7 cây thảo mộc nên trồng trong vườn nhà

Cây hương thảo (rosemary)

Món ăn có mùi vị hấp dẫn hơn khi ướp với cây hương thảo 
Cây hương thảo chứa nhiều tinh dầu tốt cho sức khỏe, khi tưới nước chạm nhẹ vào lá sẽ cảm nhận được mùi hương tinh khiết giúp thư giãn tinh thần. Loại cây này có bộ rễ khá nhạy cảm và cần sự thoát nước tốt nên khi trồng cần chọn đất phải đảm bảo vừa tơi xốp, thoát nước vừa đủ ẩm để lá cây không bị xơ xác. Thêm một vài cành hương thảo cho món sườn quay, thịt nướng sẽ làm cho hương vị món ăn hấp dẫn hơn.

Cây xạ hương (thyme)

Loại cây dùng nhiều trong món hầm và nướng này phát triển tốt nhất khi được trồng nơi có nhiều ánh nắng. Cây thường được trồng vào mùa xuân và sau đó phát triển như một cây lâu năm. Nó có thể được nhân giống bằng hạt, cắt, hoặc chia rễ từ cây. Vì có thể sinh tồn được mà không cần nhiều chăm sóc nên người ta có thể trồng làm hàng rào xung quanh nhà. Hương vị xạ hương hơi hăng, cay, mặn, gần giống với đinh hương. Xạ hương khô còn được dùng để làm trà điều trị các chứng phong hàn và chữa hôi miệng.

Cây xô thơm (sage)

 Người cổ đại tin rằng cây xô thơm là thần dược trị bách bệnh
Cây xô thơm nằm trong họ hoa môi – Salvia, có nghĩa là “chữa lành”. Trong sách y học từ thời trung cổ lặp đi lặp lại câu nói “Vì sao anh ta phải chết khi cây xô thơm mọc trong vườn anh ta?”.  Ngày nay cây xô thơm được dùng để chữa đau cổ họng, tiêu hóa kém, kinh nguyệt không đều. Cây có vị hơi đắng, ấm và có tác dụng làm se. Trồng cây xô thơm không yêu cầu chăm sóc đặc biệt, chỉ cần đặt chậu cây nơi có nhiều ánh sáng và tưới nước thường xuyên là được.

Tía tô đất (lemon balm)

dsc_0394
 Tía tô đất được mệnh danh là “cây mật ong”
Tía tô đất còn được gọi là “cây mật ong”, vì vào mùa hè hoa nở có rất nhiều mật hoa. Loại cây này được sử dụng để tạo hương cho món kem và dùng để làm trà thảo dược giúp giảm âu lo. Tinh dầu tía tô đất có chức năng kháng khuẩn tốt và giúp chống ôxy hóa cao nên được chị em phụ nữ sử dụng làm đẹp rất nhiều. Tía tô có thể trồng quanh năm trên đất có nhiều mùn, giàu chất dinh dưỡng, thoát nước tốt.

Củ nén (chives)

Thân cây hành thơm được dùng như một món ăn sống

Củ nén là cây mùi thơm với hương vị của củ hành nên còn được gọi là cây hành thơm. Lá củ nén được dùng ăn sống hay nấu chín, phần thân chúng ta hay gọi là “củ” được sấy khô để sử dụng về sau. Củ nén cung cấp lưu huỳnh, sắt và đặc biệt giải cảm cúm rất tốt. Củ nén được trồng trên đất cát hoặc đất khô, không cần phải bón phân nhiều và có hoa màu tím dịu nhẹ rất đẹp.

Cây bạc hà (mint)

Lá bạc hà mảnh, chóp nhọn
Húng lủi có lá tròn, phía lá dày dặn

Toàn cây bạc hà có mùi thơm hắc vì chứa tinh dầu Menthol. Nhiều người vẫn gọi húng lủi là bạc hà, tuy nhiên hai loại này rất khác nhau. Lá húng lủi tròn, dày, trong khi đó là bạc hà mảnh hơn và có chóp nhọn. Bạc hà được dùng trang trí trong các loại nước uống như mojito, nước chanh và để chế tạo tinh dầu, còn húng lủi được dùng làm trong chế biến món ăn.

Húng quế (basil)

Húng quế có thân cứng, màu tím
Húng quế hay còn được gọi là rau quế, húng chó, húng giổi… Lá quế rất thơm và thường được sử dụng như một loại gia vị, là món ăn kèm với thịt vịt luộc. Húng quế tốt cho gan, ổn định lượng đường trong máu và kháng khuẩn. Tinh dầu húng quế là liệu pháp dưỡng da và dưỡng ẩm rất tốt. Húng quế không kén đất hay thời tiết nên có thể trồng vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

From the same category