6 bài học quản lý tài chính đắt giá đúc kết từ năm 2020

Năm 2020 là một năm với nhiều thay đổi lớn đối với tất cả chúng ta. Nếu năm điên rồ này đã dạy chúng ta bất cứ điều gì, thì đó là không có điều gì là tuyệt đối, không có gì được đảm bảo, mà điển hình nhất là sự ổn định về mặt tài chính. 365 ngày căng thẳng vừa qua đã giúp chúng ta rút ra được những bài học quản lý tiền đắt giá, để luôn sẵn sàng trước những biến động có thể xảy đến.

Linh hoạt với ngân sách và mục tiêu tài chính 

Không còn nghi ngờ gì nữa, linh hoạt chính là từ khóa của năm vừa qua, đặc biệt là khi nói đến quản lý tiền bạc. Hẳn là các mục tiêu ngân sách và tài chính của chúng ta chưa bao giờ thay đổi chóng mặt như vậy mãi cho đến năm 2020 – mốc thời gian mà các tác động của dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập, kế hoạch chi tiêu và những kỳ vọng về khoản tiền tiết kiệm chúng ta đặt ra cho bản thân.

Năm 2020 đã mách cho chúng ta biết rằng sự linh hoạt cũng là một nghệ thuật. Chúng ta không còn có thể bám vào ngân sách chi tiêu đã định cho mỗi tháng, mà nay phải điều chỉnh từng tháng một, hay thậm chí là từng ngày. Việc theo dõi túi tiền là vô cùng quan trọng để đảm bảo rằng mỗi người có thể trang trải tất cả những thứ cần thiết của mình.

Biết rõ từng đồng tiền đi về đâu

Một trong những cảm giác khó chịu nhất là một ngày kiểm tra tài khoản ngân hàng và không biết số tiền vất vả kiếm được đã đi đâu. Ngày nay khi mà chúng ta chuộng thanh toán hầu như các khoản lớn nhỏ bằng thẻ ATM thì nếu không ghi lại, chắc chắn về lâu dài sẽ không biết rốt cuộc đã chi tiền như thế nào.

Theo dõi chi tiêu sẽ giúp bạn tránh việc tiêu xài quá mức và không bị hoang mang mỗi khi rút ví. Bạn có thể dễ dàng mua sắm nhiều hơn dự kiến trong các ngày lễ vì vậy hãy lên danh sách những món đồ thật sự cần thiết để mua trước. Không nhất thiết “vung tay quá trán” trong dăm ba ngày, hãy để các món ít quan trọng hơn mua sau.

Luôn có một khoản dành dụm phòng khi cần đến

Nếu điều bất ngờ đã xảy ra với thu nhập của bạn trong năm qua, thì bây giờ bạn biết tầm quan trọng của việc dành dụm là thế nào rồi. Không có gì được đảm bảo, kể cả tiền lương và đây là lúc tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu. Thật ra, đợi đến khi khó khăn mới tiêu xài dè xẻn cũng không phải khôn ngoan gì, đây chỉ là cách duy nhất để sống sót. Thay vào đó, hãy duy trì thói quen dùng tiền chừng mực và cân nhắc trước mỗi quyết định mua sắm mới là hướng đi lâu dài.

Đừng ngần ngại dùng tiền tiết kiệm khi thật sự cần đến

Chúng ta cảm thấy hào hứng khi khoản tiết kiệm của mình tăng lên từng ngày, và có không ít người chẳng nỡ dùng đến số tiền ấy. Tiền tiết kiệm đúng là rất quý nhưng khi cần để trang trải thêm cho cuộc sống, thì cũng không nên cảm thấy quá khó khăn. Suy cho cùng, bạn tiết kiệm cũng để dự phòng cho những tình huống bất ngờ ập đến. Chỉ cần ổn định được cuộc sống thì sau đó tiết kiệm lại cũng không muộn.

Luôn có nhiều cách để cắt giảm và tiết kiệm hơn

Nếu ai đó từng khẳng định rằng bản thân không thể tiết kiệm thêm nữa thì năm 2020 đã chứng minh khả năng thu vén tiền nong của chúng ta giỏi đến mức nào. Thời thế buộc người ta phải thay đổi để thích nghi, và đặc biệt là sau khi đối mặt với một giai đoạn khó khăn, mỗi người càng khám pha ra những điều họ có thể làm được. Năm vừa qua như một lời tuyên bố đanh thép rằng luôn có cách cắt giảm các loại chi phí không cần thiết để tối đa hóa thu nhập. Loại bỏ các mục tiêu tiền hoang phí không phải là điều gì quá khó, chỉ là chúng ta chưa thật sự nghĩ nghiêm túc về điều này mà thôi.

Ưu tiên đầu tư cho bản thân trước tiên

Chúng ta luôn dùng nhiều tiền để mua sắm những vật ngoài thân, hay tiết kiệm chỉ đơn giản là để không thiếu ăn nếu mất việc dài hạn, hoặc dành dụm tiền để tính toán cho cuộc sống lứa đôi về sau… nhưng lại không nghĩ đến dùng cho chính mình đầu tiên. Đầu tư vào bản thân cũng có nghĩa là chu toàn về thể chất và tinh thần. Hãy đảm bảo luôn dành đủ một khoản tiền nhất định chỉ để phục vụ cho việc chăm sóc bản thân. Hơn tất cả, sức khỏe của bạn mới xứng đáng là hạng mục được đầu tư nhất.


From the same category