5 Local Brand gìn giữ tinh hoa di sản văn hóa các vùng miền trên các tạo tác thời trang bền vững - Tạp chí Đẹp

5 Local Brand gìn giữ tinh hoa di sản văn hóa các vùng miền trên các tạo tác thời trang bền vững

Thời Trang

Local Brand (thương hiệu nội địa), đó không chỉ là sự khẳng định cá tính, phong cách cũng như tuyên ngôn của những người sáng lập, mà nó còn là sự định hình văn hóa thẩm mỹ Việt Nam giữa vô vàn thương hiệu ngoại nhập.

Khoảng 10 năm về trước, “Local Brand” nói chung, đặc biệt là về thời trang, vẫn còn là khái niệm xa lạ đối với người Việt Nam. Do sự chiếm lĩnh thị phần của các mặt hàng quốc tế hoặc hàng hóa sản xuất tự do, nên chưa có nhiều người thực sự để tâm đến việc phát triển các thương hiệu thời trang nội địa. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, thị trường Local Brand tại Việt Nam đã có sự phát triển rõ rệt. Nó dần trở thành xu hướng may mặc được giới trẻ quan tâm đầu tư hơn. Và với sự cởi mở trong tư duy sáng tạo, các Local Brand không còn “đóng khung” hình ảnh với phong cách đường phố hay những chiếc áo phông in họa tiết đơn thuần nữa. Ngày nay, nói đến Local Brand, giới mộ điệu có thể tự hào nghĩ đến những thiết kế riêng, độc bản, mang đậm dấu ấn cá nhân với sự đa dạng trong phong cách lẫn chất liệu.

Thị trường thời trang Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với vô vàn Local Brand bao gồm đủ mọi phong cách: trẻ trung và năng động; thanh lịch và sang trọng; cá tính và phá cách; hay retro và cổ điển,… Và chắc chắn không thể không nhắc đến những thương hiệu sử dụng yếu tố văn hóa dân tộc làm nguồn cảm hứng thiết kế. Bằng tình yêu và sự tôn trọng dành cho nền văn hóa truyền thống, các NTK trẻ đang từng bước đem nét đẹp đậm chất Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, góp phần duy trì và bảo tồn tinh hoa lịch sử dân tộc.

KILOMET109 – Thời trang bền vững song hành cùng nét đẹp nước Việt

109 km, đó là khoảng cách giữa quê hương Thái Bình của NTK Vũ Thảo – người sáng lập thương hiệu – đến mảnh đất Hà Nội, nơi cô lựa chọn để hiện thực hóa ước mơ của mình. Đó là ước mơ gìn giữ và sáng tạo dựa trên những chất liệu tự nhiên, là ước mơ có thể nâng tầm nghề thủ công may mặc của người dân tộc sánh ngang với thời trang hiện đại.

Từng xuất hiện trên The New York Times, CNA, CNN và Vice, KILOMET109 chinh phục giới mộ điệu bằng những thiết kế mang tính độc bản, đa năng, tối giản mà vẫn đậm chất dân tộc. Mỗi bộ trang phục của thương hiệu đều được làm từ các chất liệu thiên nhiên như gai dầu, rễ khoai lang, tơ chuối và sử dụng kĩ thuật nhuộm màu truyền thống của người Nùng, Thái, Mường,… Kiểu dáng trang phục được lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của các dân tộc ít người, sau đó biến tấu khéo léo để phù hợp với tinh thần thời đại. Đặc biệt, quá trình sản xuất của KILOMET109 có sự tham gia của các nghệ nhân và thợ thủ công bản địa, nên mỗi sản phẩm đến tay khách hàng đều là phiên bản hoàn hảo và được chăm chút kỹ lưỡng nhất.

Leinné – Tạo tác cao cấp từ kỹ thuật thủ công lâu đời

Dù mang cái tên đậm âm hưởng Pháp nhưng Leinné lại là một thương hiệu thời trang bền vững được thành lập trên nền tảng một xưởng làm nón gia đình thủ công hơn 25 năm tuổi ở Sài Gòn. Thương hiệu được tạo ra với mục đích mang sự khéo léo của thủ công Việt Nam vào các thiết kế và phát triển mục tiêu bền vững thông qua những chất liệu kể câu chuyện về mảnh đất hình chữ S. Kết hợp giữa phong cách hiện đại của các nhà thiết kế và bàn tay tỉ mẩn của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, Leinné đem đến cho khách hàng những mẫu nón và túi không chỉ có tính thẩm mỹ, mà còn rất bền bỉ với thời gian.

Các sản phẩm của Leinné được làm từ chất liệu thân thiện với môi trường như sợi raffia tự nhiên có thể hòa tan vào đất, hay vải lụa, lanh được đan tay từ những làng nghề thủ công trên khắp mọi miền Việt Nam. Mỗi chi tiết tinh tế của sản phẩm đều được tạo nên bởi bàn tay khéo léo, nhẫn nại của những người thợ thủ công lành nghề, đã đồng hành cùng thương từ những ngày đầu thành lập.

