7 bí quyết xoa dịu cơn thịnh nộ của chồng

Khi cãi nhau, phụ nữ nên nói “tình” không nên nói “lý”

Đặc tính cố hữu của những trận cãi vã là sự đối đầu giữa “cái lý” của mỗi người, vì thế hai bên ra sức tìm ra lỗi lầm và khuyết điểm của đối phương để tấn công, khiến cho đối phương không có đường để mà rút lui. Vấn đề bạn cần phải biết chính là những tranh cãi về “lý” sẽ gây ra sự tổn thương về tình cảm, về lý mà thắng thì chỉ càng khiến cho đối phương thêm tức giận, càng khiến tình cảm mà đối phương dành cho bạn ít đi mà thôi.

Vì vậy, hãy dùng tình cảm để xử lý mâu thuẫn với chồng, điều này có tính “vun đắp hôn nhân” hơn hẳn so với việc dùng lý lẽ, phản biện hay phân tích ra để cãi nhau với nửa kia.

 

Tôn trọng sự thật, không đổ thêm dầu vào lửa

Mỗi trận đấu khẩu chắc chắn đều có nguyên nhân của nó. Người “biết” tranh cãi là người có thể tập trung vào cách tường thuật lại vấn đề, giúp đối phương hiểu rõ trình trạng và yêu cầu của mình. Còn người “không biết” tranh cãi thường luôn phóng đại để thể hiện sự tức giận của mình. Vì vậy họ thường dùng những tính từ có phần đả kích để kích động đối phương.

Ví dụ như một người đàn ông vì lo cho con cái mà ra sức làm việc, không đoái hoài đến việc giúp đỡ vợ việc nhà. Kết quả là nhà cửa lúc nào cũng bừa bộn, người vợ không thể đảm đương hết một mình. Nếu chàng nghe thấy vợ mình nói “Chồng mình bận quá, lúc nào cũng đầy ắp việc phải giải quyết, rồi thì bao nhiêu tài liệu phải đọc…” thì có lẽ chàng sẽ cảm thấy áy náy và giúp vợ một tay. Nhưng nếu người vợ lớn tiếng mắng mỏ: “Anh lúc nào cũng bừa bộn, tiền thì không kiếm được, vừa mới dọn xong lại bày ra cho vợ dọn!” thì chắc chắn chiến tranh sẽ xảy ra.

Cãi vã là vấn đề “góc độ”, không phải là “thị phi”

Nguyên nhân chủ yếu khiến vợ chồng cãi vã là họ nghĩ rằng chỉ có một đáp án đúng duy nhất. Quan niệm của người đang tranh cãi là “tôi chắc chắn đúng, còn người kia chắc chắn sai”. Nếu như cả hai cùng nghĩ như vậy thì cuộc tranh cãi sẽ không có hồi kết.

Trong thực tế, những mâu thuẫn gia đình và tranh cãi vợ chồng thường không có một đáp án cố định, đơn giản chỉ là vấn đề “góc độ” mà không phải là vấn đề “thị phi”. Người sáng suốt sẽ cố gắng cảm nhận ý nghĩa mà đối phương muốn truyền tải, hoặc tìm ra sự khác biệt giữa hai người nằm ở đâu. Còn ngược lại, người không biết tranh cãi sẽ chỉ tìm cách bác bỏ suy nghĩ của đối phương để chứng minh sự đúng đắn của mình. Nhưng kết quả mang lại là sẽ làm tổn thương cả hai.

 

Người nhận thua trước mới là thượng sách

Tranh cãi là những mâu thuẫn xuất phát từ quan niệm khác nhau của mỗi bên, người trưởng thành sẽ tìm cách tránh gây tranh cãi. Cách tránh né tốt nhất chính là thừa nhận ý kiến của đối phương có lẽ sẽ tốt hơn ý kiến của mình.

Kiểu phản ứng này cần phải có đủ lòng tự tin. Sự nhượng bộ người bạn đời không khiến bạn mất mát, mà còn giúp bạn nhận lại được thứ tốt hơn. Một ông chồng thông minh khi thấy vợ mình nhượng bộ trước sẽ không bao giờ nói “ đã bảo cô sai rồi mà còn không thừa nhận”, ngược lại, sẽ càng tôn trọng vợ mình hơn. Nếu như sau này còn xảy ra cãi vã thì có lẽ cả hai sẽ cùng tự nguyện nhượng bộ trước.

Tuyệt đối không cãi nhau trước mặt người thứ ba

Người trong cuộc thường lôi kéo người thứ ba vào để chứng minh mình là đúng trong cuộc cãi vã với bạn đời. Tìm mọi cách chỉ ra đối phương là kẻ sai lầm, và để lôi kéo về phe mình càng nhiều đồng minh càng tốt. Bạn có biết rằng thói quen này sẽ gây tổn thương rất lớn tới tình cảm vợ chồng, phải hết sức tránh sử dụng nếu không người chịu thiệt nhất chính là bạn đó.

Những người biết tranh luận sẽ hy vọng hai vợ chồng tự đối mặt để giải quyết mâu thuẫn, họ không muốn cãi nhau trước mặt bố mẹ, bạn bè … Các bà vợ lại là người thích tìm chỗ để dốc bầu tâm sự, vì vậy tuyệt đối không nên nói xấu chồng với người khác để gây thêm mâu thuẫn.

Coi cãi vã là chuyện đơn giản, không nên quá hoang mang

Cãi vã trong hôn nhân là chuyện không thể tránh khỏi. Hai con người có nhiều điểm khác nhau về tuổi tác, giới tính, quan niệm hay tính cách… khi còn yêu thì họ còn có cơ hội để giấu nhẹm đi những khác biệt, còn khi đã kết hôn thì sớm muộn gì cũng nảy sinh mâu thuẫn. Nếu chỉ vì chồng mình nổi đóa mà cảm thấy anh ấy lạ lùng như không còn yêu mình nữa, hai người không còn thích hợp sống chung nữa thì bạn đang suy nghĩ tiêu cực đó.

Ngược lại, nếu như bạn quan niệm hôn nhân mỹ mãn là sẽ không xảy ra tranh cãi, vì thế mà lúc nào cũng cố gắng nhẫn nhịn, chịu thiệt thòi để yên bình, để gìn giữ trạng thái hòa bình trên bề mặt thì cũng là một hiện tượng bất thường. Trên thực tế, các cặp vợ chồng nên tranh cãi theo góc độ tích cực. Người biết tranh cãi là người biết những nguyên tắc tranh cãi, tình cảm giữa hai người sẽ tích cực lên và số lần cãi vã cũng sẽ giảm đi.                      

Trong trận đấu khẩu, cả hai đều là kẻ thua trận

Khi vạn bất đắc dĩ phải cãi vã, người biết tranh cãi sẽ biết điểm dừng ở đâu, họ thường không có mục đích phải thắng trong trận chiến này, mà biết để cho chồng một con đường lui, đừng để chồng nghĩ rằng bạn là người phụ nữ đanh đá bất chấp lý lẽ với cả chồng của mình.

Bích Hậu
Biên dịch từ: Eladies

Xem thêm: Khi hạnh phúc không đến từ những điều ngọt ngào



From the same category