Tuyến đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu dậm chân tại chỗ do giải phóng mặt bằng. Ảnh: Minh Tuấn .
Bệnh “chê tiền”
Ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, tổng vốn đầu tư từ ngân sách cho các dự án xây dựng cơ bản của thành phố năm 2012 là 22.844,5 tỷ đồng.
Trong đó vốn đầu tư do thành phố quản lý là 15.533,4 tỷ đồng và vốn do quận, huyện quản lý là 7.311,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 15-11, giá trị giải ngân toàn thành phố mới đạt 11.015,4 tỷ đồng, bằng 66,9% kế hoạch và thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của cả nước (74,7%).
Điển hình là các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất được giao kế hoạch vốn là 249,5 tỷ đồng nhưng giá trị giải ngân mới đạt hơn 59%.
Các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở tái định cư được giao 731,6 tỷ đồng nhưng mới giải ngân đạt 37,1%. Nhiều dự án chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư triển khai rất chậm.
Tính đến hết tháng 10-2012 vẫn còn 64 dự án chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2012; 25 dự án mới chưa khởi công giai đoạn thực hiện.
Cũng theo ông Ngô Văn Quý, hàng loạt công trình trọng điểm đang triển khai với tốc độ… rùa với 41/55 dự án thành phần triển khai chậm tiến độ.
Đáng chú ý, nhiều dự án quan trọng nhưng vẫn chưa xác định được địa điểm như: 2 cơ sở hoả táng ở phía Bắc và phía Nam. Dự án đường vành đai I đoạn ô Đông Mác – Nguyễn Khoái, Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, dự án Sông Tích…dậm chân vì giải phóng mặt bằng.
Một số dự án do thi công kéo dài dẫn đến điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh đơn giá tăng rất lớn như đường 5 kéo dài dự kiến điều chỉnh tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư cũ.
Dự án đường vành đai I và II sử dụng vốn ODA cũng đội vốn lên nhiều, điển hình như dự án tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo có tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng hơn 51.000 tỷ đồng.
Nhiều dự án khác chuẩn bị đầu tư rất chậm như Cung Thiếu nhi, Nhà hát Thăng Long, các dự án khu Hoàng Thành Thăng Long, nhiều bệnh viện.
Ngoài ra, hàng trăm công trình dân sinh tại xã phường, quận huyện bị dậm chân do năng lực điều hành yếu và giải ngân chậm.
Cụ thể như huyện Hoài Đức giá trị giải ngân mới đạt 9,52% kế hoạch; huyện Đan Phượng mới giải ngân đạt 21,42%; Sở NN&PTNT giải ngân đạt 38,4%; huyện Chương Mỹ mới đạt 26,9%; Sở KH&CN mới đạt 16,23%.v.v.
Trách nhiệm chưa rõ
Lý giải nguyên nhân của tình trạng nêu trên, Sở KH&ĐT cho rằng do một số chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến giải ngân kịp thời cho nhà thầu thi công. Một số dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng chưa hoàn thiện thủ tục thanh toán.
Nhiều dự án đắp chiếu vì giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thiếu quỹ nhà tái định cư. Tuy nhiên, về chủ quan, Sở KH&ĐT khẳng định, nguyên nhân gây chậm còn do năng lực của chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn rất yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Phát biểu tại hội nghị nhằm giải quyết các vướng mắc trong giải ngân vốn xây dựng cơ bản sáng qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã phê bình lãnh đạo nhiều quận, huyện, sở, ngành, đơn vị chưa thực hiện tốt chỉ đạo của thành phố. Chỉ còn hơn một tháng là hết năm mà lượng vốn chậm giải ngân lên tới hơn 6.000 tỷ đồng.
“Ở các tỉnh khác, được ngân sách cấp cho một đến hai chục tỷ đầu tư còn khó đằng này Hà Nội tồn đến hàng ngàn tỷ. Không thể chấp nhận năm nào cũng phải điều chuyển hàng ngàn tỷ vốn đầu tư từ năm này sang năm khác trong khi quận, huyện nào cũng xin thêm vốn vào các năm” – ông Sửu nói.
Nhấn mạnh vào những hạn chế cần khắc phục, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, nguyên nhân gây chậm còn do nhiều đơn vị, cán bộ chưa thực sự quyết liệt trong điều hành, triển khai, thủ tục hành chính còn trì trệ và đây là vấn đề cần sớm được khắc phục trong thời gian tới…