5 việc cần làm với “xế yêu” để vi vu chơi Tết

1. Chú ý tới thời hạn các loại giấy tờ

Có hai loại giấy tờ gắn liền với chiếc xe mà bạn cần phải lưu ý là đăng kiểm và bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Chứng nhận đăng kiểm bao gồm cả thời hạn đăng kiểm và thời điểm đóng mức phí đường bộ được dán phía trước kính xe bên phụ. Nếu thời hạn ghi trên đó trùng hoặc gần với dịp Tết thì chị em nên đi đăng kiểm trước (có thể từ bây giờ) để tránh tình trạng quá tải hoặc không làm việc ngày lễ. Việc chạy xe quá thời đăng kiểm (dưới 1 tháng) có thể bị phạt từ 2 – 3 triệu VND và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng (Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã có hiệu lực từ 1/8/2016).

1

Chị em cũng cần chú ý thời hạn của giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự để mua theo đúng thời điểm hết hạn ghi trên giấy. Giấy chứng nhận bảo hiểm này chị em có thể mua ngay tại các cây xăng hoặc các đại lý bảo hiểm khá dễ dàng. Việc điều khiển ô tô mà không mang theo hoặc không có giấy bảo hiểm này có thể bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 VND.

2. Bảo dưỡng xe

Việc bảo dưỡng xe trước Tết là điều hết sức quan trọng để xế yêu đủ “khỏe mạnh” chở bạn trên mọi nẻo đường. Tuy nhiên, chị em cần sắp xếp thời gian để bảo dưỡng chiếc xe của mình càng sớm càng tốt, tránh trường hợp để sát Tết mới vội vàng đưa ra các gara để kiểm tra thì bị từ chối vì quá đông. Một số gara vì khách hàng nhiều mà có thể làm nhanh, làm ẩu khiến chất lượng bảo dưỡng không được tốt. Thời điểm vàng để đi bảo dưỡng xe là trước Tết khoảng 1 tháng.

3

Những hạng mục bảo dưỡng sẽ được các gara hoặc đại lý chính hãng tư vấn nhưng trên cơ bản sẽ bao gồm: nước làm mát, dầu động cơ, phanh, dầu trợ lực phanh, lốp, đèn còi, hệ thống lái, lọc gió, điều hòa, ắc-quy… Chị em cũng cần đưa xe tới những gara uy tín hoặc các đại lý chính hãng để nhận được chất lượng dịch vụ đảm bảo tốt nhất.

8

3. Luôn dự phòng hơn 2 địa chỉ liên lạc cứu hộ

Những sự cố không mong muốn trên đường có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì thế bạn cần chuẩn bị mọi thứ để giải quyết chúng nhanh nhất. Nếu đi xa, hãy tìm hiểu trước cung đường, các điểm cứu hộ xe, cứu nạn trên hành trình. Ngay cả khi di chuyển trong phố, chị em cũng cần bỏ túi trên 2 số điện thoại cứu hộ 24/24 để sử dụng khi cần thiết.

9

4. Làm đẹp cho chiếc xe

Phụ nữ là phải đẹp và chiếc xe của các chị em cũng vậy. Có nhiều cách và mức độ khác nhau để tân trang lại xế yêu của mình. Hãy làm sạch nội thất, xử lý mùi, làm mềm da và thay thế các chi tiết cao su bị lão hóa là những nguyên nhân khiến chiếc xe của bạn luôn có mùi khó chịu. Nên nhớ rằng, bạn hoàn toàn có quyền đổi màu áo (màu sơn bên ngoài) cho chiếc xe của mình bằng cách sơn lại màu yêu thích hoặc “hợp phong thủy” rồi sau đó lên đổi lại đăng ký xe là được.

5

Chị em cũng có thể cá tính hóa chiếc xe của mình bằng cách vẽ, dán thêm các decal, lắp thêm một số phụ kiện đồ chơi (không vi phạm các quy định của đăng kiểm)… để chiếc xe trở nên độc đáo hơn mỗi khi lăn bánh trên đường.

5. Chuẩn bị cho những chuyến đi xa

Với nhiều gia đình, Tết phải di chuyển khá nhiều, sang nhà nội, ghé nhà ngoại, đi thăm họ hàng,… thậm chí có khi phải ngồi trên xe cả ngày, chưa tính tới việc sẽ phải chở thêm khá nhiều đồ đạc khác. Vì thế, chị em có thể trang bị thêm các phụ kiện phục vụ cho những chuyến đi đường dài như nệm hơi hàng ghế sau, giá nóc, box kín trên nóc xe, hộp giữ lạnh, ghế trẻ em, giỏ cho thú cưng… Các trang thiết bị này còn rất hữu ích nếu gia đình bạn tự lái xe đi du lịch xa trong những ngày Tết.


From the same category