5 mẹo quản lý tài chính mà các cặp đôi cần biết - Tạp chí Đẹp

5 mẹo quản lý tài chính mà các cặp đôi cần biết

Sống

Quản lý tài chính, hay nói rộng hơn là các vấn đề tiền bạc luôn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ly dị của nhiều cặp đôi trong 5 năm đầu của cuộc hôn nhân. Điều đó cho thấy, việc có cùng quan điểm về tiền bạc không chỉ cải thiện tình trạng tài chính mà còn củng cố mối quan hệ của hai bạn.

Những bất đồng cá nhân về việc ra quyết định tài chính là một trong những lý do chính khiến các cặp vợ chồng kết hôn phải ra tòa ly hôn, kể cả khi điều kiện tài chính của họ khá tốt. Vì vậy, một trong những điều mà các cặp đôi sắp cưới cần minh bạch chính là khả năng và cách quản lý tài chính. Nhất là trong thời buổi cần “thắt lưng buộc bụng”, nguy cơ thất nghiệp cao do dịch Covid19 thì “sức khỏe” tài chính cũng là điều đáng quan tâm.

Tài khoản riêng hay tài khoản chung

Nên xem xét việc có cần thiết duy trì một tài khoản chung hay không. Nếu dùng tài khoản chung và vợ/chồng chi tiêu cho mục đích cá nhân, cần có trách nhiệm giải trình cho đối phương hiểu. Một số cặp vợ chồng cho rằng việc dùng chung tài khoản làm tăng cảm giác gắn bó, đồng thời là cơ hội hiểu thêm về thói quen cũng như sở thích của đối phương. Tuy nhiên, đối với những cặp vợ chồng không quen với điều này thì vẫn có thể duy trì một khoản dự phòng hàng tháng bên cạnh việc quản lý tiền ở hai tài khoản riêng biệt.

Theo dõi chi tiêu

Làm rõ thói quen mua sắm sẽ giúp định lượng khả năng tài chính và đánh giá mức độ ảnh hưởng đến ngân sách chung hàng tháng. Có khá nhiều cặp vợ chồng thường gặp khó khăn khi nói về ngân sách/thói quen chi tiêu của họ với đối phương. Cả hai chỉ có thể theo dõi và thay đổi hành vi tài chính của mình thông qua các cuộc trò chuyện thẳng thắn và phân tích ngân sách, qua đó giảm bớt tình trạng căng thẳng và thất vọng khi cùng nhau quản lý tiền bạc. Đối với các cặp vợ chồng đang có những món nợ lớn, việc thiết lập và tuân theo ngân sách là cách đáng tốt nhất để xóa nợ và lập kế hoạch cho tương lai.

Lập ra các ưu tiên tài chính 

Trao đổi về tài chính là một thách thức vì các ưu tiên của tài chính cá nhân cũng độc nhất với bản thân mỗi cá nhân, và bất kỳ chiến lược tiết kiệm nào cũng phải xem xét nhu cầu và nguyện vọng của cả hai bên để dễ đạt được sự đồng nhất. Nếu người này muốn tiết kiệm cho cuộc sống về hưu, nhưng người kia muốn tiết kiệm để mua ô tô hoặc đầu tư bất động sản, cần có sự cân nhắc từ khả năng tài chính của cả hai bên. Một mẹo là cho dù ưu tiên tài chính là gì, hãy cố gắng duy trì một quỹ khẩn cấp cho các tình huống bất ngờ.

Tiết kiệm 10%

Nghe thì nhỏ nhưng để có thể tiết kiệm ít nhất 10% thu nhập hàng tháng, cả hai bạn cần phải có ý thức thực hiện những điều chỉnh nhỏ nhất. Sau khi thanh toán các hóa đơn và chi phí cố định (điện, nước, gas, tiền thuê nhà…), các cặp vợ chồng nên đóng góp vào quỹ khẩn cấp, đồng thời để lại thêm 10% cho quỹ hưu trí. Càng bắt đầu tiết kiệm sớm bao nhiêu, vợ chồng bạn càng dễ dàng đưa ra quyết định nghỉ hưu.

Quản lý nợ 

Mặc dù về luật pháp, những món nợ trước khi kết hôn sẽ do người mắc nợ trả, nhưng dù gì việc không tồn tại bất kỳ một khoản nợ nào khi hai người về chung nhà cũng sẽ giúp cuộc hôn nhân vui vẻ và thoải mái hơn rất nhiều. Không trung thực về thói quen chi tiêu cá nhân hoặc giấu kín các khoản nợ được coi là “không chung thủy về tài chính” và chắc chắn sẽ phá hủy lòng tin, sự gắn bó giữa hai vợ chồng.

Tác giả: Hồng Vân

28/02/2021, 09:00