7 gợi ý nghỉ ngơi đúng cách giúp lấy lại năng lượng cho cơ thể và tâm trí

Tưởng chừng là một việc đơn giản, nhưng nghỉ ngơi cũng cần phải được thực hiện đúng cách, để cơ thể của bạn tái tạo và duy trì năng lượng một cách tối ưu nhất.

Nghỉ ngơi không đồng nghĩa với việc chúng ta dành cả cuối tuần để quẩn quanh trong nhà và ngủ cả ngày, hay bỏ bê việc chăm sóc bản thân sau một ngày làm việc và chỉ nằm dài trên giường. Vì những việc đó chỉ giúp bạn phục hồi về mặt thể chất và cơ thể chưa thật sự nghỉ ngơi. Theo quyển sách “Sacred Rest: Recover Your Life, Renew Your Energy, Restore Your Sanity” của Tiến sĩ Saundra Dalton-Smith; thực tế, không chỉ có cơ thể, mà các khía cạnh khác như tinh thần, cảm xúc, các giác quan và sức sáng tạo của bạn cũng cần được thư giãn. Sau đây là 7 kiểu nghỉ ngơi giúp cơ thể “sạc pin” một cách hiệu quả mà bạn không nên bỏ qua:

1. Nghỉ ngơi về mặt thể chất (Physical rest)
Nghỉ ngơi về mặt thể chất bằng việc chợp mắt, thả lỏng các cơ, cân bằng lại nhịp thở,…hay thậm chí là ngủ là cách nhanh nhất giúp cơ thể lấy lại năng lượng. Một giấc ngủ đạt chuẩn thường kéo dài 8 tiếng, và bạn nên ngủ trước 11 giờ tối. Ngoài cách nghỉ ngơi thụ động (passive rest) này, theo Tiến sĩ Dalton-Smith, chúng ta cũng có thể thực hiện các bài tập căng cơ, thả lỏng cơ thể như yoga, pilates, hoặc liệu pháp mát-xa.

Điều này không chỉ giúp bạn hồi phục năng lượng hiệu quả mà còn giúp cơ thể trở nên dẻo dai hơn. Bạn không nhất thiết phải dành nhiều thời gian để thực hiện các bài tập nặng nhọc hay sử dụng những dụng cụ chuyên dụng, bạn chỉ cần tranh thủ vươn vai hoặc duỗi chân trong 5-10 phút trong giờ nghỉ trưa tại văn phòng. 

2. Nghỉ ngơi về mặt tinh thần (Mental rest)
Khi cơ thể được xoa dịu, đó là lúc để tâm trí và não bộ của bạn được nghỉ ngơi. Đừng tranh thủ vài phút ngắn ngủi đứng đợi thang máy để trả lời email của sếp và bị cuốn vào guồng quay công việc. Những việc tưởng chừng như vô hại này đã khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, thậm chí làm giảm năng suất làm việc của bạn.

Chúng ta được khuyên rằng nên tận dụng thời gian nghỉ giữa giờ hết mức có thể. Những lúc này, bạn nên hạn chế đụng đến công việc để não bộ được hoàn toàn nghỉ ngơi. Trong giờ ăn trưa, bạn cũng nên tránh vừa ăn vừa nhìn vào màn hình laptop, từ đó ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn. Thay vào đó, hãy tập hít thở, sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi sao cho hợp lý để giúp cơ thể tránh được tình trạng bị quá tải và kiệt quệ. 

3. Nghỉ ngơi về mặt giác quan (Sensory rest)
Nghỉ ngơi về mặt giác quan có nghĩa là tạm thời ngắt kết nối với môi trường xung quanh – như văn phòng làm việc căng thẳng hay màn hình laptop chói lóa. Kiểu nghỉ ngơi này cho phép tâm trí của bạn trở nên thoải mái và an tĩnh hơn, đồng thời giúp bạn kiểm soát những gì đang diễn ra xung quanh mình tốt hơn.

