5 gạch đầu dòng sau khi xem xong “The 8 Show”

Được gắn mác hài đen, kinh dị, bạo lực, “The 8 Show” vẫn vượt qua hàng loạt đối thủ ra mắt cùng thời để trở thành siêu phẩm chốt hạ nửa đầu năm 2024 của màn ảnh Hàn. Thế nhưng các mọt phim có nhận ra 5 bài học ý thú vị từ series này?

“The 8 Show” thuộc thể loại hài đen kinh dị, gồm 8 tập được phát hành từ giữa tháng 5. Ban đầu, phim có tựa là “Money Game”, được sản xuất dựa trên bộ webtoon cùng tên và phần tiếp theo của nó là “Pie Game.” Phim mang đến câu chuyện về tám người xa lạ với số phận khác nhau, tuy nhiên, cùng bị đẩy đến tình thế bí bách trong cuộc sống. Họ tham gia một trò chơi và bị buộc phải hợp tác hoặc đối kháng lẫn nhau nhằm thoả mãn nhu cầu giải trí của giới tài phiệt.

Tám người được đưa vào một khu dân cư tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Tại đây, họ có thể bán thời gian của mình để lấy tiền – mà thực chất là để mua vui cho những kẻ ẩn danh sau hệ thống máy quay chằng chịt. Khu nhà được chia thành tám tầng, đại diện cho tám kiểu người điển hình trong xã hội Hàn Quốc. Theo đó, số tiền quy đổi từ thời gian của mỗi người chơi là khác nhau, có xu hướng giảm dần từ tầng cao nhất.

Việc phân chia tầng lớp khiến “The 8 Show” trở thành một xã hội thu nhỏ, nơi những ai sống ở tầng lớp cao được hưởng nhiều đặc quyền hơn. Ví dụ, kích thước phòng của người chơi sẽ nhỏ dần từ tầng 8, ngay cả khẩu phần ăn cũng được phân phát theo thứ tự từ trên xuống. Tức là những ai ở càng cao thì càng có nhiều lợi thế, trong khi người ở tầng thấp chỉ có thể trông đợi sự san sẻ (nếu có) từ tầng trên. Trật tự này khiến các người chơi dần mất đoàn kết và chia làm hai phe, bất chấp giằng co để giành quyền lợi cho mình.

Xuyên suốt câu chuyện xung đột trong “The 8 Show”, nơi những kẻ đàn át và bị đàn át liên tục đối kháng lẫn nhau, đoàn làm phim đã cài cắm nhiều thông điệp về sự bất bình đẳng trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, tạm gác lại những lý thuyết vĩ mô về nhân quyền, dưới đây là 5 bài học cuộc sống ý nghĩa mà chúng ta có thể học hỏi từ loạt phim ăn khách này.

1. Thời gian là vô giá

Cách nhìn nhận về thời gian với mỗi người chơi trong “The 8 Show” là không giống nhau. Nếu những “kẻ thống trị” ở tầng trên muốn kéo dài trò chơi đến vô tận, để được tận hưởng cuộc sống an nhàn, thoải mái và có thêm nhiều tiền, thì những “kẻ bị trị” ở tầng dưới chỉ muốn kết thúc trò chơi khi họ tích góp được khoản tiền vừa đủ. Thế nhưng, sau một cuộc “cách mạng lật đổ tầng lớp thống trị”, hội người tầng dưới những tưởng có thể yên ổn kết thúc trò chơi, thì một người trong số họ lại không bằng lòng và tìm cách kéo dài thời gian để kiếm thêm nhiều tiền.

“The 8 Show” hay ở chỗ nó cường điệu được cái giá của việc bán thời gian. Rõ ràng, thời gian là vô giá, không một khoản tiền nào có thể mua được. Việc bán đi thời gian không khác gì là bán đi vận mệnh của chính mình. Vận mệnh ấy trong “The 8 Show” được phơi bày ở hai khía cạnh: nhân tính và tính mạng. Nếu những người chơi như Se Ra (Chun Woo Hee) ở tầng 8 và tay chơi bóng chày ở tầng 6 (Park Hae Joon) đánh mất nhân tính khi tận hưởng sự sung sướng của trò chơi, thì gã diễn viên xiếc tầng 1 phải trả một giá quá đắt khi nhận ra sự khắc nghiệt của nó. Tóm lại, không ai chỉ được mà không có mất.

2. Con giun xéo lắm cũng quằn?

Ở tập 5 của “The 8 Show”, cư dân ở tầng 1, 2, 3 và 5 đã bị các tầng trên đàn át. Họ trở thành nạn nhân của nhiều trò quái đản và chịu nhiều thương tích nghiêm trọng. Jin Su (Ryu Jun Yeol) ở tầng 3 đã từng mơ về sự phản kháng của phe yếu thế, nhưng giấc mơ của anh nhanh chóng bị dập tắt trong lần đầu. Ngay sau đó, anh rút ra kết luận “Khi bị bắt nạt quá lâu, ta sẽ hoàn toàn khuất phục.” Tuy nhiên, thế cuộc đã thay đổi khi hội người tầng dưới trở nên đoàn kết và tìm cách lật đổ hội tầng trên. Kế hoạch thành công với một chút tác động từ Yoo Phillip ở tầng 7.

