5 mẹo đơn giản để có buổi phỏng vấn online thành công

Vốn đã ở hai nền tảng khác nhau, phỏng vấn online và phỏng vấn trực tiếp căn bản đã có nhiều khác biệt. Bạn phỏng vấn tốt khi chạm mặt chưa hẳn đã tốt khi ngồi trước màn hình công nghệ. Vì vậy nằm lòng kĩ năng và “bỏ túi” những lưu ý mới này sẽ rất cần để bạn thành công trong một buổi phỏng vấn online.

Lưu ý: Sau khi đọc xong bài viết này, sẽ có người sẽ phỏng vấn online tốt hơn, sẽ có người không. Điểm khác biệt giữa họ là gì? Hãy đọc đến cuối bài viết để khám phá nhé!

Đại dịch Covid đã thay đổi nhiều thứ trong thị trường lao động. Làm việc giao thoa (hybrid work) trở thành xu hướng chính của 2020 và 2021. Ở đó, giường ngủ và văn phòng chỉ cách vài bước chân; làm việc 8 tiếng/ngày đã là một câu chuyện cũ; công việc từ xa là ưu tiên hàng đầu của cả nhà tuyển dụng lẫn ứng cử viên. Nếu không muốn bị tụt lại, bạn phải thích ứng với những quy chuẩn mới trong một thị trường lao động mới.

Phỏng vấn online chính là một ví dụ cho “quy chuẩn mới”. Nếu bạn từng biết đến khái niệm screening interview (màn hỏi-đáp ngắn thường diễn ra qua điện thoại, dùng để kiểm tra độ phù hợp của một ứng cử viên), thì phỏng vấn online chính là một screening interview phiên bản nâng cấp. Nó dài hơn, khoảng từ 30-45 phút cho một phiên phỏng vấn, và trung bình có khoảng 8-10 câu hỏi được đặt ra. Nó sâu hơn, với ngần ấy câu hỏi trong mốc thời gian như thế, câu trả lời của bạn buộc phải kỹ càng, “đắt” và nhiều thông tin hơn.

Về câu hỏi, phỏng vấn online và trực tiếp hầu như sẽ giống nhau. Tuy nhiên, một buổi phỏng vấn từ xa sẽ có những ưu khuyết điểm và cách chuẩn bị khác với phỏng vấn trực tiếp.

Ưu điểm

Vì không phải đến công ty, phỏng vấn online sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. Ưu điểm quan trọng thứ hai chính là bạn được chọn không gian phỏng vấn thoải mái, tốt cho bạn nhất. Chính đặc điểm này sẽ dẫn đến ưu điểm thứ ba, phỏng vấn từ xa giảm bớt áp lực cho ứng cử viên. Khoảng cách giữa bạn và người tuyển dụng (trong màn hình thiết bị) sẽ gần hơn so với khi phỏng vấn trực tiếp, vì vậy bạn sẽ thấy dễ chia sẻ hơn.


Tuy nhiên, phỏng vấn online vẫn tồn tại nhiều bất cập, chủ yếu là những vấn đề liên quan tới công nghệ.

Khuyết điểm

Một buổi phỏng vấn từ xa sẽ dựa dẫm rất nhiều vào đường truyền internet, chất lượng thiết bị như tai nghe, màn hình, loa ngoài,… Nếu buổi phỏng vấn gián đoạn do lỗi thiết bị, bạn dù muốn dù không vẫn sẽ bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Ngoài ra, video call cho phép hiện cả hai khung hình của nhà tuyển dụng lẫn của bạn cũng là một bất cập. Trong hai năm vừa qua, nền tảng trực tuyến Zoom đã được người dùng báo cáo về chuyện “giảm sút sự tập trung khi cứ nhìn vào khung cam của chính mình”. Khuyết điểm lớn cuối cùng có lẽ sẽ nhắc đến cự li. Khoảng cách thu hẹp tạo không gian gần gũi, nhưng một số người cảm thấy lo lắng và hồi hộp gấp đôi. Một phần là vì họ không quen việc trao đổi ánh mắt với nhà tuyển dụng, và lúng túng khi phải kiểm soát ngôn ngữ cơ thể trong buổi phỏng vấn.

Nắm rõ ưu điểm khuyết điểm sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho buổi phỏng vấn. Và nó có thể tốt hơn nữa khi bạn nằm lòng được 5 mẹo nhỏ dưới đây.

