5 dấu hiệu làn da bị thiếu chất

Thiếu vitamin A: Da bị ngứa, xù xì


Ngoài tác dụng tốt cho mắt, vitamin A còn kích thích khả năng tái sinh tế bào da, chống lại sự lão hóa và sự teo đi của da khô. Vitamin A đồng thời còn điều hòa sự bài tiết chất nhờn và ngăn chặn quá trình khô da, chống lại sự hình thành lớp sừng trên da, bảo vệ da khỏi các tác hại của các tia tử ngoại… Thiếu vitamin A sẽ làm cho da bị ngứa, khô, tróc vảy, xù xì. Da bạn nhanh chóng bị kém mượt mà do các tuyến nhờn hoạt động kém đi, da bị thô ráp và xỉn màu.

Chống thiếu vitamin A bằng cách ăn các thức ăn như: gan cá, gan động vật, bơ, lòng đỏ trứng, cà chua, cà rốt, rau có màu xanh thẫm, khoai lang, bí đỏ, đu đủ, gấc… 

Thiếu vitamin C: Da bị xuất huyết

Vitamin C có tác dụng tổng hợp chất collagen giúp da không bị nhăn, xệ, mà còn trực tiếp tránh cho da khỏi bị khô. Vitamin C cũng tham gia điều hòa sự tiết chất nhờn của tuyến nhờn trên da, ngăn chặn các vết đồi mồi hình thành trên da.

Thiếu vitamin C là hiện tượng thường gặp nhất ở những người già trên 55 tuổi, người hút thuốc lá, nghiện rượu, người lao động nặng, ăn uống thiếu rau xanh và trái cây…; làm cho các thành mạch máu kém bền vững, dẫn đến xuất huyết ở dưới da và ở niêm mạc lợi răng.

Muốn tránh việc thiếu vitamin C, bạn cần ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Thiếu vitamin B: Da bị tróc vảy

Vitamin B bao gồm các loại B1, B2, B3, B5, B6, B7. Mỗi một loại có tác dụng khác nhau đối với làn da mụn. Vitamin B1 đóng vai trò loại bỏ độc tố và gốc tự do, cải thiện quá trình lưu thông máu. Trong khi đó, Vitamin B2 hay riboflavin rất quan trọng cho sức khỏe của da. Vitamin B3 hoặc niacin thúc đẩy làn da khỏe mạnh, cải thiện lưu thông và chuyển hóa carbohydrate, chất béo, protein.

Cơ thể không được cung cấp đủ vitamin B2 sẽ gây ra sự rối loạn ở các tuyến nhờn trên da, làm cho da khô, tróc vảy mỏng, đặc biệt là ở những chỗ da có nếp gấp. Khi đó, các chất nhờn vón lại trên lỗ chân lông, khiến da bị gồ ghề, xấu xí.

Thiếu vitamin B3 có thể đưa tới chứng viêm da, da dễ sưng khi trầy xước, tróc vảy, nhất là ở phần da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc chấn thương.

Bạn có thể bổ sung thêm vitamin B cho cơ thể từ các loại thực phẩm như: gan, thận, thịt bò, thịt gà vịt, thịt lợn, sữa, cơm gạo…

Thiếu chất béo: Da bị mụn

Trong thực tế, hầu hết mọi người không thiếu chất béo. Duy chỉ có một số trường hợp bị thiếu chất béo do ăn uống theo chế độ có rất ít chất béo, hoặc ở người phải nuôi dưỡng qua truyền mạch máu lâu ngày.

Nếu thiếu chất béo thì da sẽ bị khô và lớp biểu bì sẽ tróc ra những vảy mỏng nhỏ, thậm chí hình thành mụn.

Để bổ sung chất béo, đừng quên các loại thực phẩm như thịt, cá, lạc, vừng… Chất béo trong các loại thực phẩm này rất tốt cho cơ thể.

Thiếu chất đạm: Da bị khô


Chất đạm là thành phần chính của các tế bào cũng như các cấu trúc khác của cơ thể, nên khi thiếu chất đạm sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Nếu thiếu đạm trầm trọng sẽ mắc bệnh Kwashiorkor là suy dinh dưỡng thể phù và có rối loạn sắc tố da.

Bệnh được cải thiện rất nhanh nếu bạn ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là chất đạm. Chất đạm có nhiều trong đậu nành và các loại đậu khác.

Thái Anh (tổng hợp)


From the same category