Chi tiết này cho thấy sự thật rằng, trước sự đàn át, việc người ta chịu khuất phục hay không chỉ là một lựa chọn. Thêm vào đó, cuộc đấu tranh phản giai cấp không chỉ dành riêng cho những người bị thua thiệt. Nếu đạo diễn Yoo Phillip (Park Jeong Min) ở tầng 7, đại diện cho giới tinh anh, chọn đứng về những người yếu thế để giúp đỡ họ – thì Kim Yang (Lee Yul Eum) ở tầng 4, là người lao động phổ thông, lại chọn xu nịnh phe thống trị để được an toàn. Nghịch lý này đến từ sự khác biệt về giá trị quan chứ không phải là trật tự xã hội.

3. Chỉ chúng ta mới cứu được chính mình

Jin Su, một dân lao động gánh khoản nợ lên đến 900 triệu won, từng muốn tìm đến cái chết để kết thúc cuộc đời thất bại của mình. Trò chơi mang tên “The 8 Show” tưởng chừng cứu rỗi số phận của anh nhưng thực chất lại đẩy anh đến tuyệt vọng hết năm lần bảy lượt. Dù trong đời thực hay trò chơi, sự thất bại của Jin Su đều xuất phát từ việc anh luôn phó mặc số phận cho người khác. Những cư dân ở tầng 1, tầng 2 và tầng 7 đều là người mà anh có thể nhờ cậy, trong khi chính anh thì không. Jin Su chưa bao giờ đặt niềm tin vào bản thân.

Ban đầu, Jin Su có quan hệ khá tốt với Yoo Phillip. Anh xem Phillip là đồng minh trong cuộc chơi. Song, anh không bao giờ biết chính Phillip đã bỏ phiếu để anh là người giữ rác thải của khu dân cư. Ngay cả khi Phillip đứng về phía những kẻ bắt nạt, Jin Su cũng chỉ có thể thốt lên “Bởi người ta mới nói đừng bao giờ tin mấy đứa đeo kính.” Thái độ yếu nhược khiến Jin Su hết lần này đến lần khác rơi vào bế tắc, và bóng tối chỉ dừng lại khi anh chủ động nổi dậy cùng những người khác. Kỳ thực, chỉ Jin Su mới đủ khả năng cứu được chính mình.

4. Im lặng, thỉnh thoảng cũng có nghĩa là đàn áp

Trong tập 6, khi hội cư dân tầng dưới lật đổ được phe thống trị, Jin Su đã chất vấn Yoo Phillip vì anh tiếp tay cho kẻ khác đàn áp hội Jin Su. Trước tình huống này, đạo diễn Yoo không hề có lấy một lời biện giải. Thậm chí khi Jin Su đề xuất những ý tưởng có lợi cho Phillip, rằng “Anh muốn gợi ý cho bọn tôi phải không?”; “Nói gì đi! Rằng anh không có sự lựa chọn, nên anh đã đợi thời cơ để giải cứu bọn tôi.” – Thì Phillip vẫn không chối bỏ sai lầm của mình, anh một mực đáp: “Tôi xin lỗi. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi xin lỗi.”

Dù bản chất của Phillip không xấu, nhưng đối mặt với những tình huống khó khăn, anh vẫn đặt lợi ích của mình lên trên. Có thể nói rằng, sự im lặng và bàng quan của anh lúc này cũng góp phần khiến tầng lớp “bị trị” phải nằm gai nếm mật suốt thời gian dài.
5. Đừng bao giờ vứt bỏ nhân tính

Dù bị những người chơi ở tầng trên đàn át đến cùng cực, nhóm người ở tầng dưới vẫn cảm thấy rối bời và không biết nên trả đũa ra sao khi thắng thế. Điều đầu tiên cả hội cùng làm là tụ họp ở phòng Se Ra tầng 8 để ăn uống thoả thích. Sau đó thì sao? “Trả thù chị ta đi! Thoả mãn ham muốn hay gì đó. Muốn làm gì thì làm, cứ thử đi! Chị ta đâu thể phản kháng.” – Người chơi tầng 2 thôi thúc Jin Su làm bất kỳ điều gì để hành hạ Se Ra. Tuy nhiên, Jin Su đã bỏ cuộc. Cuối cùng, người nọ nhắc nhở đồng đội rằng “Hãy rời khỏi đây khi vẫn là con người!”

Sở dĩ hội cư dân tầng dưới còn giữ được nhân tính là vì họ vẫn để mắt đến nhau, còn lên tiếng phản đối việc làm không chính đáng. Đây cũng là lý do khiến cả bọn đồng ý thoả thuận kết thúc trò chơi – dù một người ngấm ngầm không muốn. Lúc này, Jin Su cũng đã chán ngấy cuộc sống trong khu dân cư ngột ngạt, anh tự nhủ “Mình muốn nhìn thấy bầu trời thật sự.” Chuyện trở nên thú vị hơn khi một người trong hội đã vứt bỏ nhân tính và lén lút ngược đãi phe đối thủ, cái giá phải trả cho cả hội là bị lật đổ và một lần nữa bị tra tấn dã man.

“The 8 Show” có sự tương đồng với một tác phẩm điện ảnh của Tây Ban Nha, “The Platform” (2019), về chi tiết treo thưởng và chia khẩu phần từ tầng cao nhất đến tầng đáy. Sinh sau đẻ muộn, phim cũng không tránh khỏi đươc so sánh với series “Squid Game” (2021) cùng đề tài. Bên cạnh những lời khen về nội dung lẫn diễn xuất của dàn sao, phim cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều khi chưa thể hiến sự vượt trội hơn hai tựa phim trên. Song, nếu nhìn nhận “The 8 Show” một cách độc lập, đây hiển nhiên vẫn là một series mang lại nhiều thông điệp đáng cân nhắc.


From the same category