Hiện nay, tự tử đang là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 tuổi chỉ sau tai nạn giao thông. Tại sao những người còn trẻ, tương lai rộng mở như vậy, lại tìm đến cái chết? Năm cuốn sách sau đây sẽ giúp bạn trả lời được phần nào câu hỏi đó.
Cuốn sách này hẳn đã quá nổi tiếng khi viết về vấn nạn tự tử ở thanh thiếu niên, nhất là sau khi bộ phim chuyển thể lên sóng. Bảy cuộn băng với mười ba lý do là tất cả những gì cần để lý giải cho cái chết của cô nữ sinh trung học Hannah. Tương tự như bộ phim, cuốn sách đã gây tranh cãi lớn vì nhiều người cho rằng Hannah quá ích kỷ khi vin vào những người xung quanh để tìm đến cái chết; một số khác lại đồng cảm sâu sắc với cô bé. Có lẽ cuốn sách không cổ vũ người trẻ tự tử hay đổ lỗi cho người khác, nó đơn giản là cho người đọc thấy rằng: “Không ai biết rõ về cuộc sống của người khác. Cũng chẳng ai biết hành động của mình sẽ tác động đến cuộc đời người khác như thế nào”.
Violet Marker mười bảy tuổi bỗng trở thành anh hùng, vì cô đã cứu cậu bạn Theodore Finch khỏi nhảy xuống từ chiếc tháp chuông. Sau cuộc gặp gỡ đó, số phận của hai bạn trẻ giao nhau, và để lại những dấu ấn không dễ gì phai mờ mãi về sau này, kể cả với những độc giả đã theo dõi câu chuyện của họ.
Đây là một cuốn sách với ngôn từ và nội dung phảng phất u buồn nhưng tuyệt đẹp, như một bông hoa tuyết rơi vào mùa Đông. Tác giả Jennifer Niven đã viết “Những ngày tươi đẹp” dựa vào kinh nghiệm của chính mình khi trải qua chứng trầm cảm nên nỗi buồn, nỗi đau trong cuốn sách này vô cùng chân thật. Độc giả qua đó hiểu được thế giới nội tâm của những người phải đấu tranh với căn bệnh tâm lý, để có thể khoan dung và cảm thông hơn với họ.
“Bao điều không nói” là bức tranh chân thực đến day dứt về cuộc sống của một gia đình lai Á – Âu vào những năm 70 ở Mỹ. Tổ ấm tưởng chừng hạnh phúc ấy bỗng chốc chao đảo trước sự ra đi của Lydia – cô con gái thứ hai được cưng chiều hết mực. Cái chết của Lydia, tưởng chừng là nút thắt, nhưng hóa ra lại chính là chiếc chìa khóa mở ra những bí mật sâu thẳm trong lòng của mỗi nhân vật.
Viết về hành trình tìm hiểu lý do tự tử của Lydia, cuốn sách dễ khiến người đọc cảm thấy ngột ngạt, nhưng ngôn từ của tác giả lại rất đẹp. Những kì vọng lớn lao, tình yêu thương từ cha mẹ bỗng trở thành áp lực đè nặng lên tâm hồn mới lớn của Lydia. Yêu thương nhưng thiếu đi sự thấu hiểu và sẻ chia, cô bé quyết định tự giải thoát cho chính mình theo cách tiêu cực nhất.
“Rừng Na Uy” là tác phẩm đã đưa Haruki Murakami trở thành một trong những nhà văn hàng đầu Nhật Bản. Cuốn sách kể câu chuyện về chàng trai Watanabe Toru và những mối tình để lại dư âm sâu sắc trong lòng cậu. Những cái chết theo mạch chuyện lần lượt xuất hiện, ban đầu sẽ khiến người đọc ngỡ ngàng, nhưng nó lại vô cùng cuốn hút. Có người tự tử vì bất ổn trong tâm lý. Có người vì những tổn thương không thể che đậy bằng nụ cười mà tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Có người lại cứ thế ra đi, không lý do, không oán thán,…
Murakami đã dựng nên một bức tranh đau đớn về áp lực của tuổi trưởng thành. Trong cái hành trình mà ai cũng phải trải qua ấy, có người may mắn vượt qua được và tiếp tục sống, có những người thì lại không thể.
Cuốn sách kể về Esther Greenwood, cô gái trẻ đang có tương lai xán lạn với công việc thực tập tại một tạp chí danh giá ở New York. Tuy nhiên với bao áp lực từ gia đình và công việc, Esther ngày càng cảm thấy lạc lõng và dần đánh mất mọi hứng thú. Cô bỏ học, bắt đầu tìm cách tự sát, và bị đưa đi chữa trị ở nhiều nhà thương điên.
“Quả chuông ác mộng” đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi của văn đàn thế giới khi nó được xuất bản trước vụ tự sát của chính tác giả chưa đầy một tháng. Những tình tiết, những đau đớn đến cùng cực của Esther được rút ra từ chính cuộc sống của Sylvia với chứng bệnh trầm cảm. Cuốn sách đã khắc hoạ chân thực cách những áp lực và định kiến đè nặng lên tâm hồn một cô gái trẻ. Nó tựa như một chiếc chuông giam giữ người ta, khiến họ không sao thoát ra được.