1. Khám sức khỏe định kỳ
Nhiều người nghĩ rằng đang lúc khỏe mạnh thì không cần phải đi khám sức khỏe. Tuy nhiên, trong cơ thể mỗi người luôn có một số căn bệnh đang phát triển âm thầm và khi những triệu chứng bệnh đã rõ ràng thì việc chữa trị sẽ rất khó khăn, tốn kém, thậm chí là vô phương cứu chữa. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp chúng ta phát hiện một số bệnh chưa bộc lộ các triệu chứng lâm sàng. Việc khám và phát hiện bệnh sớm sẽ giúp chúng ta kịp thời có định hướng điều trị bệnh sớm hơn cũng như ngăn chặn các yếu tố nguy cơ hình thành bệnh.
2. Đầu tư cho bữa ăn
Thời gian vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, đồng thời cũng phát hiện rất nhiều vụ “thực phẩm bẩn” mà theo các chuyên gia sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, để tự bảo vệ sức khỏe của mình, mọi người nên hạn chế ăn uống ở các hàng quán ven đường có điều kiện vệ sinh kém. Thay vào đó, hãy chịu khó nấu nướng ở nhà, và đầu tư cho thực phẩm sạch.
Bên cạnh đó, thói quen ăn uống tùy thích như: không theo bữa, ăn nhiều dầu mỡ đồ ngọt, đói góp ăn dồn, vừa ăn vừa làm việc… đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe như mắc các chứng bệnh về dạ dày, béo phì, máu nhiễm mỡ… Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, bạn cần dành thời gian ăn uống hợp lý, không vừa ăn vừa làm, không nên để quá đói và tìm hiểu chế độ ăn hợp lý cho bản thân.
3. Thực phẩm chức năng
TS. Trần Đáng (Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam) chia sẻ, thực phẩm chức năng được xem như là công cụ dự phòng sức khỏe cho mọi người vào thế kỷ 21. Bộ Y tế thì định nghĩa, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, chúng cung cấp nguồn năng lượng giúp cho cơ thể có được trạng thái thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.
Hiện ngày càng có nhiều người mắc phải những dịch bệnh mới, hoặc những bệnh chưa thể phòng bằng vaccine thì việc hỗ trợ chữa bệnh thông qua các loại vitamin, các vi chất sinh dưỡng, khoáng chất có trong thực phẩm chức năng càng được nhiều người sử dụng để bảo vệ sức khỏe.
4. Nghỉ ngơi
Tình trạng căng thẳng và stress thường xuyên trong công việc, trong cuộc sống không những khiến bạn sút giảm năng lực, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn với các bệnh liên quan như: béo phì, mất ngủ, tim mạch, đái tháo đường, tai biến mạch máu não… Vì vậy, thay vì cứ hùng hục lao vào công việc, bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho bản thân nghỉ ngơi. Những chuyến du lịch ngắn ngày, những cuộc họp mặt bạn bè cuối tuần sẽ là phương cách tối ưu để bạn lấy lại sức khỏe tinh thần.
5. Tập luyện
Lười vận động là một trong những nguyên nhân của các vấn đề về sức khỏe như béo phì, tim mạch, thoái hóa khớp… Vì vậy, tập luyện thể dục thể thao hợp lý để đảm bảo sức khỏe là điều rất cần thiết. Khi có ý định tập luyện, bạn nên lựa chọn hình thức phù hợp với sở thích và điều kiện sức khỏe của bản thân. Khi đã chọn được hình thức tập phù hợp với bản thân thì nên tập tuần tự, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, không nên đốt cháy giai đoạn. Nên duy trì lâu dài, tập luyện thường xuyên, không nên gián đoạn giữa chừng.
Nguyên Hà (theo Sống khỏe)