5 nguyên nhân đẩy năng suất lao động VN xuống đáy - Tạp chí Đẹp

5 nguyên nhân đẩy năng suất lao động VN xuống đáy

Tin Tức

TS Nguyễn Sĩ Dũng: “Chưa sẵn sàng cả về tâm thế lẫn kỹ năng để chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế trí thức”

Biết nhiều việc vẫn tốt hơn

– Theo ông thế nào là một công việc tốt?

– Về cơ bản, công việc tốt, thứ nhất, phải mang lại cho bạn một cuộc sống đàng hoàng, thứ hai, phải mang lại cho bạn sự hài lòng. Tất nhiên, những người giàu có không cần điều kiện thứ nhất lắm. Nhưng số đó ít thôi.

– Để có được công việc tốt, người lao động cần trang bị những kỹ năng gì?

– Cả kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mền. Kỹ năng cứng là thành thạo một nghề nào đó. Kỹ năng mền là kỹ năng hợp tác, xử lý quan hệ…

Thực ra, với những biến động liên tục của thị trường lao động như hiện nay, muốn có công việc tốt cần có kỹ năng tương đối rộng để có thể làm được một vài công việc chứ không chỉ một công việc.

Ngoài ra,  xã hội bây giờ có khá nhiều người làm nghề tự do. Bạn vừa là người lao động, vừa là người sử dụng lao động, vừa là giám đốc, vừa là nhân viên. Trong trường hợp này, nhiều khi bạn chỉ cần học những điều mình thích và làm những việc mình thích. Không ít người sống khá thoải mái với việc làm nghề tự do. Ví dụ, một số nhiếp ảnh gia tự do có đẳng cấp, thương hiệu  vẫn kiếm ra khá nhiều tiền. Ở đây, kỹ năng mềm là phải có quan hệ rộng và phải tạo được danh tiếng.


5 nguyên nhân đẩy năng suất lao động VN xuống đáy

– Cá nhân ông có suy nghĩ gì trước kết quả khảo sát đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: “Năng suất lao động của ta thấp do một loạt nguyên nhân”

– Đó tất nhiên không phải là tin vui. Thấp như vậy làm sao vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”?!.

Có lẽ, năng suất lao động của ta thấp do một loạt nguyên nhân. Trước hết ở việc tổ chức lao động chưa khoa học. Phần nhiều chúng ta vẫn đang quản trị doanh nghiệp theo thói quen và sự tùy tiện. Nhiều khi vì người mà đẻ ra việc, chức chưa chắc đã vì việc mà phải chọn người.

Nguyên nhân thứ hai nằm ở hệ thống đào tạo thiên về việc “dạy lý thuyết bơi, hơn là dạy kỹ năng bơi”. Đây là dấu ấn của mô hình giáo dục Xô-viết. Ta cử nhiều người đi học Liên Xô và chúng ta đã học được mô hình này. Nó có lẽ không xấu, nhưng chỉ tốt quá lâu mà thôi. Chúng ta đào tạo ra những người ngồi trên bờ thao thao bất tuyệt về lý thuyết bơi, nhưng xuống nước thì lại chết đuối.

Thứ ba, người Việt mình thường nhanh, nhưng không sâu. Thấy người khác làm là mình có thể học theo chẳng mấy khó khăn và tự mãn ngay về điều đó. Cuối cùng, cái gì bạn có vẻ cũng làm được, nhưng ít khi có cái gì làm được đến nơi đến chốn. Ta nói năng suất song phải đi với chất lượng.

Thứ tư, chúng ta không có đủ tiền để đổi mới công nghệ.  Muốn tăng năng suất, thì phải có công nghệ mới. Muốn có công nghệ mới, phải có tiền. Và thế là bó tay.com. Chưa nói tới chuyện  có những công nghệ nguồn muốn mua cũng không được.

Thứ năm, áp lực cạnh tranh ở ta nơi có, nơi không. Trong một số lĩnh vực độc quyền như điện lực, xăng dầu… tăng năng suất không bằng tăng giá. Muốn có lợi nhuận bao nhiêu cứ đưa vào giá việc gì phải tăng năng suất cho mệt. Cuối cùng, anh có năng suất lao động cao chắc gì đã có lãi bằng anh có độc quyền?

Cái quan trọng nhưng trường học VN không dạy

– Tính đến cuối 2011, VN có 202 trường đại học, 218 cao đẳng với nhiều ngành nghề đào tạo nhưng lao động VN vẫn bị các doanh nghiệp than phiền và phải đào tạo lại kỹ năng cho họ. Nguyên nhân của nghịch lý này là gì, thưa ông?

