5 gợi ý tài chính không thể bỏ qua nếu muốn có một đời sống lứa đôi hạnh phúc

Thế giới của hai người yêu nhau vốn đã không đơn giản, nay về chung một nhà lại càng phức tạp hơn khi phải tìm cách dung hòa cuộc sống chung, và một trong số những vấn đề nhức nhối dễ khiến một cuộc hôn nhân tan vỡ nhất là câu chuyện tiền bạc. Những gợi ý tài chính thông minh sau đây sẽ giúp các đôi vợ chồng có cái nhìn thấu suốt hơn về cách quản lý tài chính.

1. Tiền bạc là vấn đề chung của hai vợ chồng

Tại sao? – Nếu bạn hoặc nửa kia bị bệnh, thất nghiệp hoặc ly hôn, cả hai cần biết số tiền đang ở đâu. Ngay lập tức hãy nghĩ rằng: “Hai cái đầu luôn tốt hơn một khi nói đến tiền bạc, ngay cả khi một trong hai người ít kinh nghiệm”, Janet Bodnar, chuyên gia tài chính, Phó tổng biên tập Tạp chí Tài chính cá nhân, tác giả cuốn sách “Tài chính thông minh cho phụ nữ” chia sẻ.

Cần làm gì? – Ít nhất, bạn cần 15 phút mỗi tuần để nói với nhau về việc chi tiêu trong gia đình hết bao nhiêu và cho những gì. Nếu không có gì khó khăn, hãy giữ lại những hóa đơn mua sắm, hóa đơn thanh toán điện – nước… Đồng thời bạn cũng cần có một bản tính toán của riêng mình về ngân sách hàng tháng. Sự đối chiếu sẽ giúp bạn biết tiền của mình đang chi tiêu đúng hoặc cần phải thay đổi gì không.

Bạn cần làm điều này với chồng để cả hai minh bạch, thống nhất. Nhiều phụ nữ khi cùng ngồi lại với chồng đã nhận ra rằng mình là người thực hiện nhiệm vụ chi tiêu phần lớn nhưng chồng lại là người quản lý ngân sách tổng thể mà họ không thấy rõ các hóa đơn hàng tháng. Đây cũng là một hạn chế trong việc phân công tài chính giữa hai vợ chồng.

2. Phân chia rõ ràng tài khoản “của chúng ta”, “của anh”, “của em”

Tại sao? – Tham gia kiểm tra tài khoản là một cách thông minh và dễ dàng để chia sẻ việc ai phải thanh toán chi phí những gì, chẳng hạn như: thuế, tiền sinh hoạt hàng ngày, dịch vụ cho con cái… Đây là điều nên làm cho dù bạn thu nhập nhiều hơn người kia hoặc bạn thất nghiệp, thu nhập chỉ trông vào một phía. Ngoài ra, cả hai nên có những tài khoản riêng cho mình. Đó có thể là một khoản nhỏ và không ai cần thiết phải kiểm tra, dò hỏi nửa kia. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn là bà nội trợ ở nhà, vì tất nhiên bạn chẳng muốn sẽ nhận trợ cấp từ chồng và phải liên tục biện minh cho việc mình chi tiêu những gì.

Cần làm gì? – Tham gia đóng góp vào tài khoản chung mỗi kỳ lương và tách riêng khoản nhỏ cho riêng mình. Tuy vậy, cần chắc chắn rằng các khoản này sẽ được tách bạch. Tất nhiên, bạn sẽ không được lấy tiền chi phí sinh hoạt hàng ngày cho việc cà phê cùng bạn bè, mua sắm…

Vì vậy, nếu chồng bạn không thể từ bỏ thói quen chơi golf, đá banh cuối tuần, cà phê mỗi sáng cùng bạn bè chẳng hạn, bạn hãy nhẹ nhàng mọi chuyện đi. Vì anh ấy đã có tài khoản cho việc này và bạn không cần quan tâm nhiều đến nó nữa vì bạn đã có những quy định thống nhất về việc “của anh”, “của em” và “của chúng ta”.

3. Bảo vệ ý kiến tài chính của mình

Tại sao? – Nếu bạn có kinh nghiệm kiểm soát tài chính xuất sắc trước khi kết hôn, hãy cứ duy trì nó. Bạn đang có một thẻ tín dụng và tự tin về việc sử dụng nó? Bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó cho riêng mình.

Phải làm gì? – Hãy luôn giữ thẻ tín dụng mang tên bạn. Tài khoản này giúp bạn duy trì sự tự chủ về tài chính. Chẳng vấn đề gì nếu chồng bạn tò mò và muốn có một bản sao tài chính nếu bạn chi tiêu trong khả năng của mình, không ghi nợ. Bạn đời của bạn hẳn sẽ không thêm tên của bạn cho những tài khoản mới nếu trong quá khứ đã phải chi trả cho bạn quá nhiều. Luôn kiểm soát tốt và trả nợ đúng hẹn, bạn sẽ hoàn toàn tự tin về khả năng bảo vệ tài chính của mình.

4. Bảo hiểm sức khỏe cho cả hai vợ chồng

Tại sao? – Người phụ thuộc vào thu nhập của bạn chính là lũ trẻ. Người thanh toán các chi phí sinh hoạt là bạn. Đối tượng cần bảo hiểm là bạn và nửa kia. Bảo hiểm nhân thọ được thiết kế để giúp chi trả các chi phí sinh hoạt gia đình cho đến khi con của bạn 18 tuổi. Bảo hiểm nên được sử dụng phòng trường hợp cha mẹ không có khả năng làm việc hoặc bị đau bệnh.

Phải làm gì? – Cả bạn và nửa kia đều cần được bảo hiểm nhân thọ. Nếu bạn đang ở nhà, bảo hiểm nhân thọ sẽ không thay thế một khoản thu nhập nhưng việc có nó cũng rất quan trọng. Nếu có chuyện gì đó không may xảy ra với bạn, bảo hiểm sẽ chi trả cho bạn số tiền cần thiết để chăm sóc con trẻ. Hãy tham khảo các kênh bảo hiểm và lựa chọn cho mình một kênh thích hợp.

5. Tiết kiệm hưu trí cho con học đại học

Tại sao? – Điều này rất hữu ích nếu bạn về hưu khi con chưa bước vào ngưỡng cửa đại học. Những lo lắng về việc làm thế nào đủ chi phí giáo dục cho con sẽ nhẹ gánh hơn khi bạn có những chuẩn bị trước khi về hưu. Hãy sắp xếp lại các ưu tiên của hai vợ chồng.

Phải làm gì? – Nếu cả hai vợ chồng đang làm việc, hãy dành ra 15% thu nhập trước thuế của bạn tại nơi làm việc cho kế hoạch nghỉ hưu. Đặc biệt nếu công ty cung cấp các quỹ phù hợp. Nếu số tiền này chiếm hơi nhiều so với tình hình tài chính gia đình bạn, đừng vội hoảng sợ. Hãy bắt đầu bằng một tỷ lệ phần trăm nhỏ hơn. Ngay cả khi bạn đang là bà nội trợ ở nhà, bạn vẫn có thể dành khoản riêng cho tiết kiệm hưu trí và hỗ trợ con học đại học sau này.


From the same category