7 cách cải thiện nụ cười

1. Lấy vôi răng định kỳ

Vôi răng không những đe dọa đến sức khỏe mà còn làm bạn thiếu tự tin khi giao tiếp vì làm răng mất đi độ trắng bóng và gây hôi miêng. Vì vậy, bạn nên đi lấy vôi răng định kỳ 6 tháng/lần để làm sạch răng.

2. Đừng ngại niềng răng

Nếu bạn đang gặp “trục trặc” về răng như: hô, móm, răng mọc lệch, răng thưa… thì đừng ngại đi niềng răng vì đây là cách giúp bạn “uốn nắn” những chiếc răng mọc không đúng chỗ. Tuy tốn nhiều thời gian (thông thường từ 18-36 tháng) nhưng niềng răng sẽ điều chỉnh việc răng lệch, nhô vào trong, răng mọc thưa. Niềng răng có thể điều chỉnh cả sự phát triển không ngay ngắn của xương hàm… giúp bạn có hàm răng đều đặn và khuôn mặt cân đối hơn. Nhờ vậy, bạn không còn lo những chiếc răng mọc lệch sẽ làm nụ cười mình “méo mó”.

 

3. Ăn uống thông minh

Để có một hàm răng trắng bóng và nụ cười xinh, bạn nên hạn chế hút thuốc lá, nước uống có gas, có màu… để răng không bị xỉn màu. Bạn cũng không nên ăn những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh để tránh làm tổn thương đến nướu. Bổ sung các loại trái cây như: táo, ổi, dứa, cà rốt, dâu tây, họ cam quýt… và tăng cường các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, pho mát giúp bảo vệ men răng, nướu răng. Đồng thời, bạn nên uống nhiều nước lọc nhằm tránh tình trạng khô miệng và ngăn hơi thở có mùi hôi.

4. Đánh răng đúng cách

Khi đánh răng, bạn nên chọn bàn chải có lông mềm và đầu nhỏ. Đặt đầu bàn chải song song với mặt nhai, lòng bàn chải hướng về phía chóp răng, tạo một góc 450 lăn vào trong rãnh nướu, rung bàn chải với lực nhẹ về phía chóp, hất lòng bàn chải về phía mặt nhai và xoay bàn chải nhẹ nhàng. Bạn nên đánh răng ở cả 5 bề mặt: mặt nhai, mặt ngoài (gần má), mặt trong (gần lưỡi) và 2 mặt bên (giáp 2 răng bên cạnh) để răng sạch hơn. Lưu ý là đánh răng theo chiều răng mọc hoặc xoa tròn để giảm tổn thương cho răng. Thời gian đánh răng ít nhất là 2 phút. Bạn nên chải sạch răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ.

 

5. Chăm chỉ khám răng

Đây là một trong những cách tốt nhất để bạn theo dõi tình hình vệ sinh răng miệng của mình. Thông thường, khoảng 6 tháng bạn nên đến nha sĩ một lần để phát hiện kịp thời những vấn đề liên quan đến răng miệng. Nếu để lâu, có khi bạn phải tốn nhiều tiền bạc và công sức để “đầu tư” lại hàm răng. Chăm khám răng không những giúp bạn ngăn ngừa bệnh răng miệng mà còn có thêm phương pháp chăm sóc răng đúng.

6. Đắp “mặt nạ” cho răng

Bạn đừng nghĩ chỉ có làn da mới dùng đến “chiêu” này nhé. Răng miệng cũng cần làm đẹp bằng “mặt nạ” để chúng có thể sáng bóng tự nhiên. Bạn có thể tham khảo một vài cách sau:

– Pha một ít nước cốt chanh với muối chà lên răng, ngậm trong miệng khoảng 2 phút rồi súc miệng bằng nước sạch. Bạn nên thực hiện 2 lần/tuần

– Trộn ½ thìa cà phê soda với một quà dâu tây xay rồi thoa lên răng từ 5-7 phút. Sau đó, làm sạch bằng kem đánh răng.

– Thỉnh thoảng bạn nên đánh răng bằng muối thay cho kem đánh răng để giúp răng chắc khỏe hơn.

Tùy vào cấu trúc răng, bạn có thể chọn loại “mặt nạ” phù hợp. Mặc dù dùng “mặt nạ” có tác dụng làm đẹp răng nhưng bạn tránh dùng “quá liều” vì có thể gây tác dụng ngược cho răng.

7. Tẩy trắng răng

Hàm răng không trắng sáng thường làm nhiều người mất tự tin trong giao tiếp. Vì vậy, tẩy trắng răng được xem là giải pháp hiệu quả giúp bạn loại bỏ những vết ố trên răng, giúp bạn có nụ cười hoàn hảo hơn. Tùy vào mức độ hư hại của răng, bạn có thể chọn cách tẩy trắng răng tại nhà bằng máng tẩy trắng hoặc tìm đến nha sĩ.

Theo Thế giới gia đình

From the same category