Khi một cuộc chia tay diễn ra trong yên bình, có rất nhiều người muốn làm bạn với người yêu cũ. Mối quan hệ “bạn bè” này sẽ đem lại nhiều tác động tích cực đến cả hai bên, nhất là về tinh thần. Thế nhưng, không phải ai cũng sẵn sàng trở thành bạn của người yêu cũ, và nếu gượng ép thì sẽ dẫn đến một kết cục tệ hơn. Hãy kiểm tra xem bạn có thể trở thành bạn bè với “người từng thương” không nhé!
Trừ những mối quan hệ độc hại, hay lí do chia tay quá tiêu cực, thì khi hai người hết yêu nhau vẫn hoàn toàn có thể trở thành bạn bè. Kiểu bạn bè này thậm chí còn đem lại rất nhiều ích lợi. Trong một nghiên cứu khảo sát 288 người trưởng thành có độ tuổi từ 18-62 tuổi, các nhà nghiên cứu rút ra một danh sách gồm 29 lý do mọi người muốn duy trì mối quan hệ bạn bè với người yêu cũ. Trong đó, có 3 lý do nổi trội như:
- Cảm giác an toàn: Xem người yêu cũ như một người bạn để không đánh mất sự hỗ trợ tinh thần, một tri kỷ cùng chia sẻ những kỷ niệm, lời khuyên hay chí ít cho bạn sự tin tưởng nhất định.
- Quan hệ xã hội: Trong cuộc sống, chúng ta không nên phá bỏ một cây cầu nào cả, với người yêu cũ cũng vậy. Mối quan hệ với người cũ nhiều khi sẽ mở ra những cơ hội hay những mối quan hệ khác. Hoặc cũng có trường hợp hai bạn có quá nhiều bạn chung với nhau, vì vậy giữ quan hệ bạn bè với người yêu cũ để không phải “cạch mặt” bất kì ai cả.
- Thể hiện thái độ hòa nhã: Có nhiều người muốn giữ mối quan hệ bạn bè với người yêu cũ chỉ đơn giản là để lịch sự, không làm tổn thương cảm xúc của người yêu cũ, tránh đối đầu hoặc vì họ cảm thấy tội lỗi khi chia tay với bạn.
Thế nhưng, không phải bất kì ai cũng có thể trở thành bạn với người yêu cũ. Nếu một trong hai không muốn hoặc không sẵn sàng, thì mối quan hệ đó sẽ trở nên kì cục, gượng ép và dễ làm tổn thương nhau. Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy bạn hoặc đối phương chưa thể làm bạn với nhau hậu chia tay.
Nếu bạn còn cảm thấy bị tổn thương hoặc tức giận, nghĩa là bạn chưa sẵn sàng làm bạn với người yêu cũ. Vượt qua một cuộc chia tay không phải là chuyện có thể làm được trong một hai ngày mà cần có thời gian để bình ổn, chữa lành và thực sự chấm dứt những cảm giác thương tiếc, giận dữ khi một mối quan hệ kết thúc. Kathleen Dahlen deVos, Nhà trị liệu tâm lý ở San Francisco cho biết: “Giai đoạn đầu, bạn đừng chống lại cảm xúc mà hãy cứ đón nhận mọi buồn bã, thất vọng, nỗi đau vì bị từ chối, oán giận. Đừng vội làm bạn với người yêu cũ lúc này, mà hãy tập trung xử lý mọi cảm giác chưa được giải quyết trong lòng bạn. Hãy thử tìm kiếm sự hỗ trợ của một nhà trị liệu hoặc bày tỏ với một người bạn đáng tin cậy, hoặc viết nhật ký để giải phóng và làm rõ suy nghĩ và cảm xúc của bạn”.
Nếu bạn khó nói về người yêu cũ của mình, hoặc khi ai đó nhắc đến cái tên quen thuộc kia, bạn cảm thấy ngập ngừng, tâm trạng bứt bối, thậm chí bật khóc thì đó chính là dấu hiệu bạn chưa sẵn sàng trở thành bạn bè. Tina Tessina, Nhà trị liệu tâm lý có trụ sở tại Nam California cho biết: “Có thể bạn đang trốn tránh cảm xúc và nỗi buồn của mình, hoặc có thể bạn vẫn bị ám ảnh bởi người yêu cũ của mình”.