1. Ăn mặc phù hợp

Lời khuyên này đúng với tất cả loại hình phỏng vấn. Ăn mặc đúng tác phong sẽ giúp bạn tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng, khéo léo cho thấy bạn là người chuyên nghiệp, có kỷ luật và ngăn nắp trong mọi thứ. Hãy chọn quần áo phỏng vấn theo 3 tiêu chí sau: 1) Kín đáo; 2) Gọn gàng; 3) Lịch sự. Nên nhớ, một bộ quần áo phù hợp nghĩa là nó mặc đúng nơi đúng chỗ. Đọc lại câu trước một lần nữa nếu bạn đang hỏi: Tại sao bộ cánh này trông đẹp khi diện đi chơi lại không thể diện đi phỏng vấn?

2. Tạo ấn tượng tốt ban đầu

Ấn tượng tốt ban đầu sẽ ảnh hưởng lớn tới kết quả phỏng vấn. Vì sao vậy? Vì ngay cả bạn, một khi có thiện cảm với ai đó bạn sẽ sẵn lòng lắng nghe và đánh giá tốt về họ hơn. Ấn tượng tốt đến chủ yếu từ phần nhìn (visual), nghĩa là chúng sẽ đến từ vẻ ngoài của bạn. Vì vậy, để tạo ấn tượng tốt bạn nên: trông gọn gàng và tươm tất, ăn mặc phù hợp, lưu ý background phía sau.

Nếu phần nhìn là thứ thu hút được ấn tượng, thì thứ giữ lại nó lại thuộc về thái độ, khả năng giao tiếp và sự tự tin. Một mách nhỏ cho bạn chính là hãy tập luyện “small talk”. “Small talk” là những câu hỏi thăm xã giao, có tác dụng như màn dạo đầu để không khí tự nhiên, giảm căng thẳng và tiếp thêm cho bạn nhiều tự tin hơn.

3. “Làm bài tập về nhà”

Chuẩn bị kỹ càng về mặt nội dung quyết định đến 80% kết quả phỏng vấn. Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng cử viên dựa trên 4 tiêu chí sau: kĩ năng nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn, độ phù hợp và định hướng phát triển. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị thông tin chu đáo nhất có thể dựa trên 4 tiêu chí đó. Chẳng hạn, bạn đang tìm kiếm công việc content writer tại một công ty A. Sẽ tốt nếu bạn có được thông tin tổng quát về công ty, nắm được yêu cầu, nhiệm vụ của vị trí ứng tuyển và sẽ tốt hơn nữa nếu bạn phân tích được ưu khuyết điểm liên quan đến content ở công ty đó. Ngoài ra, bạn cũng có thể gạch đầu dòng ít nhất 5 từ khóa trong bảng yêu cầu công việc, khéo léo phô bày kĩ năng và kinh nghiệm dựa trên chúng.

4. Tập trung vào người phỏng vấn

Tập trung vào người phỏng vấn đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời. Bạn nghe rõ câu hỏi hơn, đồng nghĩa sẽ trả lời tốt hơn. Bạn chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của người tuyển dụng, đồng nghĩa bạn có nhiều cơ sở để phán đoán hơn. Bạn có cơ hội giao tiếp ánh mắt với họ, giúp bạn trở nên chuyên nghiệp, thân thiện và tự tin trong mắt người tuyển dụng. 3 lý do trên sẽ thuyết phục bạn dời ánh mắt khỏi khung cam của chính mìn và tập trung 100% vào nhà tuyển dụng.

5. Kiểm tra thiết bị và đường truyền mạng

Yếu tố “sống còn” của buổi phỏng vấn online nằm ở chất lượng thiết bị và đường truyền mạng. Nó không chỉ giúp buổi phỏng vấn trôi chảy hơn, mà còn chứng tỏ mức độ chuẩn bị, sự tỉ mỉ và cẩn thận ở bạn, vốn vô cùng quan trọng trong mắt nhà tuyển dụng. Vì vậy, hãy kiểm tra đường truyền mạng, loa laptop, tai nghe… Nếu có lỗi không thể sửa kịp, hãy báo ngay với nhà tuyển dụng về tình huống của mình để dời lịch hẹn.

Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao bạn với nhiều người tài giỏi khác cùng đọc một bài viết, cùng nghe chia sẻ như nhau, nhưng họ lại thành công hơn bạn không? Chìa khóa nằm ở chỗ, họ thực hành, còn bạn thì không. Vậy nên, để những mẹo trên thực sự công hiệu, hãy áp dụng nó trong buổi phỏng vấn tiếp theo của bạn nhé.


From the same category