6 cách để đối phó với hội chứng tâm lý "Cabin Fever" trong mùa giãn cách - Tạp chí Đẹp

6 cách để đối phó với hội chứng tâm lý “Cabin Fever” trong mùa giãn cách

Sống

“Cabin Fever” là một hội chứng tâm lý gây ra cảm giác bức bối, mệt mỏi, chán chường khi chúng ta phải ở một chỗ quá lâu. Tự cách ly có thể là một thách thức, nhưng vượt qua “cơn sốt Cabin” không gì là không thể nếu như bạn có những suy nghĩ tích cực và lạc quan. 

“Cabin Fever” là một tình trạng phổ biến đối với những người ở xứ lạnh, khi phải đối mặt với những ngày nghỉ đông kéo dài, và thời tiết thì ngày càng lạnh giá. Ngày nay, mọi người trên khắp thế giới đang phải trải qua “cơn sốt Cabin” trong thời gian giãn cách để phòng dịch COVID-19. Nếu một người không thể ra ngoài hít thở khí trời hoặc giao lưu với người khác trong thời gian dài, họ có thể sẽ cảm thấy tự kỷ, bị mắc kẹt, bị khoá kín. Triệu chứng tâm lý tưởng chừng như bình thường nhưng thực chất lại ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất rất nhiều.

Các biểu hiện thường gặp của “hội chứng Cabin” bao gồm khó thức dậy và ngủ nhiều hoặc ngủ không sâu, giảm động lực, tuyệt vọng, cảm giác chán nản, không thể tập trung làm việc, cáu gắt, tức giận, thiếu kiên nhẫn. Nếu gặp phải các dấu hiệu trên, bạn cần học ngay những cách giải tỏa sau đây.

1. Tự tạo niềm vui

Chúng ta cũng như một bông hoa, nếu một ngày không được đón nắng và hít thở không khí trong lành, hoa sẽ khô héo và lụi tàn. Thay vì làm bạn với chiếc giường cả ngày, bạn hãy bắt đầu một buổi sáng bằng cách “tắm nắng” để tinh thần phấn chấn hơn. Trong ngày, bạn có thể tự tạo ra một nguồn năng lượng tích cực, bằng cách làm những gì mình yêu thích như nấu một món ngon, đọc một cuốn sách hay trò chuyện trực tuyến cùng bạn bè.

2. Hãy để cơ thể được vận động

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tập thể dục thường xuyên ít bị lo lắng hơn những người lười. Hoạt động thể chất sẽ giúp làm giảm hormone căng thẳng trong cơ thể bạn. Đồng thời, tập thể dục khiến não tiết ra endorphin, những chất hóa học thần kinh này có thể cải thiện tâm trạng và tăng cảm giác hạnh phúc. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm bản thân thấy thoải mái bằng cách mở một bài nhạc sôi động và nhảy múa theo cách mình thích, vừa giúp thư giãn mà vừa giúp cơ thể được giải phóng.

3. Giữ một tâm trí yên tĩnh

Đôi khi “cơn sốt cabin” thực sự bắt nguồn từ việc bạn bị ảnh hưởng quá nhiều trước những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Để tránh xa những tin tức khiến bạn lo lắng, hãy hạn chế hoặc tạm ngưng tiếp nhận những luồng thông tin gây nhiễu cho tâm trí. Hãy giữ sự cân bằng bằng cách xem thêm các tin hữu ích để vừa giải trí vừa thu nhặt thêm kiến thức. Sự âu lo sẽ không khiến mọi thứ trở nên tốt hơn, thay vào đó, bạn hãy cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi và tận hưởng những niềm vui nho nhỏ xung quanh.

4. Dọn dẹp, sắp xếp lại không gian sống

Ở trong một không gian quá lâu đôi khi sẽ khiến bạn bị ngột ngạt, cũng như nhìn những thứ quen thuộc ngày qua ngày dần dà sẽ làm bạn buồn chán. Nghĩ ra vài ý tưởng làm mới cho ngôi nhà hay căn phòng sẽ là một giải pháp tuyệt vời làm giảm tình trạng căng thẳng, cũng như giúp không gian được thoáng đãng, sạch sẽ, mới mẻ hơn. 

5. Nuôi dưỡng đam mê, sở thích

Hãy sử dụng thời rảnh rỗi để tìm lại những đam mê, sáng tạo mà bạn đã phải tạm dừng vì cuộc sống quá bận rộn. Duy trì sự bận rộn bằng các sở thích thú vị có thể tiếp thêm nguồn năng lượng, khiến thời gian trôi qua nhanh hơn và thêm yêu đời. Dành thời gian cho các hoạt động bổ ích giúp ích cho sự tư duy của não bộ. 

6. Hãy thoải mái với bản thân

Ai cần thời gian để thích nghi với cách sống mới, nên bạn không cần cảm thấy căng thẳng và gây áp lực với bản thân. Nếu có những thời điểm bạn cảm thấy mọi thứ quá sức chịu đựng, hãy nghĩ về hàng triệu người có cùng cảnh ngộ, nếu không phải nói rằng có nhiều người còn đối mặt với những khó khăn lớn hơn. Bạn nên cố gắng thư giãn đầu óc, học cách hài lòng và biết ơn với điều mình có, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, tự động viên chính mình.

Tác giả: Bảo Trân

22/07/2021, 19:00