Bạn bè thực sự sẽ chia sẻ mọi sự kiện diễn ra trong đời sống, ủng hộ và vui mừng cho họ kể cả khi họ quen người khác. Nếu việc người yêu cũ bắt đầu mối quan hệ mới khiến người bạn sục sôi, thì chớ dại gì làm bạn với người yêu cũ. “Nếu làm bạn với người yêu cũ lúc này sẽ chỉ gây đau đớn cho bạn. Vì tình bạn có nghĩa là hỗ trợ nhau trong những thử thách và khổ nạn của cuộc sống, chung vui với họ trong những khoảnh khắc hạnh phúc và sung sướng, thế nên nếu không thể, bạn tốt nhất nên tự bảo vệ bản thân mình trước”, deVos nói.
Hãy thành thật hỏi xem tại sao bạn muốn làm bạn với người yêu cũ. Trong thâm tâm, bạn có nuôi hy vọng rằng hai người có thể hòa giải không? Nếu vậy, tình bạn có lẽ không phải là bước đi đúng đắn, ít nhất là không phải bây giờ. Anna Poss, một nhà trị liệu ở Chicago cho biết: “Nếu bạn muốn quay lại, thì đó không thể là lí do lành mạnh để bắt đầu tình bạn với người yêu cũ. Tình bạn này sẽ chỉ khiến bạn có nguy cơ bị tổn thương thêm về tình cảm. Có thể bạn đang nghĩ rằng nếu chúng tôi bắt đầu đi chơi với nhau lần nữa, anh ta sẽ hối hận vì đã chia tay hoặc biết đâu có thể tìm lại những cảm giác đã đánh mất. Vấn đề là những kì vọng đó có thể gây đau đớn cho đôi bên. Người yêu cũ sẽ khiến chúng ta thất vọng, và chúng ta sẽ phải tức giận, tổn thương và làm tổn thương chính “người bạn” bất đắc dĩ kia.
Sau khi chia tay, bạn sợ hãi cảm giác cô đơn nên muốn làm bạn với người yêu cũ để lấp đầy khoảng trống đó. Zainab Delawalla, Nhà tâm lý học lâm sàng ở Atlanta cho biết: “Mặc dù điều này có thể mang lại sự thoải mái nhất định trong ngắn hạn, nhưng nó cũng có thể dẫn đến những tổn thương nặng nề hơn. Thay vào đó, hãy đi tìm sở thích của chính mình, thiết lập những thói quen mới, hò hẹn với bạn bè, gia đình hoặc đi tìm lại kết nối với bản thân bạn.
Bạn lùng sục thông tin về người yêu cũ trên mạng xã hội hoặc qua bạn chung để biết được họ đang ở đâu và đang ở cùng ai. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy bạn chưa sẵn sàng trở thành bạn bè.
Nếu bạn đang làm bạn với người yêu cũ chỉ để có thể theo dõi họ, hy vọng rằng họ sẽ thay đổi để trở thành mẫu người hoàn hảo trong mắt bạn thì tốt nhất là nên dừng lại. Chờ đợi ai đó thay đổi theo ý của bạn không phải là một cách sử dụng thời gian hiệu quả. Delawalla nói: “Nếu cuộc chia tay của bạn là do những khác biệt về tính cách, vì đối phương nghiện bia rượu thuốc lá hoặc không chung thủy, thì điều này không chắc sẽ thay đổi. Nếu cứ hi vọng người cũ thay đổi và quay về với bạn thì sẽ vô tình tự gạt bỏ cơ hội tìm được người bạn đời mà bạn thực sự muốn.
Làm bạn với người yêu cũ không phải là chuyện xấu, ngược lại còn đem nhiều tác động tích cực đến sức khỏe và tinh thần. Thế nhưng, hãy cân nhắc xem bạn đã đủ sẵn sàng để bắt đầu mối quan hệ bạn bè thực sự với người yêu cũ hay chưa nhé!