– Như đã nói ở trên, nguyên nhân nằm, trước hết, ở việc chúng ta chưa coi trọng đúng mức giáo dục các kỹ năng. Ngoài ra,  “nghệ thuật giết rồng” chiếm tỷ lệ quá cao trong chương trình giảng dạy. “Nghệ thuật giết rồng” là rất cao siêu, nhưng có vẻ như không mấy thiết thực. Công bằng mà nói, một số trường đang cố gắng đổi mới để giáo dục gắn với nhu cầu của thị trường lao động nhiều hơn. Tuy nhiên, phải giành quyền chủ động cho các trường nhiều hơn nữa thì việc này mới chuyển biến nhanh được.

Bên cạnh đó, cầu lớn hơn cung, nên sức ép bắt buộc phải đổi mới cũng chưa đủ lớn. Hàng triệu người có nhu cầu học đại học thì bán sản phẩm giáo dục có vẻ khá dễ dàng, cho dù chúng ta không công nhận việc kinh doanh giáo dục.

Cuối cùng, các DN cũng chưa mặn mà trong việc liên kết đào tạo với nhà trường. Bây giờ họ thường tuyển những người có phẩm chất tốt trước đã, sau mới đào tạo lại theo nhu cầu. Như thế có tốn hơn việc anh kết hợp với trường trong đào tạo không?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: “Một bài văn phá cách có khi lại bị cho điểm 0. Thế thì làm sao giáo dục được tính sáng tạo!”

Nhân nói về phẩm chất, giáo dục ở mình có giúp hình thành và phát triển các phẩm chất không? Không rõ. Ví dụ như tính sáng tạo sẽ được giáo dục như thế nào?

Một bài văn phá cách có khi lại bị cho điểm 0. Thế thì làm sao giáo dục được tính sáng tạo! Cùng lắm chúng ta chỉ đào tạo được kỹ năng học thuộc lòng, thứ ít hữu ích nhất trong thời đại của máy tính, internet và google. “Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra google”. Chẳng có gì phức tạp cả.

Sáng tạo, chấp nhận rủi ro, đeo bám đến cùng, không thỏa hiệp với chất lượng, đức tận tụy,…những phẩm chất rất cần thiết trong cuộc sống và trong cạnh tranh, nhưng chúng ta ý thức được về sự cần thiết phải giáo dục  những phẩm chất này không? Phương pháp giáo dục nào sẽ giúp chúng ta hình thành và phát triển những phẩm chất này?

– Xét về lợi thế cạnh tranh thì lao động giá rẻ của VN có còn tiếp tục là lợi thế?

– Vẫn là một lợi thế, nhưng là một lợi thế không có tương lai. Ta đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Nếu không bán lao động giá rẻ  thì anh không có việc làm. Nhưng bán như thế thì mãi, thì bao giờ mới vương lên được?

Đúng, lao động giá rẻ là một lợi thế. Nhưng đó là một lợi thế đáng băn khoăn. Sẽ tốt hơn nếu là lao động trình độ cao giá cạnh tranh, hơn là lao động giản đơn giá rẻ. Ví dụ như một kỹ sư phần mềm của mình giá rẻ hơn một kỹ sư phần mềm nước ngoài.  Anh kỹ sư sẽ có điều kiện giáo dục con cái tốt hơn. Cứ thế, thế hệ đi sau sẽ khá hơn nữa.

VN chưa sẵn sàng chuyển sang kinh tế trí thức

– Từ khi VN gia nhập WTO, đã có nhiều cơ hội để nhân sự VN ra nước ngoài làm và cũng có nhiều tập đoàn nước ngoài đến VN. Theo đánh giá của ông, nhân sự VN đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế chưa? Làm thế nào để tăng tính cạnh tranh ấy?

Thực chất lao động giá rẻ thì cạnh tranh được. Ví dụ như dân ta đi làm ô-sin, chắc giá ta rẻ hơn họ rồi. Những ô-sin của Phillipines sẽ đòi giá cao hơn vì họ biết tiếng Anh. Tuy nhiên,  không biết, người Việt mình có nên vui mừng vì điều này không?

Rõ ràng muốn cạnh tranh ở đây phải nâng cao chất lượng giáo dục. Mà như vậy thì phải nhanh chóng đổi  mới hơn nữa hệ thống giáo dục. Điều quan trọng là phải có được một đội ngũ lao động có năng lực, đặc biệt là năng lực sáng tạo.

Sáng tạo là một trong những năng lực cạnh tranh quan trọng nhất trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, muốn phát huy năng lực sáng tạo thì các quyền tài sản trí tuệ phải được pháp luật bảo vệ trên thực tế chứ không chỉ trên văn bản. Rủi ro là có vẻ như chúng ta chưa sẵn sàng cả về tâm thế lẫn kỹ năng cho công việc này. Ăn trộm củ khoai còn ngượng, nhưng sao sao chép trộm bài hát thì lương tâm vẫn ngủ yên.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

31/08/2012, 08:15