Nếu tính chất công việc của bạn buộc phải gắn liền với các thiết bị điện tử trong thời gian dài, hãy cố gắng dành khoảng 5-10 phút mỗi tiếng để nhìn đi chỗ khác và bảo vệ đôi mắt. Ngoài ra, không gian nghỉ ngơi thư giãn cũng nên được dọn dẹp và bày trí thoáng đãng . Một vài phút tản bộ ở công viên, thả mình vào thiên nhiên, tận hưởng sự yên bình và hít thở không khí trong lành cũng là cách để bạn bảo vệ bản thân khỏi sự căng thẳng của các giác quan.

4. Nghỉ ngơi về mặt sáng tạo (Creative rest)
Nghỉ ngơi về mặt sáng tạo giúp chúng ta khám phá ra nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống. Những ý tưởng mới lạ không chỉ khiến tâm trí bạn trở nên thư thái, mà năng suất làm việc cũng trở nên hiệu quả hơn.

Thiên nhiên và nghệ thuật luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho nhân loại. Vì thế nếu cảm thấy bí bách và cạn kiệt ý tưởng làm việc, bạn nên dành thời gian xem một bộ phim, đi đến viện bảo tàng, ngắm hoàng hôn, nghe một vài bản nhạc hoặc đổi khung cảnh làm việc. Điều này sẽ đánh thức sự sáng tạo của bạn một lần nữa. 

5. Nghỉ ngơi về mặt cảm xúc (Emotional rest)
Nghỉ ngơi về mặt cảm xúc là cách bạn quan tâm, chăm sóc mình và những người xung quanh. Nếu cảm thấy bản thân ngày càng thiếu kiên nhẫn, mất kiểm soát, dễ nóng giận, khủng hoảng, tâm trạng bất ổn và không thể lắng nghe, chia sẻ với người thân, chắc chắn sức khỏe tinh thần của bạn đang gặp vấn đề. 

Hãy tập cách bày tỏ cảm xúc bằng cách viết nhật ký, trò chuyện với bạn bè, và theo dõi cảm nhận của mình thường xuyên hơn,…Việc bạn ưu tiên bản thân thay vì suốt ngày tìm cách làm hài lòng người khác cũng khiến tâm trí bạn được xoa dịu. Nghỉ ngơi về mặt cảm xúc ảnh hưởng góp phần xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giúp bạn kết nối sâu hơn với chính mình và người xung quanh.

6. Nghỉ ngơi về mặt xã hội (Social rest)
Kiểu nghỉ ngơi này cho phép bạn dành thời gian cho riêng mình sau khoảng thời gian dài giao tiếp và tương tác với nhiều người. Nếu cảm thấy bản thân trở nên kiệt sức vì đảm đương quá nhiều hoạt động xã hội hay công việc, đã đến bạn nên cân nhắc giảm bớt tận hưởng thời gian một mình.

Vào những giây phút riêng tư như vậy, bạn chỉ cần hít thở sâu, dành thời gian cho những việc mình yêu thích để tái tạo năng lượng. Ngoài ra, đừng để cảm xúc bị ảnh hưởng bởi những mối quan hệ độc hại. Nếu có thể, nên hạn chế tương tác hoặc thẳng thắn kết thúc các kết nối này.

7. Nghỉ ngơi về mặt tâm hồn (Spiritual rest)
Nghỉ ngơi về mặt tâm hồn sẽ giúp bạn tìm ra được mục tiêu cuộc sống nếu vẫn còn đang mông lung. Từ đó tìm ra đáp án để tiến gần hơn với lý tưởng và giá trị bản thân theo đuổi.

Nếu luôn trì hoãn trong công việc hay thường xuyên cảm thấy trống rỗng, bạn nên tìm đến những khoảnh khắc kết nối với người xung quanh như tham gia các hoạt động thiện nguyện. Việc tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh sống khác nhau cũng giúp bạn trân trọng và biết giữ gìn những gì mình đang có. Bên cạnh đó, bạn cũng nên trải nghiệm nhiều hoạt động khác để tâm hồn được thư giãn như thiền định, yoga, đọc sách,…hoặc tham gia các buổi trị liệu tâm lý với các người cố vấn.

Nguồn: Vouge


From the same category