điểm lúc bấy giờ. Xuyên suốt “Blindspot” là những vụ án nguy hiểm và quá trình tìm kiếm câu hỏi về Jane. Jane thực sự là ai? Kẻ nào đã xăm những hình thù và biểu tượng kỳ hoặc lên người cô? Tại sao lại gửi cô đến FBI? Đây chính là những nút thắt hấp dẫn của bộ phim.

“Black Mirror” (2011 – 2019): Tấm gương có khả năng phản chiếu mặt trái công nghệ

Công nghệ hiện đại mở ra một tương lai nhiều hứa hẹn, song cũng dễ dàng trở thành một cơn ác mộng của xã hội loài người. Series “Black Mirror” (Gương đen) dựng lên hàng loạt bối cảnh tương lai khác nhau, nơi mà con người vô ý để công nghệ kiểm soát, nhào nặn cuộc đời mình. Chuyện phim lấy bối cảnh nước Anh hiện đại, nơi Công nương Susannah (Lydia Wilson) rất được mến mộ. Nhưng bi kịch diễn ra khi có một nhóm người bắt cóc cô, nhưng lại không đòi tiền chuộc mà chúng đưa ra yêu sách bệnh hoạn rằng Thủ tướng Anh Michael Callow (Rory Kinnear) phải làm tình với lợn trên sóng truyền hình quốc gia. Lời yêu cầu ấy lan truyền với tốc độ chóng mặt trên khắp các mạng xã hội toàn cầu, tạo thành một thứ áp lực khổng lồ chi phối quyết định của Thủ tướng. Ở đây, phẩm giá con người đứng trước nguy cơ bị đè bẹp bởi thứ công lý mà dư luận nắm toàn quyền định đoạt.

Được biên kịch bởi Charlie Brooker, bên cạnh tiếng vang mà tác phẩm mang lại, bộ phim cũng gây ra một làn sóng tranh luận từ các nhà phê bình và khán giả về những vấn đề mà nó đặt ra.

Điều đáng sợ nhất mà bộ phim muốn truyền đạt chính là tất cả những gì xảy ra trong phim đều có thể xảy ra ngoài đời thực, nhất là dưới bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như cơn lốc hiện nay. Series này về tay Netflix từ mùa thứ 3, được nâng lên một tầm cao mới về độ phủ sóng, đầu tư vào đạo diễn, dàn diễn viên và công nghệ làm phim mới. Thuộc thể loại hành động – viễn tưởng, đến nay, qua hết 4 phần với 19 tập phim – tương đương với 19 góc nhìn không trùng lặp về mặt trái của công nghệ, sức nóng của “Black Mirror” vẫn chưa hoàn toàn hạ nhiệt bởi sự pha trộn lạ lùng giữa hiện thực và những điều không tưởng. 

“Altered Carbon” (2018): Sẽ thế nào nếu bạn quên đi nỗi sợ về cái chết?

“Altered Carbon” (Linh hồn đổi xác) lấy bối cảnh năm 2384 trong tương lai, khi khoa học công nghệ đã đạt đến cảnh giới có thể số hóa ý thức con người, chuyển từ cơ thể cũ sang cơ thể mới và tiền có thể khiến chúng ta sống tới hàng trăm năm. Chính xác hơn thì trong thế giới tương lai 300 năm sau trong “Altered Carbon”, cái chết chỉ đơn thuần là “sự bất tiện”. Câu chuyện bắt đầu khi Takeshi Kovacs (Joel Kinnaman), một chuyên gia chính trị tỉnh dậy sau 250 năm – người duy nhất còn sống sót trong số những người bị đánh bại trong một cuộc nổi dậy chống lại trật tự thế giới mới 250 năm trước. Anh được quyền lựa chọn phải ngồi tù hoặc trở thành cố vấn cho một vụ án giết người nghiêm trọng.

“Altered Carbon” dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Richard K. Morgan (Robocop).

Ẩn sâu dưới lốt một series hành động – viễn tưởng của “Altered carbon” là rất nhiều những lát cắt về chiều sâu tâm lý của con người. Chúng được khéo léo cài cắm trong những câu thoại, mối quan hệ của các nhân vật và luôn đòi hỏi người xem phải suy nghĩ để có thể cảm nhận được sâu nhất. Nếu như cái chết không còn tồn tại, hay con người không còn sợ hãi việc phải chết đi nữa, mọi thứ sẽ trở thành một mớ hỗn loạn mới, và chúng ta sẽ không thể nào biết được rằng xã hội sẽ biến chất đến mức nào. Từ đây, một lần nữa, chúng ta bắt đầu suy nghĩ về quy luật cân bằng của tạo hóa, giữa sống và chết, cán cân nghiêng về bên nào nhiều quá cũng sẽ tạo ra những vấn đề không tưởng.

