Cuộc sống hiện đại đã khiến nhiều người lầm tưởng việc cố gắng theo đuổi những mục tiêu cao lớn hay giữ mình theo những tiêu chuẩn hoàn hảo mới là cách để cuộc sống trọn vẹn. Nhưng trên thực tế, học cách yêu bản thân mới chính là bước đệm đầu tiên giúp bạn hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Chúng ta thường cảm thấy dễ dàng khi đánh giá cao điểm mạnh của mình nhưng lại nảy sinh cảm giác phán xét và từ chối khi nói đến những sai sót và thất bại. Điểm yếu, hay sự không hoàn hảo chính là những điều cần được yêu thương. Hãy yêu bản thân bằng việc chấp nhận tất cả đặc điểm thuộc về mình. Sự tự chấp nhận là một thành phần quan trọng đối với sức khỏe tâm lý con người. Nếu không có nó, bạn dễ rơi vào trạng thái tự ti quá mức và luôn ám ảnh về những thiếu sót của mình. Những cảm xúc tiêu cực này sẽ ngăn cản bạn tự hiện thực hóa lý tưởng bản thân và đạt được cuộc sống mà bạn muốn.
Chấp nhận khuyết điểm không có nghĩa là bạn sẽ ngừng phát triển. Đây là lúc để bạn nhìn lại bản thân, hiểu rõ được con người thật của mình. Từ đó tạo môi trường thuận lợi để những điều đó chuyển hóa theo hướng tốt nhất.
Bạn cần dành chút thời gian cho riêng mình, ngay cả khi điều đó buộc bạn phải nói “không” với những người xung quanh. Yêu bản thân bắt đầu bằng việc làm những gì bạn yêu thích hay thậm chí là thử một điều gì mới trong chính không gian của riêng mình. Việc tận hưởng bản thân sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tinh thần của bạn. Chính vì vậy, hãy dành nhiều thời gian hơn để thử trồng một vườn rau nhỏ xinh, tham gia lớp học yoga tại nhà, viết nhật ký, tập làm một món bánh ngọt, học một ngoại ngữ mới,… chắc chắn bạn sẽ tìm thấy nhiều điều thật sự thú vị.
Hầu hết chúng ta đều phải đấu tranh với một “nhà phê bình nội tâm” phản ánh trong những suy nghĩ hàng ngày. Nếu những câu nói “Đồ thất bại”, “Đồ lập dị”, “Mày là kẻ vô tích sự” hay tồn tại trong tâm trí bạn và khiến bạn chán nản, mất tự tin thì đã đến lúc, bạn cần ngồi xuống và học cách độc thoại với “nhà phê bình nội tâm” của chính mình. Hãy yêu bản thân vì con người thật của bạn và tự hào về những điều bạn giỏi. Bạn hoàn toàn làm chủ nó, hãy tập thay đổi những câu nói tiêu cực thành điều gì đó tích cực hơn mỗi ngày.
Nghiên cứu cho thấy việc dành thời gian ở bên ngoài thiên nhiên sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực và làm giảm căng thẳng. Ngoài ra nó còn giúp tăng khả năng sáng tạo và nhận thức của con người. Dành 15 phút hít thở không khí trong lành mỗi ngày sẽ giúp bạn đặt lại trạng thái cân bằng đồng thời mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe. Nếu bạn không thể thường xuyên ra ngoài, hãy thử mang một chút thiên nhiên vào trong nhà, như một chậu cây cạnh cửa sổ, hay thậm chí là một bó hoa nhỏ trên bàn ăn.
Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp giảm bớt trầm cảm và lo lắng, khiến sức khỏe tinh thần của bạn tốt hơn. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Hoa Kỳ chỉ ra rằng những phụ nữ ăn chủ yếu trái cây, rau, thịt, cá và ngũ cốc nguyên hạt ít có nguy cơ lo lắng và trầm cảm hơn những người ăn nhiều thực phẩm chế biến, chiên và nhiều đường. Cùng quan điểm đó, một nghiên cứu năm 2016 với hơn 12.000 người Úc đã có kết luận rằng những người tăng số lượng trái cây và rau quả mà họ ăn cho biết họ hạnh phúc và hài lòng hơn với cuộc sống của mình so với những người vẫn giữ nguyên chế độ ăn.
Theo các chuyên gia, tiền là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng nghiêm trọng. Nếu bạn đang vật lộn với các hóa đơn hàng tháng, các khoản vay cá nhân, tiền nhà, tiền sinh hoạt,… thì điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần bạn. Điều bạn nên làm là lập một kế hoạch tài chính cá nhân cụ thể và chi tiết, nhưng đừng quá khắt khe với bản thân. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng quan sát, theo dõi và chủ động hơn trong mọi vấn đề thu chi. Khi ổn định về tài chính, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy thoải mái và tự do hơn, cuộc sống cũng trở nên hạnh phúc hơn.
Ảnh: Pinterest