1. “Detachment” (2011)
Xuyên suốt bộ phim là câu chuyện chân thật về cuộc sống của một nhóm giáo viên tại một trường trung học tại Mỹ. Adrien Brody vào vai một giáo viên dạy thay vừa chuyển đến. Cuộc sống của anh chàng dạy thế những tưởng sẽ trôi qua thầm lặng, cho đến khi anh bị vướng vào những mối quan hệ với các giáo viên trong trường và cả với học sinh mình dạy.
Sau thành công của vai diễn “The pianist”, Adrien Brody cũng trải qua khá nhiều vai diễn có chiều sâu khác nhưng phải đến khi làm việc cùng đạo diễn Tony Kaye trong dự án phim “Detachment”, Adrien mới một lần nữa tỏa sáng bằng tài năng diễn xuất của mình. Trong phim còn có sự tham gia diễn xuất của Lucy Liu, Sami Gayle, Marcia Gay Harden.
Adrien Brody và Sami Gayle trong phim.
2. “Bad Teacher”
Elizabeth Halsey – Cô giáo hay ngủ gục trong chính giờ dạy của mình.
Elizabeth Halsey (do Cameron Diaz thủ vai) chắc chắn là xứng đáng với danh hiệu giáo viên tồi của mình khi cô liên tục ngủ trong lớp học, hút thuốc, chỉ chiếu video mà không truyền đạt bất kì kiến thức nào cho học sinh của mình. Cô cũng chỉ chăm lo vẻ ngoài của mình với mong muốn cưới được anh chàng nhà giàu nào đó cho ấm thân. Tưởng đâu cuộc đời đi dạy Elizabeth sẽ kéo dài như vậy, nhưng sự xuất hiện của chàng giáo viên đẹp trai Scott Delacorte khiến cô rơi vào một cuộc cạnh tranh về tình cảm và sự nghiệp với đồng nghiệp là cô giáo gương mẫu Amy Squirrel. Trải qua các sự cố khác nhau, cô cũng dần dần hiểu ra được ý nghĩa nghề nhà giáo.
Cuộc chiến thú vị giữa hai cô giáo Elizabeth và Amy.
Justin Timberlake cũng góp mặt trong vai chàng giáo viên đẹp trai Scott
3. “Like stars on earth”
Nói về đề tài giáo dục thì gần như ai ai cũng sẽ nhắc đến “Three Idiots” đã đưa tên tuổi diễn viên Aamir Khan đến với toàn thế giới vào năm 2009. Nhưng trong danh sách này, Đẹp Online muốn giới thiệu đến độc giả một dự án khác do Aamir Khan đạo diễn cũng về đề tài giáo dục “Like stars on earth”.
Với thông điệp “Mọi đứa trẻ đều đặc biệt”, bộ phim kể về cậu bé 8 tuổi Ishaan Awasthi bị chứng khó đọc, chứng bệnh vốn khá xa lạ đối với một đất nước như Ấn Độ. Dù Ishaan thể hiện ngay từ bé có năng khiếu đặc biệt về hội họa thì chứng bệnh khó đọc cũng khiến cậu khó khăn trong việc học tập. Sự ghẻ lạnh từ gia đình càng khiến cậu bé khó khăn hơn trong việc bộc lộ bản thân, cho đến khi cậu gặp thầy giáo hội họa Ram Shankar Nikumbh.
Một số cảnh trong phim.
Đây cũng là bộ phim Ấn Độ đầu tiên được Disney phát hành DVD quốc tế vào năm 2010.
4. “Dead Poets Society”
Năm 1959, tại ngôi trường danh giá và lâu đời Welton của bang Vermont tại Mỹ, giáo viên môn tiếng Anh mới đến John Keating quyết định sẽ thay đổi cách dạy truyền thống của trường và mang đến cho học sinh của mình những cái nhìn mới về cuộc sống.
Tất nhiên mang một tư tưởng mới vào dạy học sinh của một ngôi trường danh tiếng và lâu đời vào thời điểm đó sẽ gặp phải rất nhiều sự phản đối từ các giáo viên và ban giám hiệu nhà trường. Nhiều biến cố lớn đã xảy ra đối với cuộc sống của các học sinh trong câu lạc bộ văn học Dead Poets Society như việc các em quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của bản thân, đấu tranh cho công lý,…
5. “Glee”
“Glee” là bộ phim truyền hình nổi tiếng nhất hiện nay về đề tài nhà trường, đây cũng là phim truyền hình duy nhất trong danh sách này. Bối cảnh phim về một nhóm hát Glee ở một trường trung học tại Mỹ, nơi học sinh không chỉ đối mặt với các khó khăn trong học tập mà còn các vấn nạn như bị bắt nạt, bạo hành, mang thai khi còn đi học…
Các vấn đề của học sinh và cách phản ứng của giáo viên với các vấn đề đó ra sao là điều mà các nhà làm phim muốn đề cập đến – khi đưa ra rất nhiều các khuôn mẫu giáo viên khác nhau. Chính bản thân các giáo viên cũng có các vấn đề cần đối mặt trong cuộc sống của họ: từ thầy Will Schuester hết lòng với học sinh nhưng lại lưỡng lự khi đưa ra một vấn đề bản thân, cô giáo Sue luôn độc đoán gây khó dễ với Glee club, đến chuyên gia tư vấn học đường Emma bị chứng bệnh OCD hay như huấn luyện viên Beiste chấp nhận bị bạo hành chỉ vì sợ cô đơn.
Kết:
5 bộ phim trong danh sách mang đến cho mọi người những góc nhìn khác nhau về cuộc sống học đường, chân dung các giáo viên, nhưng không thể phủ nhận sự hi sinh và những cái đáng tôn trọng về nghề nhà giáo.
Bài : Duy Uyên
Ảnh: BBC, studentpulse, film.org