Hanoia – Dựa vào người thợ thủ công để tạo nên ngôn ngữ sơn mài mới

Hanoia ra đời năm 1997 tại tỉnh Bình Dương – một trong những “thủ phủ” của sơn mài Việt Nam từ thế kỷ XIV. Kế thừa tinh hoa của nghề thủ công truyền thống, một nhóm nhỏ các nghệ nhân Việt cùng các nhà thiết kế nước ngoài, đã khởi nghiệp từ việc thiết kế 2000 đôi guốc sơn mài. Công việc kinh doanh này đã rất thành công ở châu Âu trong suốt 3 mùa liền. Năm 2002, họ chuyển sang chế tác phụ kiện thời trang cao cấp cho các nhà mốt có uy tín ở châu Âu và mối quan hệ hợp tác này đến nay vẫn còn tiếp diễn.

Với tôn chỉ “dựa vào người thợ thủ công và các nhà thiết kế để xây dựng cho mình một ngôn ngữ sơn mài mới”, Hanoia đem đến những sản phẩm đa dạng, hướng tới phân khúc thị trường cao cấp với đồ lưu niệm, đồ trang trí nội thất và thời trang. Thương hiệu thể hiện sự tôn vinh truyền thống sơn mài Việt Nam thông qua những chất liệu thuần Việt, những hoạt tiết biểu trưng cho một vùng văn hóa Á Đông được tạo tác tỉ mỉ. Ngoài ra, Hanoia còn gây ấn tượng với giới thời trang khi sử dụng lụa Lãnh Mỹ A vào các sản phẩm thiết kế của mình. Không chỉ áo khoác, đầm hay chân váy, mà Hanoia còn tạo ra những chiếc túi được làm từ loại lụa nổi tiếng này. Kỹ thuật thủ công tinh xảo đã góp phần tạo nên những phom dáng trang phục cân đối hoàn hảo, những nếp gấp uyển chuyển bắt mắt, và những đường may cầu kỳ tinh tế.

theMay – “Dệt” hoa văn thổ cẩm trên trang sức, tại sao không?

Từng làm việc tại nước ngoài, Vũ Thị Thanh Vân nhận thấy nhiều nước đã ứng dụng các họa tiết dân tộc vào rất nhiều sản phẩm – điều mà Việt Nam vẫn chưa thực sự làm được. Nhìn ra tiềm năng lớn từ những họa tiết thổ cẩm của các dân tộc thiểu số, cũng như mong muốn tôn vinh nghề dệt truyền thống, vào giữa năm 2019, bất chấp sự phản đối của gia đình, cô gái sinh năm 1993 từ bỏ công việc tại Nhật và về nước để bắt đầu xây dựng nên theMay.

Tại theMay, các họa tiết thổ cẩm không được dệt trên vải, mà chúng được tạo tác thành những món trang sức độc đáo mang đậm tinh thần dân tộc. Thanh Vân đã hợp tác với các nghệ nhân từ làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp của người Chăm (Ninh Thuận) và người Ba Na (Gia Lai) để đưa các mẫu hoa văn đặc trưng nhất của họ vào thiết kế. Từ đó mà những chiếc vòng, những đôi hoa tai mang họa tiết mắt gà, chân chó của người Chăm và họa tiết rau dớn, lập thể của người Ba Na đã ra đời. Được làm thủ công từ những loại vải dệt đầy tâm huyết của người dân bản địa, các sản phẩm của theMay đưa khách hàng đi qua nhiều chặng đường văn hóa, để cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp truyền thống đa dạng của Việt Nam.

Great Vietnam – Nỗ lực phục dựng tinh hoa cổ phục Việt

Dù chỉ mới ra đời từ năm 2019 nhưng Great Vietnam nhanh chóng trở thành cái tên quen thuộc đối với cộng đồng đam mê cổ phục. Tháng 7 năm nay, Great Vietnam đã tổ chức ngày hội “Bách hoa bộ hành” với sự tham gia của 5 đơn vị gồm Hoa Niên, Thủy Trung Nguyệt, Đông Phong, Đại Nam Chân Ảnh, Quê Cực, nhằm giới thiệu các bộ trang phục truyền thống tại không gian phố cổ Hà Nội. Thương hiệu được sáng lập bởi chính những bạn trẻ yêu thích văn hóa và muốn lưu truyền vẻ đẹp của cổ phục Việt một cách chuẩn xác nhất. Ba thành viên chính của nhóm là Vũ Đức (28 tuổi) và Trương Tuấn Anh (33 tuổi) sẽ chịu trách nhiệm về thiết kế trang phục; và Đoàn Thành Lộc (36 tuổi), là người cung cấp kiến thức chuyên môn, đảm bảo tính chuẩn xác của trang phục.

Với mong muốn nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về cổ phục, Great Vietnam luôn nỗ lực đảm bảo các thiết kế được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, được chăm chút cẩn thận từ hoa văn, họa tiết cho đến kiểu dáng. Cổ phục của Great Vietnam dễ dàng nhận diện bởi nét tỉ mỉ, tuân thủ kiểu dáng và lối nhuộm vải xưa. Ngoại trừ những công đoạn yêu cầu các vật liệu hiện đại như thiết kế, in ấn, may vá,… thì với những kỹ thuật như thêu thùa, chạm khắc, dệt vải, nhóm sáng tạo sẽ tìm đến sự trợ giúp từ những làng nghề truyền thống danh tiếng như Vạn Phúc, La Khê, Bưởi, Nha Xá, Nam Cao,…

Tác giả: Vũ Thảo

28/09/2022, 07:00