42 tỷ và người đàn bà yếu đuối

Các quan chức Cục Điện ảnh đánh mất tài sản do nhà nước và nhân dân giao phó,
thì nhẽ nào cũng chỉ là vì “đi ngủ quên gài khóa cửa” như người đàn bà yếu đuối?



“Cánh đồng bất tận” – một phim tư nhân là ứng viên đại diện
 cho điện ảnh Việt
Nam tham dự Oscar 2012.

Điếc, thôi kệ súng!

2011 là một năm tồi tệ với quan chức lãnh đạo Liên đoàn bóng đá và Cục Điện ảnh
Việt Nam. Trong khi những người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mặt
dày mày dạn chịu đựng không chỉ sự sỉ vả trực tiếp của các đại gia kiêm ông bầu
bóng đá mà còn cả sự ghẻ lạnh của hàng trăm ngàn người hâm mộ, vẫn cố gắng giữ
quyền lực thêm được ngày nào hay ngày ấy, thì lãnh đạo Cục Điện ảnh cũng cố đấm
ăn xôi, giữ ghế cho đến khi không thể giữ được nữa.

Những số tiền lớn và sự ưu ái của nhà nước dành cho bóng đá và điện ảnh nước nhà,
cuối cùng đã đem lại được gì? Bóng đá Việt Nam vẫn loanh quanh trong cái ao tù
nước đọng đầy rẫy chuyện thị phi của Đông Nam Á, bao nhiêu năm rồi vẫn đứng sau
Thái Lan, lúc thắng lúc thua Singapore, Malaysia, Indonesia. Còn điện ảnh Việt
Nam thì chán đến mức thậm chí không còn phân biệt được phim này khác phim kia
cái gì.

Đang xem phim nhiều tập truyền hình bẵng đi mấy ngày bật ti vi lên xem
cứ tưởng là vẫn đang chiếu tập
tiếp theo, mãi về sau xem báo mới biết là phim trước đã hết, phim đang chiếu là
phim khác. Một nền điện ảnh thiếu sáng tạo đến mức hàng chục năm trời vẫn quanh
đi quẩn lại mấy đề tài cũ rích, liệu nó còn sức hút gì với những nghệ sỹ có tài
năng, danh dự và tình yêu điện ảnh hay không?

Vậy mà nhà nước vẫn phải chi tiền cho những giấc mơ tham dự vòng chung kết bóng
đá thế giới, hay là đoạt giải Oscar cho phim Việt. Những khoản tiền ấy đã đem
lại được gì? Nó đã vào
túi ai? Không ai biết, mà chỉ thấy thực trạng ngày càng đáng buồn cho bóng đá và điện ảnh Việt Nam, cũng như những vụ bê bối
ngày càng nghiêm trọng với Liên đoàn Bóng đá và Cục Điện ảnh nước nhà.

Có quá nhiều người phẫn nộ với vụ thất thoát 42 tỷ đồng tại Cục Điện ảnh Việt
Nam, và dường như chẳng ai tin được lời phân trần của các quan chức đứng đầu
Cục, rằng họ đã bị một kế toán viên qua mặt. Rõ ràng đây là một vụ lừa đảo, và
người bị lừa chắc chắn là những người dân đóng thuế. Tuy nhiên, ai là kẻ chủ mưu
thì cho đến giờ
cũng vẫn còn chưa thể khẳng định.

Các quan chức Cục Điện ảnh cố gắng đóng vai
“Không Biết” trong vụ này. Thậm chí họ chỉ lên tiếng xin từ chức khi làn sóng phản đối của các nghệ sỹ và báo chí đã
dâng cao đến mức họ không còn lựa chọn nào khác. Nếu không, có lẽ họ vẫn thản nhiên
mang theo vài bộ phim lấy cớ để bay qua Mỹ xem giải Oscar, vẫn hồn nhiên làm hồ
sơ xin xét tặng giải thưởng Nhà nước và thậm chí vẫn giữ vị trí trưởng, phó ban
tổ chức Liên hoan phim Việt Nam sắp tổ chức vào tháng 12 tới.

Kịch bản tồi hay là diễn viên kém?

Thật khó tưởng tượng một kế toán viên quèn có thể lừa đảo hàng loạt các cán bộ ở
vị trí cao hơn mình, từ kế toán trưởng cho đến Cục trưởng, Cục phó, qua mặt cả
các ngân hàng rất chuyên nghiệp và cẩn trọng trong các giao dịch tiền bạc, và
lại còn
thực hiện hành vi lừa đảo này trong mấy năm liên tiếp. hệ thống kế toán Việt Nam
không đơn giản như trong phim Mỹ, người ta không thể mở một cái cặp đựng máy
tính ra, nhấn vài con số mật mã và chuyển những số tiền khổng lồ vòng quanh thế
giới.

Ở Việt Nam, thậm chí bạn không thể rút tiền nếu chứng minh nhân dân bị
rách, ký chữ ký không giống hệt như chữ ký đã đăng ký. Và ai đã phải đến các cơ
quan nhà nước để nhận tiền, thì đều biết công việc này vất vả gian nan đến thế
nào, dù là bạn có đủ hợp đồng và các giấy tờ cần thiết. Từ ông gác cổng cho đến
chị thư ký giám đốc, ai cũng có thể làm cho việc lấy tiền ra khỏi doanh nghiệp
nhà nước trở thành một “điệp vụ bất khả thi” như trong phim hành động Mỹ.

