Ở tuổi U40, chị Phạm Huyền, thư ký tòa soạn trực tuyến của một tạp chí thời trang hàng đầu tại Việt Nam, học múa cột, lặn tự do và tìm kiếm trải nghiệm mới để lấy lại năng lượng, sự sáng tạo và giữ gìn sức khỏe.
Làm việc trong lĩnh vực báo chí gần 10 năm, chị Phạm Huyền dành từ 8 đến 10 tiếng/ngày cho công việc kể cả cuối tuần. Áp lực phụ trách nội dung trực tuyến cho một tạp chí thời trang hàng đầu tại Việt Nam đã từng khiến chị luôn trong tình trạng căng thẳng, suy nhược và mệt mỏi; đồng thời giảm đi sự sáng tạo và đôi lúc mang đến cảm giác bị “bão hòa”.
Để giải quyết vấn đề này chị Huyền tự mình thử nghiệm nhiều hoạt động khác nhau trong suốt một thời gian dài. Sau cùng, chị rút ra được 4 giải pháp và ứng dụng triệt để trong suốt 5 năm qua giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và giữ vững tinh thần sáng tạo trong công việc.
Trước đây, chị Huyền dành thời gian trong phòng tập gym với nhiều bài tập tăng sức bền và cơ bắp để duy trì sức khỏe. Về sau, chị bị “hớp hồn” bởi bộ môn múa cột và yoga (gồm yoga dây lẫn yoga truyền thống). Có 3 lý do khiến chị Huyền luôn duy trì tập luyện múa cột 3 lần/tuần và yoga 2 lần/tuần.
Thứ nhất, nhờ 2 môn này mà sức khỏe của chị được cải thiện đáng kể. Thứ 2 là chị nhận được nhiều lời khen là cơ thể trở nên thon gọn, chắc khỏe hơn. Và cuối cùng là mọi căng thẳng đều “biến mất” một cách triệt để mỗi khi chị thả người trên cột hay khung dây. Tuy nhiên, chị cũng khuyến cáo mọi người nếu tìm hiểu yoga dây và múa cột thì nên đến những trung tâm uy tín có giáo viên hướng dẫn. Nếu tập ở nhà thì cần có dụng cụ hỗ trợ an toàn hoặc tránh tập các động tác khó.
Một trong những hoạt động vừa giải tỏa áp lực vừa tăng sự tự tin cho chính mình mà chị Huyền rất yêu thích là tham gia các môn nhảy sexy. Với 60 phút cho mỗi lần tập nhảy, chị Huyền không chỉ “đốt” một lượng calorie đáng kể mà còn “loại bỏ” gần hết những căng thẳng từ công việc. Đặc biệt, sau khi tiếp cận các môn nhảy sexy, chị nhận thấy bản thân trở nên gợi cảm, duyên dáng hơn và dám bước khỏi vùng an toàn.
Chị Huyền làm quen với bộ môn freedive (lặn tự do) và scuba dive (lặn bình khí) ngay sau khi biết bơi ở tuổi 30. Điểm chung của hai bộ môn này là giúp chị tìm lại sự bình tĩnh, chậm rãi và học cách quan sát mọi vật một cách thấu đáo. Còn điểm khác biệt chính là nếu scuba dive cho phép người lặn lặn lâu hơn, sâu hơn và dài hơn với sự hỗ trợ của bình khí cùng các thiết bị lặn; thì lặn freedive đòi hỏi người lặn phải học cách điều tiết hơi thở, cân bằng tai tốt để có thể lặn sâu.
Những ca lặn biển không chỉ giúp chị Huyền hiểu rõ thêm về thế giới đại dương mà còn giúp chị sống chậm lại theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cá nhân chị Huyền nhận ra rằng sau vài năm theo đuổi sở thích lặn biển thì chị bớt… nóng tính hơn, bớt vội vàng hơn, và bớt lo nghĩ hơn. Biển cả cũng mang lại nguồn cảm hứng bất tận trong công việc khi giúp chị thực hiện nhiều nội dung với chủ đề mới lạ.
Trung bình mỗi năm chị Huyền luôn dành ít nhất 1 tuần vi vu đến một vùng đất nào đó mà sóng điện thoại và Internet không thể “chạm” đến. Chị tin đó là cách tốt nhất để “detox” bản thân khi khôngcòn phụ thuộc vào công nghệ hay mạng xã hội.
Chẳng hạn, vào năm 2018, chị Huyền và những người bạn từng dành 7 ngày 6 đêm để trekking (đi bộ đường dài) ở thung lũng Markha, Ladakh, Ấn Độ. Trong suốt 1 tuần trekking ấy, mọi người đều vui vẻ tận hưởng 5 không: không Internet, không sóng điện thoại, không điện, không tắm, không chăn ấm nệm êm. Thay vào đó, tất cả được bầu bạn với những ngọn núi cao hùng vĩ, những cánh đồng vàng rực, dòng suối chảy róc rách và thiên nhiên trong lành.
Sau đó, vào năm 2020, chị Huyền cũng dành một tuần ở Phong Nha, Quảng Bình để mục sở thị hệ thống hang động hùng vĩ tại đây từ Hang Én, Hang Va, cho đến Hang Tiên, Hang Sơn… Năm 2022, chị quay trở lại Ladakh nhưng thay vì trekking chị chọn khám phá vùng đất Bắc Ấn bằng cách thuê xe chạy sâu vào những khu làng ít người biết. Cảm giác tách biệt khỏi phố thị ồn ào để bước chậm giữa những con đường ngập tràn cỏ cây, lọt thỏm giữa mênh mông núi trời được chị Huyền ví von là “chất gây nghiện” dành cho những cư dân văn phòng “mắc kẹt” ở đô thị như chị.
Trước tuổi 30, chị Huyền luôn cố gắng đến một đất nước mới để du lịch. Thế nhưng khi bước sang ngưỡng 30, đặc biệt là sau đại dịch, chị thay thế cụm từ “quốc gia mới” bằng “trải nghiệm mới”. Theo đó, chị không còn “chạy” KPI mỗi năm phải du lịch đến một nước mới mà sẽ hướng đến việc cho phép bản thân khám phá nhiều điều mới mẻ, thú vị dù rằng đó là nơi chị đã từng ghé thăm nhiều lần.
Chẳng hạn chị Huyền từng đến Singapore gần 10 lần với những trải nghiệm không giống nhau. Có lúc là chuyến đi để khám phá thế giới ẩm thực đa dạng, từ ẩm thực truyền thống Peranakan đến các thực đơn “từ nông trại đến bàn ăn”; có lúc là hành trình “check-in” loạt bảo tàng vừa ngộ nghĩnh vừa độc đáo tại đảo quốc sư tử. Ngoài ra, Singapore cũng luôn có những triển lãm nghệ thuật với sự tham gia của những nghệ sĩ hàng đầu trong khu vực và thế giới, thậm chí quốc gia này còn có hẳn “Tuần lễ Nghệ thuật” diễn ra thường niên vào tháng 1 thu hút khá nhiều tín đồ nghệ thuật. Indonesia hay tỉnh Quảng Bình, Việt Nam cũng là nơi lui tới thường xuyên của nữ biên tập 8x vì cho phép chị tham gia nhiều hoạt động và khám phá nhiều điều mới mẻ.
Ảnh: NVCC