#onhavanCHILL: 5 bộ phim tài liệu giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thể của chính mình - Tạp chí Đẹp

#onhavanCHILL: 5 bộ phim tài liệu giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thể của chính mình

Review

Phim tài liệu giúp ta mở mang vốn kiến thức của bản thân về một lĩnh vực, đồng thời mở ra nhiều khía cạnh và tầm nhìn mới về vấn đề mà mình quan tâm. 5 tựa phim tài liệu dưới đây sẽ là hành trình giúp bạn chữa lành tâm hồn, hiểu hơn về bản thân và tìm thấy niềm hạnh phúc đích thực.

Happy” (2011): Muôn màu của hạnh phúc 

“Happy” là bộ phim tài liệu do đạo diễn Roko Belic cầm trịch, đồng thời ông cũng là người viết kịch bản và sản xuất. Khai thác trạng thái cảm xúc thăng hoa nhất của con người, đó chính là “hạnh phúc”, bộ phim khám phá niềm hạnh phúc của con người thông qua các buổi phỏng vấn tại 14 quốc gia khác nhau. Bởi sự đa dạng đến từ người tham gia khi họ mang những quốc tịch, màu da, tính cách và tư tưởng khác nhau, “Happy” sẽ mang đến những trải nghiệm đặc biệt. Đồng thời, nó cũng mở ra nhiều khía cảnh mới, định nghĩa riêng của mỗi người về niềm hạnh phúc.

Lấy cảm hứng từ một tựa bài báo của tờ New York Times – “Một thước đo mới về sự thịnh vượng từ một vương quốc nhỏ hạnh phúc”, đạo diễn Tom Shadyac đã đề nghị Roko Belic sản xuất một bộ phim tài liệu với chủ đề “hạnh phúc”. Ông đã dành nhiều năm trời để phỏng vấn hàng trăm người với nhiều tầng lớp, quốc gia khác nhau, từ những nhà nghiên cứu đến tài xế kéo xe, các hộ gia đình hay ngư dân… Mỗi người với ngành nghề, lối sống, văn hóa khác nhau đã mang đến những niềm hạnh phúc riêng biệt.

“The Social Dilemma” (2020): Lời cảnh báo từ những người thao túng chúng ta

“The Social Dilemma” là một bộ phim tài liệu do Netflix sản xuất nói về những mối nguy hiểm của mạng xã hội và công nghệ dường như đang thao túng con người. “The Social Dilemma” hội tụ nhiều chuyên gia trong giới công nghệ, những người đồng sáng lập và phát triển tại các công ty hàng đầu thung lũng Silicon: Facebook, Google, Twitter, Instagram, Pinterest…

Bên cạnh giúp con người có một cuộc sống thuận tiện hơn, công nghệ và mạng xã hội cũng là một trong các nguyên nhân gây hại đến đời sống sức khỏe, tinh thần của con người. Các chuyên gia đưa ra nhiều dẫn chứng về tác hại của công nghệ và lý giải, rằng đó cũng là lý do họ từ chức ở những công ty hàng đầu. Một đồng xu luôn có hai mặt, và mặt xấu của nó là đang len lỏi vào cuộc sống của mỗi người, đồng thời trở thành công cụ gián tiếp cho các hành động, ý nghĩ tiêu cực.

“Minimalism: A Documentary about the Important Things” (2015): Triết lý hạnh phúc “less is more”

Đây là một bộ phim tài liệu về chủ đề “lối sống tối giản” với thông điệp “less is more”, càng tối giản càng hạnh phúc. Bộ phim có sự tham gia của nhiều tầng lớp trong các ngành nghề khác nhau, họ cùng nhau chia sẻ lối sống giản dị của mình và niềm hạnh phúc của việc sống chậm lại, không nặng về vật chất.

Lối sống tối giản mang lại nhiều lợi ích cho mỗi người, khiến chúng ta bớt lo toang, không còn phải chạy theo xu hướng của số đông và có lợi trong việc bảo vệ môi trường. Bộ phim được lên ý tưởng, sản xuất  bởi Ryan Nicodemus và Joshua Fields Millburn, cả hai đều là nhà văn, nhà sáng tạo nội dung về chủ nghĩa tối giản trong nhiều năm. Với “Minimalism”, bạn sẽ học hỏi được những kinh nghiệm để bắt đầu lối sống tối giản, đồng thời nhận ra đâu mới thật sự là điều quan trọng đối với mình.

“Headspace Guide to Meditation” (2021): Hướng dẫn về thiền định 

“Headspace Guide to Meditation” là một series trên Netflix hướng dẫn thiền định dành cho những người mới bắt đầu. Với nét vẽ khôi hài và nhiều màu sắc, bộ phim dễ dàng truyền tải phương pháp thiền định đến với các bạn trẻ đang tìm hiểu về vấn đề này. Hình ảnh sống động đã phần nào kích thích sự hứng thú của người xem tìm đến bộ môn này. Bắt đầu với những lợi ích của thiền, sau đó “Headspace Guide to Meditation” sẽ chia sẻ với người xem những kỹ thuật và lời hướng dẫn để mỗi người có thể tự thực hành.

Bên cạnh đó, mỗi tập được chia thành nhiều chủ đề khác, nếu hai tập đầu là kiến thức cơ bản thì những tập tiếp theo series chia sẻ những phương pháp làm giảm các áp lực, căng thẳng và nỗi đau trong cuộc sống. “Headspace Guide to Meditation” mang thông điệp ý nghĩa, định hướng người xem đến một lối sống lành mạnh và tốt đẹp hơn.

“Innsaei: The Power Of Intuition” (2016): Sức mạnh của trực giác

“Innsaei” là một từ cổ tiếng Iceland dùng để chỉ về “trực giác” của con người, nhưng ở đất nước này nó lại mang nhiều ý nghĩa khác nhau như: “nhìn sâu bên trong đáy biển”, “nhìn từ bên trong” hay “nhìn thấu vạn vật từ trong ra ngoài”. Chung quy, “innsaei” dùng để chỉ tâm hồn, những cảm xúc mà ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà phải sử dụng trực giác để cảm nhận.

Bộ phim tài liệu “Innsaei” tụ hội nhiều nhà tư tưởng, tâm linh nổi tiếng. Họ cùng nhau trao đổi và thảo luận về khái niệm “Innasaei” của Iceland, mở ra một thế giới mới khi bạn nhìn sâu vào bên trong và sử dụng trực giác để cảm nhận vạn vật. Theo chân Hrund Gunnsteinsdottir và Kristín Ólafsdóttir băng qua núi rừng và những con phố, có lẽ bạn sẽ hiểu rõ hơn về bản thân cũng như những hiểu biết sâu sắc về cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận về thế giới này.

Tác giả: Mai Vy

29/07/2021, 09:07