Dù có tiền hay không có tiền, chúng ta đều biết thời gian gần đây, cơn khát huy
động vốn của các ngân hàng Việt Nam
lớn đến mức nào. Những người còn tiền mặt được săn đón tận tình, và lãi suất gửi
ngân hàng đã có lúc lên đến 18%, thậm chí 19%. Ở thị trường vốn bên ngoài, nhiều
khi người ta phải vay nóng với lãi suất gấp nhiều lần. Ai để trong ngân hàng chỉ
cần vài tỷ đồng là đã được các giao dịch viên chăm sóc tận tình. Nữa đây là 42
tỷ và dù có là những nghệ sỹ quen đi mây về gió, chắc hẳn các quan chức trong
Cục cũng hiểu rõ mối lợi này ?

42 tỷ không lớn trong ngành điện ảnh, nơi mà kinh phí làm phim có thể lên đến
hàng trăm triệu đô-la Mỹ. Nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn tại Việt Nam,
trong bối cảnh thê thảm hiện nay của điện ảnh
nước nhà, rất nhiều diễn viên, đạo diễn phải bươn chải kiếm sống bên ngoài, hầu
như bộ phim nào cũng phải tìm doanh nghiệp tài trợ, và hầu như bộ phim nào lên sóng truyền hình hay ra rạp cũng nhận được phản hồi thiếu thiện cảm của số
đông khán giả, thì số tiền này không chỉ là 42 tỷ nữa. Nó đã thành tia lửa làm
bùng nổ sự phẫn nộ như kho thuốc súng kìm nén lâu nay không chỉ trong giới nghệ
sỹ điện ảnh Việt Nam.




“Khát vọng Thăng Long” – cũng là một phim tư nhân – trở thành đại diện chính
thức của điện ảnh Việt Nam,
tranh giải Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 2012.

Ông Cục trưởng, ông Cục phó và chị đàn bà yếu đuối


Đọc báo chí và các mạng xã hội những ngày này, thấy không chỉ các nghệ sỹ, mà
rất nhiều người dân bình thường cũng căm phẫn với vụ bê bối tại Cục Điện ảnh. Tuy nhiên, trong dòng thác thông tin
toàn những chuyện hiếp dâm tập thể, giết người không ghê tay, suy thoái kinh tế
toàn cầu, các tổng công ty thua lỗ, VFF tiêu cực tham quyền cố vị… thì bản tin
về vụ bê bối của Cục Điện ảnh, và về vụ hiếp dâm mà nạn nhân là chị L.T.h.P ở
Quy Nhơn, Bình Định, là những bi hài kịch hiếm hoi không chỉ làm người nghe phẫn
nộ, mà còn không thể nhịn được cười vì những tình tiết… tưởng như chỉ có trong
phim Việt Nam.


Cảnh trong phim “Bi, đừng sợ!” – Một phim độc lập đã giành được

gần chục giải
thưởng ở các LHP Quốc tế, trong đó có LHP Cannes.


Chị L.T.h.P là một người đàn bà có nhan sắc ở Quy Nhơn, báo chí không nói rõ chị
đã bao nhiêu tuổi, nhưng nhan sắc của chị vẫn làm chàng trai trẻ N.D.N không thể
cầm lòng. Luôn thổn thức nhớ nhung, vào một đêm thanh vắng, hắn đã liều mạng lẻn

vào nhà chị, lao đến bịt miệng và đòi giao cấu. Chị P. không biết chống cự được
bao lâu, nhưng cuối cùng đành nghe theo lời N. và cẩn thận đưa bao cao su để trên đầu giường cho N. sử dụng. Chuyện lạ còn
chưa dừng ở đây, mà còn kéo dài thêm 3 lần nữa, lần nào chị P. cũng đưa “đồ
nghề” cho N.

Không hiểu tại sao chị P. lại quyết định tố cáo N. sau 3 lần “hiếp dâm”, và cũng
chưa rõ ai đã là người đầu tiên phát hiện ra việc 42 tỷ đã bay hơi khỏi tài
khoản của Cục Điện ảnh sau hai năm chẳng ai biết gì. Tại sao một người đàn bà
như chị P. còn biết chuẩn bị bao cao su để tự bảo vệ mình, biết tố cáo tội phạm
trước khi anh ta kịp đi đâu đó, ví dụ trốn ra nước ngoài chẳng hạn. Vậy mà các
quan chức quản lý một Cục to đùng như vậy, lại cứ ngây ngô đến mức tội nghiệp,
cứ như một bà già nhà quê lên à Nội bị móc trộm tiền.

Có thể rất nhiều người mỉm cười trước tình tiết 3 lần “bị hiếp dâm” của vụ án
chị
P.; nhưng dù sao chuyện này cũng còn dễ hiểu hơn chuyện một kế toán viên 2 năm
liền tục rút hàng chục tỷ ra khỏi tài khoản không phải của mình. Cũng chưa rõ
N.D.N sẽ phải trả giá cho tội của mình bao nhiêu năm tù, vì dù sao pháp luật
cũng bảo vệ kẻ yếu, đặc biệt là phụ nữ trong những trường hợp nhạy cảm thế này.

Tuy nhiên, chị P. là một người đàn bà yếu đuối, chỉ đánh mất cái mình có, chứ
không làm ảnh hưởng đến ai. Còn các quan chức Cục Điện ảnh đánh mất tài sản do
nhà nước và nhân dân giao phó. Và dù sự việc có góc độ khôi hài đến đâu, những
người có liên quan cũng không thể không nghiêm túc khi trả lời các câu hỏi của
công luận và cơ quan điều tra.


Bài Hoàng Thổ



 


From the same category