“12 Monkeys” (2015 – 2018): Chìa khóa nằm ở sự khởi đầu, chỉ có như thế mới ngăn chặn được kết thúc

“12 Monkeys” (12 con khỉ) là một bộ phim khoa học viễn tưởng Mỹ lấy bối cảnh tại tương lai không xa, khi con người chứng kiến thảm họa kinh hoàng nhất, gần như toàn bộ dân số trên trái đất tử vong vì bệnh dịch. Chính quyền đã triệu tập những nhà khoa học ưu tú và lỗi lạc nhất để tìm cách trở lại quá khứ và truy lùng nguồn gốc của căn bệnh lịch sử này nhằm ngăn chặn kịp thời trước khi nó lây lan. Tiến sĩ trẻ James Cole (Aaron Stanford) cùng phái đoàn của mình sau khi trở về quá khứ đã phát hiện ra nhiều bí ẩn kinh hoàng về thảm họa này, nó không chỉ do ngẫu nhiên phát sinh mà là do một tên độc tài đứng ra dàn xếp. 

Đây là một series có cốt truyện phức tạp pha trộn với câu chuyện tình yêu bị cấm đoán sẽ khiến người xem bất ngờ.

Loạt phim truyền hình “12 Monkeys” là bản chuyển thể của phim điện ảnh cùng tên năm 1995. Nhưng ngoại trừ bối cảnh và cơ chế du hành thời gian là tương đồng ra, những yếu tố còn lại giữa 2 phim là hoàn toàn khác biệt. Bên cạnh đó, người hâm mộ cũng sẽ bị cuốn vào chuyến du hành dài đằng đẵng của các nhân vật, cùng họ mải miết tìm kiếm những mấu chốt quan trọng của vấn đề, và rồi lại vỡ lẻ rằng: “Chìa khóa thật ra lại nằm ngay ở sự khởi đầu”. 

“Prison Break” (2005 – 2017): Tượng đài bất diệt của dòng phim vượt ngục

“Prison Break” (Vượt ngục) mở đầu với việc tội nhân Lincoln Burrows (Dominic Purcell) bị cáo buộc là thủ phạm giết hại em trai ruột của Phó Tổng thống Mỹ. Dù một mực kêu oan nhưng quá khứ bất hảo và việc thiếu bằng chứng ngoại phạm đã khiến Burrows nhận án tử hình. Anh bị giam tại nhà tù Fox River trong thời gian đợi thi hành án. Cánh cửa hy vọng duy nhất của Burrows tới từ người em cùng cha khác mẹ Michael Scofield (Wentworth Miller). Scofield đã đánh đổi tất cả tương lai để được vào nhà tù Fox River. Tại đây, Scofield tìm gặp anh trai và hé lộ rằng anh có một kế hoạch vượt ngục táo bạo. 

Vượt ngục là loạt phim truyền hình dài tập được sản xuất bởi Paul Scheuring và được kênh truyền hình Fox công chiếu năm 2005.

Kịch bản độc đáo và thông minh là điểm nổi bật nhất của loạt phim truyền hình về hành động này. Bên cạnh tuyến truyện chính về âm mưu vượt ngục bên trong Fox River, “Prison Break” còn những tuyến truyện phụ bên ngoài như hành trình đi tìm công lý cho Burrows hay sự bí hiểm của tổ chức có tên The Company. Trong thời gian lên sóng từ năm 2005 đến 2017, 5 mùa của “Prison Break” thu hút trung bình 8.2 triệu người xem. Đặc biệt, bộ phim đã đạt độ thành công lớn khi trở thành cảm hứng để các nhà sản xuất phát hành một số game ăn theo trên Internet và di động.

“Breaking Bad” (2013): Khi vượt qua lằn ranh đạo đức, chúng ta sẽ bị biến đổi thành một con người với cuộc đời khác 

“Breaking Bad” (Biến chất) không đơn thuần là một cái tên, nó còn là một trong những biểu tượng xuất sắc của truyền hình Mỹ. Phim xoay quanh Walter White (Bryan Cranston) là một giáo viên hoá học dù rất giỏi, nhưng vì không hợp thời, và vì những quyết định sai lầm nên ông không thể hành công trong sự nghiệp. Con trai lớn của ông bị bệnh não nên không thể di chuyển và nói chuyện bình thường, và vợ ông đang mang thai đứa con thứ 2. Đòn đánh cuối cùng mà cuộc đời dành cho ông là việc ông chỉ còn 2 năm để sống do căn bệnh ung thu. Từ đây, Walter White đã có một quyết định táo bạo thay đổi không chỉ cuộc đời ông, mà còn thay đổi hoàn toàn bản tính con người trong ông. Walter White tìm đến cậu học trò bê bối Jesse (Aaron Paul) để lên kế hoạch sản xuất Meth – một loại ma tuý đá tổng hợp nhằm kiếm đủ tiền cho vợ con trước khi ông chết. 

“Breaking Bad” được đánh giá là đậm chất điện ảnh với những khung hình mang tính tự sự cao cùng khả năng tự kể chuyện, khiến khán giả luôn cũng bị hấp dẫn về mặt thị giác.

Năm mùa phim “Breaking Bad” là một hành trình tuyệt vời khi khán giả có thể chứng kiến cách mà Walter White biến đổi một cách chậm rãi, từ một nhà hoá học tầm thường, thành một tên tội phạm khét tiếng. Tác phẩm đã cho khán giả thấy được mặt tối của sự mong đợi. Walter White khởi đầu bằng một động cơ tốt là kiếm đủ tiền cho hai đứa con trai đi học đại học và vợ có cuộc sống tốt hơn, nhưng nó dần nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Walter White “nhúng chàm” và không thể quay đầu lại. 

Tác giả: Tôn Ngọc Anh Thư

04/08/2021, 18:20